Ngày 2/4, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam xảy ra vụ tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. Sự việc khiến dư luận quốc tế phản ứng gay gắt trước hành động vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng của Trung Quốc.
Theo thông tin ghi nhận, khoảng 3 giờ, ngày 02.04, tàu cá mang số hiệu QNg 90617 TS, có công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (SN 1987) ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm (ở tọa độ 16°42’ N – 112°25’ E). Lúc bị đâm, trên tàu cá QNg 90617 TS có 8 ngư dân. Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân nói trên đưa về đảo Phú Lâm. Sáng cùng ngày, khi nhân được tin báo về tàu của ông Thọ bị dâm chìm, các tàu cá QNg90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, tàu QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng đều của Quảng Ngãi đã cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Ngay sau nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng kịch liệt phản đối hành động của phía Trung Quốc khi lấy một tàu quân sự đâm chìm một tàu dân sự nước ta đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định rõ: “Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối gay gắt hành động vi phạm trắng trợn pháp luật quốc tế của Trung Quốc, điển hình như Hoa Kỳ và Philippines. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự việc này, Người phát ngôn cơ quan này, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh “thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông”. Phía Philippines cũng thể hiện quan điểm lật tẩy chiêu trò bẩn thỉu quen thuộc cảu Trung Quốc bởi ngư dân của chính nước này cũng từng bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc giữa biển Đông. Các quốc gia đều nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc là tạo ra các sự cố trên biển để làm phát sinh quyền hợp pháp trên biển Đông.
Sự thật quá rõ ràng nhưng sau khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam thì phía Trung Quốc lại thể hiện sự tráo trở của mình khi ra tuyên bố phủ nhận trắng trợn sự thật, bịa đặt ra việc tàu cá Việt Nam cố tình đâm vào tàu hải cảnh của Trung Quốc. Thậm chí, sau khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc còn tự cho mình là ân nhân khi bịa đặt thêm thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc thực hiện giải cứu ngư dân Việt Nam. Phát ngôn của Trung Quốc về sự việc này là sự bịa đặt trắng trợn, vốn song hành các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông trước đây.
Hành động quá khích này của Trung Quốc cho thấy cộng đồng quốc tế cần chung tay gây sức ép đến Trung Quốc, không để quốc gia này ngang nhiên vi phạm pháp luật quốc tế, quân sự hóa các quan hệ dân sự thông thường tiến tới độc chiếm biển Đông..
Công Lý
Nguồn: Nhân quyền Việt Nam