Dịch bệnh Covid 19 tại Việt Nam hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đã có 257 ca mắc Covid 19 trên toàn quốc. Để đối phó với dịch, thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đó đặc biệt là ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội.
Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết, phải đeo khẩu trang, giãn cách đúng 2 m. Các cửa hàng ăn uống và nhiều loại cửa hàng khác không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa.
Lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực từ ¼ đến 15/4. Có thể nói trong tuần đầu, người dân đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần thứ hai, người dân đã có biểu hiện chủ quan và đổ ra đường nhiều hơn, bất chấp lệnh giãn cách xã hội.
Nhiều người dù không thực sự có việc gì cần thiết cũng đổ ra đường. Nhiều người kéo nhua ra các địa điểm công cộng tập thể dục đông đúc. Một số cửa hàng manh nha mở cửa trở lại, nhiều tuyến đường bị tắc giống như chưa hề có lệnh giãn cách xã hội.
Có vẻ như sau khi tình hình dịch bệnh có một số tín hiệu khả quan như số ca mắc mới không nhiều, nhiều người được chữa khỏi, một số người đã có tâm lý chủ quan rằng dịch đã bị dập tắt, do đó lại kéo nhau ra đường.
Đây là điều hết sức nguy hiểm và đáng lo ngai, bởi lẽ dù số ca mắc mới không nhiều nhưng lại chủ yếu là ca phát hiện trong cộng đồng đồng nghĩa với việc dịch có thể vẫn đang âm thầm lây lan. Đặc biệt, có nhiều trường hợp chưa thể truy ra nguồn lây bệnh, đã có hiện tượng lây nhiễm chéo như liên quan ổ dịch Bạch Mai hay Hạ Lôi. Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao nếu như chúng ta không thực hiện tốt lệnh giãn cách xã hội.
Giãn cách xã hội vẫn là biện pháp mang tính quyết định trong thời khắc quyết định này.
Nếu như dịch bùng lên, chúng ta sẽ vỡ trận. Lúc đó chúng ta sẽ rơi vào thảm cảnh giống như Mỹ, Trung Quốc, Ý , Anh, Pháp. Số ca nhiễm sẽ là hàng nghìn người chứ không phải là vài trăm như bây giờ. Số ca tử vong chắc chắn cũng sẽ không ít khi hệ thống ý tế quá tải và chúng ta không còn điều kiện tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng.
Đừng nghĩ những nước như Mỹ, Trung, Ý, Anh hệ thống y tế họ kém hơn ta. Họ hơn ta về y tế nhưng chẳng qua họ chậm trễ trong đối phó dịch nên đến khi dịch bùng lên, họ không thể kiểm soát nổi và bị vỡ trận, dẫn tới số tử vong tăng cao.
Và hãy nghĩ đến bao công sức của Chính phủ, của những người tuyến đầu như bộ đội, bác sĩ, Công an đã mất bao nhiêu công, bao nhiêu của để chúng ta giữ vững được trận địa cho đến ngày hôm nay. Nhưng cuộc chiến chưa kết thúc, dịch chưa thực sự bị đẩy lùi. Nếu chúng ta chủ quan, chúng ta có thể ăn phản đòn vào những phút cuối cùng, thậm chí là phút bù giờ.
Nếu vỡ trận, chúng ta sẽ chứng kiến những cái chết tức tưởi, lạnh lẽo của người thân chúng ta và có thể là chính chúng ta.
Thế nên một lần nữa mong mọi người hãy thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội để chúng ta có thể thực sự chiến thắng được đại dịch Covid.
Viễn
Nguồn: Dân quyền