Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng dịch Covid- 19 lây lan ra cộng đồng và phải thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không chủ quan.
Một số ca mắc mới chưa xác định được nguồn lây
Sau 9 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc mới mỗi ngày giảm, có thời điểm, số ca được công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca mắc mới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là một số bệnh nhân mới như 237, 243 và 251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay, đối các ca lây trong cộng đồng, việc tìm nguyên nhân gây bệnh rất khó. PGS Phu cho biết, trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng, tập trung lại nên dễ xác định được nguồn lây. Tuy nhiên hiện nay, dịch lây ra cộng đồng nên rất khó.
“Chúng ta hiện nay không biết được đâu là người mang bệnh đâu là người lành. Dù số người nhiễm chưa nhiều, nó vẫn có khả năng lây. Khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh” – PGS Phu cho biết.
Thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch
Trong mấy ngày qua, hiện tượng người dân lại ra đường, nhất là ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM như chưa hề có lệnh cách ly xã hội. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân đang có tư tưởng chủ quan. Điều này vô cùng nguy hiểm, sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên bất cứ lúc nào. “Ở nước ngoài, quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận. Nếu tìm được nguồn lây thì đâu cần làm giãn cách xã hội”- PGS Phu cho biết.
Theo PGS Trần Đắc Phu, dịch Covid-19 đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. “Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi” – PGS Phu nói.
PGS Trần Đắc Phu cũng cho biết, bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày). Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của đối tượng mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.
PGS Phu cũng cảnh báo, hiện nay, các ca cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều nhưng xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ.
“Ở một số nước trên thế giới, giai đoạn đầu của dịch chưa có đủ năng lực xét nghiệm. Sau đó, khi số ca mắc tăng nhanh, họ triển khai xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng, từ đó phát hiện nhiều ca bệnh” – PGS Phu nêu rõ.
Theo PGS Phu, hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo triển khai xét nghiệm những ca sốt, ho, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. Nghiên cứu cho thấy, 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng, 20% có triệu chứng nhẹ không đi bệnh viện, vì vậy, ông Phu cho rằng, cần phải xét nghiệm rộng rãi để tầm soát được hết những đối tượng này.
PGS Trần Đắc Phu nêu rõ, tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng. Các địa phương tuyệt đối không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ rằng các ca nhiễm mới có liên quan đến ổ dịch cũ.
“Tôi khuyến cáo người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nghiêm chỉnh và quyết liệt. Tuyệt đối không được chủ quan. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch thì sẽ kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh” – PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Minh Khánh/VOV
Nguồn: Cánh cò