Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội trong 15 ngày (từ 01/4 đến 15/4) vì đây là khoảng “thời gian vàng” ngăn dịch bệnh lây lan. Trong những ngày đầu, yêu cầu này được người dân thực hiện khá nghiêm túc, nhưng những ngày gần đây, lượng người dân đổ ra đường ngày càng nhiều, xem “như chưa hề có cuộc giãn cách xã hội”.
Họ vẫn vô tư, chủ quan như thể đại dịch đang ở đâu rất xa đất nước này. Vẫn còn đó một số người thờ ơ và vô trách nhiệm với sức khoẻ của bản thân cũng như của cộng đồng. Vẫn có người “xông” vào chỗ đông người dù lý do có khi chỉ là đi thể dục hay đi chơi, đi thăm bạn bè, đi dạo, thậm chí, tụ tập ăn chơi. Vẫn có cửa hàng dù không thuộc loại thiết yếu nhưng đã manh nha mở cửa, dù là mở hé, mở nửa cửa…
Thật buồn vì vẫn là câu chuyện ý thức và nhận thức. Nhà nước đã kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch, Thủ tướng Chính phủ đã gửi tin nhắn đến từng người và cộng đồng đã mong mỏi “một người vì mọi người”. Để đi đến quyết định cách ly, cả Chính phủ và các chuyên gia phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ với nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho 100 triệu dân. Nhưng có lẽ từng đó dường như vẫn chưa đủ để một số ít nhưng lại có nhiều nguy cơ tác động xấu đến số đông nhìn ra những điều mà họ phải thấy. Có lẽ những biện pháp cứng rắn và “bàn tay sắt” phải áp dụng ngay trong tình hình này.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường”. Chính phủ đã hy vọng vào ý thức và sự đồng lòng của người dân để chung tay đẩy lùi dịch bệnh nhưng vẫn còn đó, những con người không chấp hành những quy định giãn cách xã hội. Nếu không mạnh tay, chúng ta cứ mãi đuổi theo các ổ dịch để dập, dập xong sẽ lại đuổi theo ổ dịch khác vì sự vô ý thức của một số cá nhân. Cuộc chiến với đại dịch khi đó sẽ kéo dài dai dẳng, không hồi kết, gây tổn hại lớn lao về kinh tế. Phạt nặng, nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ trong diễn biến phức tạp và hậu quả khó lường của dịch bệnh mới chính là nhân đạo, sự nhân đạo cần thiết cho hàng chục triệu dân và tương lai đất nước.
Ngày 10/4 vừa qua, TAND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Đào Xuân Anh 9 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật hình sự. Đây là trường hợp đầu tiên phải ngồi tù vì không những không chấp hành quy định đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng cùng với hành vi xúc phạm, dùng mũ cối đánh cán bộ trong chốt kiểm soát. Sau khi thanh niên này bị xét xử, công chúng hầu hết đều đồng tình, cho rằng việc xử lý dứt khoát, nghiêm khắc với những hành vi chống đối, vô ý thức như trên là cần thiết.
Có thể thấy, đã có người bị phải trả giá vì lý sự chống đối, không tuân thủ cách phòng chống dịch. Nhưng thiết nghĩ sẽ tốt hơn, nếu mỗi người dân ý thức được rằng, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang ngày đêm canh giữ, túc trực từ biên giới đến các khu cách ly, để bảo vệ sức khỏe người dân.
Vỡ trận, đổ sông đổ bể, chết chóc, đau thương… đó không còn là dự báo mà là nguy cơ hiện hữu nếu mọi người vẫn đổ ra đường đông đúc, bất chấp chỉ thị giãn cách xã hội của người đứng đầu Chính phủ. Đừng tưởng con virus này đã thua và đã bị đẩy lùi, nó đang ngấm ngầm củng cố lực lượng trong cộng đồng để phản đòn đấy. Cú phản đòn có thể đến ở phút 89, thậm chí bù giờ. Lúc đó chúng ta không còn cơ hội để sửa sai!
Cái giá đổ ra đường lớn lắm, đừng chủ quan! Đừng để Việt Nam là nước dẫn đầu rồi lại về đích cuối cùng chỉ vì sự thiếu ý thức của một số người dân!
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò