Tính đến thời điểm 0h30 ngày 14-4 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 1.509 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của Mỹ hiện đã ở con số 23.529, cao nhất thế giới. Và tính đến chiều 13-4, Philippines đã có tổng số 315 ca tử vong và 4.932 ca nhiễm, vượt qua Malaysia có ca nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á. Điều này cho thấy, diễn biến của COVID-19 đang hết sức phức tạp, khó lường và cho đến thời điểm hiện tại chưa có tín hiệu dừng.
Với diễn biến phức tạp của COVID-19, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt như Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng…
Tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm COVID-19 là 265, trong đó có 160 người đã chữa khỏi. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Tín hiệu vui là, những ngày qua, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội được áp dụng vào thực tiễn, thì số người nhiễm được kiểm soát, số mắc mới đã giảm liên tục từ ngày 4-4 đến nay. Nếu thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4-2020, số bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày tại Việt Nam đều trên 10 người (ngày 22-3 ghi nhận tới 19 bệnh nhân), các ổ dịch mới mất dấu ca F0 liên tiếp xuất hiện… Thì trong 10 ngày trở lại đây, số người nhiễm giảm hẳn, ba ngày có số mắc cao nhất ghi nhận 4 bệnh nhân/ngày, cũng đã có 2 ngày ghi nhận 1 bệnh nhân, và nhiễm là xác định được ngay các F.
Tuy nhiên, hiện nay diễn tiến dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập bệnh vẫn còn rất cao, đặc biệt là người từ nước ngoài về Việt Nam, từ các tỉnh thành khác đến – tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người (như trường hợp “bệnh nhân 262” – công nhân Công ty Samsung tại Bắc Ninh).
Ngoài ra, một số trường hợp sau thời gian điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính, khi xuất viện dương tính trở lại. Có thể họ đã đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng. Đơn cử như trường hợp “bệnh nhân 22” tại Đà Nẵng – điều trị từ 8-3 đến 27-3 đã âm tính. Ngày 11-4, khi người này từ Đà Nẵng đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để xuất cảnh thì xét có kết quả xét nghiệm dương tính.
Để bảo đảm an toàn trước tình hình Covid-19 phức tạp, ngăn chặn làn sóng dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP HCM đã đề nghị Chính phủ cho kéo dài cách ly đến 30-4. Rất nhiều người dân đồng lòng, chung quan điểm yêu cầu các cơ quan chức năng hãy siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiếp tục giãn cách xã hội, cách ly nghiêm túc với người F2, F3, F4 vì sức khỏe và tính mạng của toàn thể cộng đồng.
Bởi, dịch Covid-19 đã và đang kiểm soát tốt tại Việt Nam, nhưng chỉ cần một chút chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, vô ý thức thì không ai lường trước được sự thiệt hại khủng khiếp đến mức nào. Sự thiệt hại đó, nếu một người bị nhiễm không kiểm soát kịp thời, không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi một gia đình, với hàng xóm (khu phố, làng, xã) mà nguy cơ dịch tràn lan, vỡ trận, không chỉ dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị, gây thiệt hại rất lớn ngân sách lại phải chi một số tiền rất lớn cho việc cách ly hàng loạt người trong 14 ngày, điều trị người nhiễm trong phòng áp lực âm; mà kinh khủng hơn là ảnh hưởng cho kinh tế cả đất nước, bệnh dịch kéo dài thì khó phục hồi. Từ đây, hiểu và thấm hơn lời kêu gọi của Thủ tướng, hiểu tại sao người đứng đầu Chính phủ kêu gọi “Mỗi người dân là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội, mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị, nhưng tất cả không nhằm ngoài mục đích bảo vệ quyền được sống khỏe, được đảm bảo tính mạng của người dân. Nhân quyền gắn với nhân sinh, đó là ý nghĩa nhân văn, cao nhất của hai từ “nhân quyền” trong sự tồn tại của loài người.
Có thể nói, những đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội với một số nơi là đầu tàu của đất nước, nơi tập trung đông dân, đó là điều thiết yếu. Và tin tưởng, người dân sẽ chấp hành nghiêm túc như trong thời gian 14 ngày đã qua. Việc giãn cách xã hội, cửa hàng buôn bán tạm thời đóng cửa, doanh thu khó khăn; hay người lao động nghèo, chạy ăn từng bữa, không làm việc là thử thách rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần lá lành đùm lá rách trong những ngày qua, cây ATM gạo, những suất cơm nghĩa tình, những phần quà truyền tay ấm áp, đã và đang chia sẽ giúp nhau vượt qua những ngày khốn khó của đại dịch, chỉ có sự ấm áp tăng lên, chưa người nào phải chết vì đói. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 62.000 của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được duyệt và sắp triển khai đến từng con người. Chuyện cái ăn trong những ngày này không còn là nỗi lo lắng nữa.
Thế nên, nếu giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, chúng ta sẽ làm được việc to lớn, quan trọng bậc nhất, đó là: chiến thắng đại dịch, đẩy lùi COVID-19. Có sức khỏe, còn tính mạng, thì chúng ta sẽ lại làm ra của cải, sản xuất ra hàng hóa, lại xuất khẩu, thu ngoại tệ. Nếu trong giai đoạn này, tham bát bỏ mâm, cố đấm ăn xôi mạo hiểm, chủ quan mở cửa kinh doanh nhộn nhịp trở lại, thì những dự báo về những ngày đen tối, u ám, mất trắng tất cả sẽ diễn ra liền ngay sau đó, không phải là không có cơ sở.
Bồng Vũ
Nguồn: Cánh cò