Trang chủ Chính trị Không phải tấm huy chương, mà là tướng sĩ một lòng

Không phải tấm huy chương, mà là tướng sĩ một lòng

122
0

Chưa rõ điểm cuối của cuộc chiến chống dịch bệnh, nhưng ngay lúc này có người ca ngợi “Chính phủ ghi điểm”. Trong khi Thủ tướng cho rằng “Chính phủ không coi đó là thành tích. Đương nhiên phải thắng, vì sức khỏe nhân dân, không được phép thua”.

Không phải tấm huy chương, mà là tướng sĩ một lòng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Ảnh: VGP

Một mai dịch bệnh đi qua, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn không phải là những lời ngợi ca mà là tinh thần đoàn kết còn ở lại mãi như trong những ngày kịch liệt chiến đấu với corona.

Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu với dịch bệnh bắt đầu từ tháng 1, đã chứng kiến tinh thần đoàn kết và đây là một trong những yếu tố gúp VN chống dịch thành công, đã được quốc tế ghi nhận.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 20-3, nhận định những ngày chiến đấu với dịch bệnh là những ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc.

Thủ tướng chủ trì tuần hai cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch bệnh và ngày nào ông cũng cùng toàn dân “đếm” các ca nhiễm mới. Kể cả những thời khắc căng thẳng đỉnh điểm, người đứng đầu Chính phủ cũng không quên bày tỏ tấm lòng tràn ngập biết ơn với người dân, với các “chiến binh” áo trắng, áo xanh của ngành y, công an, quân đội.

15 ngày cao trào của cuộc chiến được xác định từ 0h ngày 1-4. Trải qua hai tuần quyết định, có địa phương vội vàng đổ đất, lập rào chắn, “đắp lũy, xây thành”.

Có địa phương vội vã yêu cầu dừng tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn. Có địa phương buộc tất cả các xe quay đầu khi đến địa phận của mình… Chính phủ phải quyết liệt phát đi mệnh lệnh “không được ngăn sông cấm chợ”.

Gần hết thời điểm cao trào, số ca nhiễm bệnh ngày lại ngày thưa nhặt, không như dự báo ban đầu, diễn biến khá yên ả.

Với mức độ càn quét khủng khiếp, corona không như bất kỳ một “cơn bão” dịch bệnh nào từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Ngay ở các quốc gia siêu cường nhất thế giới cũng điêu đứng.

Chính phủ xác định đây là cuộc chiến đương nhiên phải thắng, vì sức khỏe nhân dân, không được phép thua thì mọi giải pháp đặt ra để mang đến kết quả này đều là đúng, bất kể một số hậu quả ngoài ý muốn xảy ra, như việc địa phương vội vã “xây thành, đắp lũy”.

Dù vậy, còn một câu chuyện khác lớn hơn “xây thành, đắp lũy”. Đó là GDP, tăng trưởng kinh tế rơi xuống mức tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua.

Bây giờ sự đồng thuận vẫn có thể đạt được khi GDP hiện tại của Việt Nam so với thế giới là mức cao. Tuy nhiên, ngay khi phôi pha về corona, đã có rất nhiều lo lắng về GDP.

Không phải tấm huy chương, mà là tướng sĩ một lòng
Các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trở lại sau khi tạm ngưng từ 24-3 – Ảnh: TRẦN MẠNH

Thực tế đã cho thấy vào năm 2016, với sự cố biển môi trường miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, kéo theo sự lao dốc của GDP năm đó.

Vừa cật lực giải quyết sự cố, Chính phủ vừa cật lực thúc cho GDP đi lên. Từ năm 2017, GDP bật dậy. Tưởng là sẽ vui, nhưng không, ở nghị trường nổ ra các cuộc tranh cãi như bất tận.

Đại biểu Quốc hội nói thẳng họ hoài nghi sự tăng tốc “thần kỳ” của GDP và gọi các con số phần trăm tăng trưởng là “kỳ lạ”, “kỳ dị”.

Tình hình “dậy sóng” đến nỗi tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phải ra sức quả quyết trước dư luận về việc “không có chuyện phải gửi bất kỳ ai duyệt trước khi công bố kết quả thống kê”.

Chừng ấy diễn biến cũng đủ thấy rằng GDP luôn là áp lực rất lớn với Chính phủ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, con số này đi xuống hay đi lên cũng đều khó được thực sự đồng cảm.

Năm 2020 bắt đầu với sự dị thường mang tên corona. Chính phủ không bất ngờ khi đã được tôi luyện bản lĩnh đối mặt với dị thường.

Như vào năm 2019, khi nhận định tình hình dịch tả lợn châu Phi “cực kỳ phức tạp”, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn ra các ví dụ.

“Chưa bao giờ có hoa sữa nở vào tháng 5, chưa bao giờ hoa phượng và hoa bằng lăng nở cùng một nhịp, chưa bao giờ giữa mùa hè mà ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có gió mùa và mưa phùn – ông Cường nói – Thế mà tất cả những điều chưa bao giờ xảy ra đó đều diễn ra”.

Hiển nhiên tất cả điều đó không thể so sánh với corona đang khiến cả thế giới điêu đứng. Nhưng ít nhất cũng đủ giúp cho Chính phủ có “cái đầu lạnh” để đương nhiên chiến thắng.

Với “trái tim nóng”, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong hết thảy không phải là tấm huy chương cho Chính phủ thời “hậu chiến”, mà là những cảm xúc ngọt ngào “tướng, sĩ một lòng phụ tử…”.

Khi dịch bệnh qua đi, đừng lại bắt đầu những cuộc tranh cãi như là bất tận để “luận anh hùng”.

Nhất là Chính phủ không từng tính đến việc chiến đấu với dịch bệnh là để trở thành “anh hùng”. Thủ tướng nói, “hãy dành danh hiệu đó cho toàn dân”.

ĐOÀN TRẦN/TT


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây