Chúng tôi về thăm xã Phú Hải, anh Phan Văn Song và anh Nguyễn Đức Quyền đưa chúng tôi thăm lại bãi biển, nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng, nơi bàn chân chiến thắng của chúng tôi từng in dấu. Hôm nay về đây, lòng chợt vui thấy biển không già, phá Tam Giang hiền hòa như nghìn đời vốn có, cuộc sống hồi sinh trên từng gương mặt rạng ngời, trên mỗi bước chân tự tin tiến lên phía trước của người dân Phú Hải, Phú Vang.
Trong chúng tôi, hẳn không ai quên được cái lần đơn vị vượt phá Tam Giang chặn đường rút lui của hơn 12 nghìn lính thủy quân lục chiến quân đội VNCH vào Đà Nẵng. Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Xuyên, nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 20, Trung đoàn 1, sư đoàn 324 (C20, E1, F324) người dẫn đường cho chúng tôi vào trận, đứng trước phá Tam Giang anh kể: Sáng 24-3-1975, tầm bốn rưỡi, năm giờ, Bộ Tổng tư lệnh nhận định, địch ở Quảng Trị và Huế đang dồn xuống cửa Thuận An, lúc đó đồng chí Danh, Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Phúc Thanh, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 324, đồng chí Núp, Trung đoàn trưởng và đồng chí Định, Chính ủy Trung đoàn 1 lệnh cho đơn vị bắt đầu tác chiến. Khi bộ đội ta tràn xuống Thuận An thì thuyền của bà con bị địch chiếm để rút chạy, chúng tôi phải dùng loa gọi đồng bào đến giúp ta vượt phá truy đuổi quân địch… Đêm 25-3, cuộc chiến đấu trở nên vô cùng quyết liệt. Đẩy lui được quân địch nhưng gần 30 đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Họ đã anh dũng hy sinh ngay trước ngày toàn thắng.
Các CCB từng tham gia trận chiến đấu cuối cùng, giải phóng Thừa Thiên Huế về thăm Thuận An năm 2019
Để xuống được đến bãi biển này, chúng tôi đã trải qua những ngày chiến đấu đầy gian khố hy sinh. Bên tách cà-phê, mắt nhìn xa xăm. CCB Tạ Văn Long, nguyên chiến sĩ C2 nhớ lại: Trong chiến dịch K 175, đơn vị mình (K1, E1, F324) có nhiệm vụ chiếm lại cao điểm Mỏ Tàu. Cuộc chiến đấu những ngày ở đây rất tàn khốc, đơn vị trước hy sinh và bị thương rất nhiều. Ta nhiều lần chiếm được điểm cao nhưng lại bị bật ra bởi hỏa lực rất mạnh của địch. Chúng tôi được lệnh giành lại Mỏ Tàu, anh em rất lo lắng.
Tôi nhớ hồi đó đồng chí Tuấn, Chính trị viên tiểu đoàn đã phải đề đạt với cấp trên: “Nếu phải lấy lại Mỏ Tàu, xin các anh để bốn anh em trong ban chỉ huy tiểu đoàn lên đánh, có hy sinh cũng chỉ bốn anh em chúng tôi chứ để bộ đội ta lên đó thì thương vong sẽ rất lớn”. Nói vậy để thấy cuộc chiến đấu ở đây nó khốc liệt như thế nào. Ngày 22-3, chúng tôi vẫn sẵn sàng chờ lệnh trong căng thẳng tột cùng. Tâm trạng của người lính khi thực hiện một nhiệm vụ mà cầm chắc là hy sinh, có đi không có về nó nặng nề làm sao. Đến nửa đêm chúng tôi được lệnh bỏ qua Mỏ Tàu và hệ thống phòng thủ dày đặc của địch hành quân xuống đồng bằng. Như trút được gánh nặng, vừa không phải đánh Mỏ Tàu, vừa được hành quân xuống đồng bằng.
