Hôm nay 15/04, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã bàn thảo và thống nhất kiến nghị Thủ tướng các gói giãn cách xã hội phù hợp với từng nhóm tỉnh thành. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội như Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện nới lỏng. Chưa biết quyết định của Thủ tướng chiều nay sẽ như thế nào, nhưng theo cá nhân tôi nghĩ giãn cách những ngày tới nên đi theo hướng đấy. Tại sao ư?
Đồng ý là chống dịch, Việt Nam đang làm rất tốt. Tôi nghĩ là quá tốt ấy chứ! Minh chứng là số ca nhiễm chỉ 267 người và chưa có ca nào tử vong. Thêm nữa, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn do dịch, với tổng kinh phí 62.000 tỷ đồng là một cố gắng lớn và cũng đáng ghi nhận vì số người được hỗ trợ là những lao động hợp đồng ngắn hạn, lao động tự do, người nghèo. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn chưa thể giải quyết hết được những khó khăn của hàng vạn doanh nghiệp đang lao đao, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẽ hầu như đã đóng cửa cách ly, biết bao con người chưa biết vài tháng nữa nếu dịch bệnh vẫn hoành hành thì lấy gì trang trải? Cuộc sống đâu chỉ đơn giản ra ATM gạo xin vài cân, nhận trợ cấp 1 triệu đồng hay mong quà từ thiện của ai đó. Rồi đến lúc những đồng tích lũy của đại đa số sẽ dần trôi, từ từ biến mất thì ai sẽ đỡ đần ai?
Cứ tự đặt mình vào vị trí những người nông dân vay tiền ngân hàng trồng rau quả mà hóa trái thối rục ngoài đồng. Thử tưởng tượng mình là chủ một doanh nghiệp mà cửa hàng, sản xuất đóng băng, hàng hóa, tồn đọng, vật tư còn không mua nổi mà ngày ngày vẫn phải trả lương, tiền thuê mặt bằng, lãi vay sẽ thấy việc “đóng băng” toàn xã hội khiến người dân và doanh nghiệp lao đao đến thế nào.
Chống dịch, tất nhiên, vẫn rất cần quyết liệt, nhưng cũng nên cân nhắc, có thể chống nhưng có những lựa chọn, bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ, hồi phục kinh tế mà không ảnh hưởng nhiều, không làm tình hình dịch bệnh xấu đi, thì tại sao không?
Thiết nghĩ, những tỉnh, thành phố nào mà dịch bệnh đã hết chưa có dịch thì lệnh cách ly xã hội có lẽ cũng nên nới lỏng. Tại đó, vẫn có thể yêu cầu người dân chú ý các biện pháp tự bảo vệ, giữ khoảng cách cách ly… Và có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh cần được cho khôi phục hoạt động. Giữa các tỉnh, ra vào có sự kiểm soát chặt chẽ, thì dịch vẫn không thể xâm nhập. Nếu dịch ngắn ngày thì cả nước xung trận, đánh xong về cày ruộng tiếp cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu dịch diễn biến phức tạp, kéo dài thì phải “tay cày, tay súng”, thực hiện tốt “hai mũi giáp công”, có địa phương là “tiền tuyến” có tỉnh thành làm “hậu phương”. Có như vậy sẽ làm bớt đi những bé Sò cõng gạch; cậu bé bán mướp, thầy giáo người Anh ra đường cầm bảng xin được hỗ trợ; những dòng người chen lấn, xô đẩy trước ATM gạo và giảm cả những lo âu, trăn trở cho những ngày khó khăn sắp tới của chúng ta.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò