Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đã đến lúc cần có luật tiếng Việt

Đã đến lúc cần có luật tiếng Việt

165
0

Chuyện cần có luật tiếng Việt đã được một số người đề cập đến cả chục năm nay, nhưng dường như chưa ai bắt tay vào làm thực sự.

Hiện nay, một số người nhân danh nghiên cứu khoa học, muốn cải tiến, thậm chí là muốn thay đổi cách viết tiếng Việt. Điều này rất nghiêm trọng. Đã đến lúc thực sự cần luật tiếng Việt.

Cần hành động, không cần nói nhiều nữa!

Tôi có tham dự và theo dõi một số hội thảo về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Những hội thảo này rất nghiêm túc, đại biểu tham dự là những người có chức, có quyền, có học vị. Ở đó, người ta nói những điều cao quý, thánh thiện; lo cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng, thậm chí bị ô nhiễm… Những điều được nêu ra đều đúng nhưng người ta nói rồi để đó.

Trong mười năm trở lại đây, đã có hàng chục hội thảo về tiếng Việt ở cấp độ và quy mô khác nhau nhưng đều có chủ đề và thành phần tham dự khá giống nhau. Các đại biểu đều tỏ ra rất tâm huyết, nói rất hay nhưng hầu như không làm gì để thay đổi thực trạng cả.

Theo tôi, điều ngăn cản chúng ta thực hiện những điều tốt đẹp mà các học giả nêu ra trong các hội thảo là các đại biểu muốn hoàn thiện tiếng Việt, muốn lời nói, câu viết của tất cả mọi người đều đúng mực. Điều này là duy ý chí, là ảo tưởng. Hơn nữa, nó trái với quy luật phát triển ngôn ngữ.

Ngôn ngữ luôn luôn được làm giàu, làm đẹp, được nâng cao, được hiện đại trong sinh hoạt, trong giao tiếp, trong sự sáng tạo của những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nông dân, công nhân, tiểu thương, học sinh, sinh viên… chứ không phải trong các hội thảo. Tiếng Việt cũng như phần lớn các thứ tiếng trên thế giới không bao giờ hoàn hảo, chúng tiếp tục phát triển và hoàn thiện theo thời gian.

Thực tế, ngôn ngữ phát triển theo quy luật của nó – gắn chặt với sinh hoạt hàng ngày của con người. Những từ mới, những kiểu diễn đạt mới sinh ra ở đây. Trong những cái mới có cái tốt đẹp và cái chưa tốt đẹp.

Đã đến lúc cần có luật tiếng ViệtCần có luật tiếng Việt để khẳng định sự không thay đổi chữ viết trong tiếng Việt hiện hành.

Nhiệm vụ của những người muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là tìm cách phát huy, phổ biến những cái tốt đẹp; kìm hãm, hạn chế những cái chưa tốt đẹp.

Muốn vậy, các học giả không nên liên tiếp tổ chức các hội thảo, khen ngợi điều nọ, phê phán điều kia. Cái cần làm là theo sát cuộc sống, phổ biến những cái tốt đẹp.

Trong quan sát của tôi, tiếng Việt hiện nay đang phát triển theo đúng quy luật của nó nên không có gì phải lo lắng. Chuyện giới trẻ dùng một số từ mới, cách viết mới trong giao tiếp của họ (chủ yếu là nhắn tin qua mạng Internet) là điều bình thường.

Cái gì tốt đẹp sẽ được công nhận và được sử dụng rộng rãi, cái gì chưa tốt đẹp sẽ được hoàn thiện dần, hoặc rơi rụng. Ví dụ, giới trẻ dùng chữ “k” thay cho chữ “ngàn, nghìn”; ban đầu, ít người công nhận nhưng nay có vẻ phổ biến rồi vì đơn giản là nó ngắn gọn.

Đừng lo tiếng Việt bị ô nhiễm, chỉ lo chữ viết bị thay đổi!

Việt Nam đã thay đổi chữ viết ít nhất một lần. Thay đổi từ chữ tượng hình sang chữ La tinh, hay nói cách khác là thay chữ Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ (cách gọi phổ biến đã từ khá lâu).

Nhiều người cho rằng, sự thay đổi đó là một bước tiến, một thành tựu to lớn về khoa học, về văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc ta. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều người ca ngợi điều này; kêu gọi tôn vinh những người có công trong trong thay đổi chữ viết.

Dẫu vậy, tôi xin phép nói điều này. Về nguyên lý, mọi sự thay đổi đều có hai mặt tốt và xấu. Việt Nam thay đổi chữ viết cũng vậy, nhưng chúng ta chỉ nói về mặt tốt của nó, không nói tới mặt xấu.

Theo tôi, việc Việt Nam thay đổi chữ viết đã có những tác động tiêu cực rất lớn và rất rõ ràng (cái tích cực tôi không nói tới nữa). Vì thay đổi chữ viết mà phần lớn người Việt hiện nay không đọc được nguyên bản những tác phẩm văn học có giá trị của ông cha ta trước đây. Chúng ta không được được “Hịch tướng sỹ” của Trần Hưng Đạo, “Bình cáo đại Ngô” của Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du và rất nhiều áng văn thơ của người xưa bằng nguyên bản. Đây chẳng phải là mất mát lớn?!

Hoặc chỉ cần nêu những điều bất tiện thế này trong cuộc sống: Các dòng họ đang tìm lại cội nguồn của mình, mang các cuốn gia phả có tuổi đời hàng trăm năm ra xem; hầu như không có ai hiểu được trong gia phả viết những gì. Mọi người thường bỏ tiền ra thuê dịch nhưng các bản dịch thường là không chính xác vì người dịch cũng không giỏi Hán Nôm, lại chẳng phải còn cháu nên không biết được những uẩn khúc, những biến cố của dòng họ. Thế là nội dung gia phả mất đi sự liêng thiêng, sự tin cậy.

Hay điều khó chịu mà rất nhiều người đang gặp phải: Khi vào các nhà thờ, đền, chùa,… chúng ta gặp những dòng chữ uy nghiêm tráng lệ nhưng hầu như ít người hiểu nội dung của chúng. Có nơi cẩn thận ghi chữ Quốc ngữ bên cạnh, đọc được đấy nhưng chắc gì đã hiểu.

Đó là hậu quả của việc thay đổi chữ viết. Tôi xin nói thêm về hậu quả của việc nhỏ hơn, chỉ cải tiến chữ viết. Trung Quốc tuyên bố độc lập ngày 1/10/1949. Ngay sau đó, Mao Trạch Đông yêu cầu các nhà khoa học phải cải tiến chữ Hán; mục đích là làm cho chữ Hán đơn giản đi để công, nông, học cho dễ. Các nhà khoa học cũng nhanh chóng đưa ra cải cách là tạo ra chữ Hán giản thể; nghĩa là bớt đi một số nét trong những chữ Hán có nhiều nét. Tuy nhiên, chữ Hán giản thể chỉ được sử dụng chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, còn Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan vẫn sử dụng chữ Hán cũ, được gọi là chữ phồn thể.

Lúc đó báo chí ca ngợi đây là một sự sáng tạo đáng giá, một thành tựu khoa học xuất sắc. Nhưng nay, người ta không nói như thế nữa, bởi vì có đối chứng để so sánh. Những nơi không dùng tiếng giản thể là Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, cộng đồng Hoa kiều không hề có tỷ lệ người mù chữ cao hơn Trung Quốc đại lục; sự phát triển kinh tế – xã hội của họ không hề kém.

Hậu quả nhãn tiền là đại đa số người Trung Quốc đại lục không đọc được thơ Đường, hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng như Tam Quốc Diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lưu Mộng… in trước 1950.