Chúng tôi hành quân suốt đêm, đã được nghe tiếng gà gáy ở mấy thôn làng đi qua. Ôi! Tiếng gà gáy sớm nó thân quen, ấm áp làm sao, chợt nhớ nhà đến cồn cào. Chỉ vậy thôi mà tôi đã chậm lại vài nhịp, phải chạy gằn mới kịp anh em. Cứ lầm lũi trong đêm, có lúc chúng tôi đi ngay dưới chân trận địa pháo La Sơn, nghe rõ tiếng chúng đọc phần tử bắn lên rừng, bấm bụng cười và rằng, các con đang bắn vào vườn không nhà trống rồi, cứ bắn nữa đi…
Gần sáng 23-3, chúng tôi vượt đường 1, đoạn thuộc huyện Phú Lộc. Khi vào đến một làng ven đường thì địch phát hiện và phản kích. Chúng tôi chỉ đánh trả khi thật cần thiết chứ không tấn công bởi mục tiêu của chúng tôi không phải tụi này. Cả ngày, vừa đánh địch phản kích vừa chuẩn bị để vượt phá Tam Giang. Tối 23-3, chúng tôi bắt đầu vượt phá. Khi chúng tôi đang trên một đập đá hai bên là nước thì pháo địch bắn, việc tránh trú là không thể, những lúc như thế chỉ còn biết phó thác thân mình cho số phận. May mà chỉ là những loạt pháo cầm canh. Qua phá Tam Giang, đêm đó chúng tôi hành quân về Thuận An. Có những đoạn ta và địch đi song song với nhau mà chúng không hề hay biết, tôi còn nghe rõ tiếng chúng chửi đời trên đường rút chạy. Cứ vậy cho đến sáng, khi ta và địch nhìn thấy nhau, chúng tôi bắt đầu nổ súng, địch vừa chống trả vừa lui ra phía biển. Cả ngày hôm đó (24-3) chúng tôi quần nhau với địch trên bãi biển Phú Vang.
Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến cuối cùng giải phóng Thừa Thiên Huế.
CCB Nguyến Tất Ngọc, nguyên chiến sĩ liên lạc C2 cho biết thêm: Hồi đó, đơn vị chúng tôi chỉ một tiểu đoàn nhưng đã chiến đấu với cả sư 1 VNCH cộng với hai lữ đoàn thủy quân lục chiến, biệt động, lính dù, bảo an dân vệ. Lực lượng này lớn gấp nhiều lần chúng tôi. Mờ sáng 24-3, chúng tôi nổ súng đánh trận đầu tiên. Địch tháo chạy, tan giã và đầu hàng rất nhiều, ta đã bắt sống hàng nghìn tù binh. Tôi và đồng chí Sơn hai anh em yếu nên đã không theo kịp đơn vị, một đồng chí chỉ huy tiểu đoàn giao cho chúng tôi mấy tên hàng binh, đang mệt nên đồ nặng chúng tôi trút hết cho chúng và chỉ cầm súng áp tải về nơi tập kết. Cũng phải đến gần trưa anh em tôi mới về đến đơn vị, lấy lại đồ đoàn và bắt tay ngay vào chuẩn bị chiến đấu.
Cả đêm 24, ngày 25 và đêm 25-3, chúng tôi quần nhau với địch trên bãi biển thuộc xã Phú Hải, Phú Vang. Không còn đường lui nên địch chống trả khá quyết liệt. Mờ sáng 25-3, hôm đó sương mù dày đặc, đào xong hố chiến đấu của mình, mệt quá tôi ngồi lên chiếc xẻng trên miệng hố và thiếp đi. Bỗng nghe tiếng gọi giật giọng của đồng chí tiểu đội trưởng Vũ Văn Mật: “Sơn! Xuống!”, vừa kịp lăn xuống hố thì đạn địch đã rít trên đầu. Khi được lệnh xung phong, nhìn lại thấy mấy cây dương đã được đạn địch “bóc vỏ”, thật may. Tại trận chiến đấu ấy, chúng tôi đã tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch, bao sắc lính tan tành dưới chân, bắt sống hàng nghìn tù binh, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế. Và cũng tại trận chiến đấu ấy, nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi không về, máu của các anh đã thấm đẫm đất Thừa Thiên.
Giờ đây mỗi lần về Huế chúng tôi không quên đến Phú Hải thắp hương tưởng nhớ những đồng đội của mình đã ngã xuống năm xưa.
Ngụy Hoàng Sơn (Nhân dân)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