Điều quan trọng nữa, việc tạo ra chữ Hán giản thể làm mất đi cái hay, cái đẹp của chữ Hán. Ví dụ, Chữ phồn thể ái là yêu, có bộ tâm (tim), chữ giản thể bỏ mất bộ tâm; yêu mà lại không có tim thì yêu kiểu gì?!

Tôi chỉ nhắc lại như thế để nói rằng, hậu quả của việc thay đổi, cải tiến chữ viết là vô cùng lớn. Trên thế giới, rất ít quốc gia thay đổi chữ viết. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia thay đổi chữ viết và chúng ta cũng không chứng tỏ được những cái lợi mà việc thay đổi chữ viết đem lại.

Việt Nam không phát triển hơn những nước trong khu vực không thay đổi chữ viết của mình. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… vẫn giữ nguyên chữ viết của họ và họ đã đưa đất nước phát triển. Đó là bằng chứng phủ định thành quả to lớn mà việc thay đổi chữ viết đem lại.

Từ những thực tế đó, tôi đề nghị cần phải có ngay luật tiếng Việt để bảo vệ thành quả (hàng vạn cuốn sách, hàng tỷ trang in) mà chữ Quốc ngữ đã tạo dựng được. Phải có luật tiếng Việt để xóa tan tham vọng của những người muốn thay đổi chữ viết của người Việt Nam một lần nữa.

Làm thế nào để nhanh chóng có luật tiếng Việt?

Những năm gần đây, Quốc hội thông qua được rất nhiều luật, nghĩa là việc xây dựng luật diễn ra khá tốt đẹp. Một điều dễ thấy là luật về vấn đề gì thì bộ, ngành liên quan đến vấn đề đó soạn dự thảo.

Tiếng Việt liên quan đến hầu hết mọi bộ, ngành nhưng chính vì thế mà không bộ, ngành nào có trách nhiệm (hay là vinh dự) được đứng ra chuẩn bị dự thảo. Đây chính là một trong những nguyên nhân cho đến bây giờ Việt Nam chưa có luật tiếng Việt.

Để nhanh chóng có luật tiếng Việt, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đảm nhiệm việc này và thành lập tổ soạn thảo. Tổ này cũng không cần quá nhiều người (nên dưới 10 người), có đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam (Viện Ngôn ngữ), Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam và khoảng 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Về mặt pháp lý, không cần tranh cãi nữa vì hiến phápViệt Nam năm 2013 đã công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia rồi. Vấn đề hiện nay là giải quyết một số vấn đề thuộc phạm trù lý luận và một số vấn đề thuộc về kỹ thuật.

Trước hết, luật tiếng Việt phải khẳng định được là trải qua hàng trăm năm phát triển, tiếng Việt hiện nay đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với khi mới được thiết lập. Tiếng Việt hiện nay đủ khả năng miêu tả, phản ánh, chuyển tải tất cả tri thức mà loài người sáng tạo nên.

Thứ hai, tiếng Việt vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong cuộc sống thông qua hoạt động của tất cả người dân, từ các giáo sư đến các em bé mới biết nói; từ các nhà văn, nhà báo, nhà giáo đến những người nội trợ, người bán hàng rong…

Thứ ba, tiếng Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm giàu thông qua việc lĩnh hội (không phải vay mượn) những cái mới, cái hay, cái đẹp của những ngôn ngữ khác trên thế giới thông qua hoạt động ngoại giao, trao đổi văn hóa, hợp tác kinh tế…

Như vậy, cần có luật tiếng Việt để khẳng định sự không thay đổi chữ viết trong tiếng Việt hiện hành. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thực tế cuộc sống. Thống nhất cách viết liên quan đến tên đất, tên người, tên tổ chức nước ngoài.

Đây là những vẫn đề rất bức xúc liên quan đến tiếng Việt hiện nay.

Hồ Bất Khuất

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây