Trang chủ Luận bàn - Phản biện ‘Cách ly’ và ‘phong tỏa’ – tiếng trống trận toàn cầu chống...

‘Cách ly’ và ‘phong tỏa’ – tiếng trống trận toàn cầu chống đại dịch

173
0

Nhiều biện pháp mang tính cấp cứu tạm thời nhưng sẽ để lại hậu quả trọn đời… Những quyết định mà bình thường có thể mất nhiều năm để cân nhắc sẽ được thông qua chớp nhoáng.

“Cách ly, cách ly và cách ly”, “Phong tỏa, phong tỏa và phong tỏa” – những âm thanh đồng điệu, chung nhịp đang dền vang như tiếng trống trận thôi thúc toàn thế giới, từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, trong nỗ lực dồn dập đẩy lui đại dịch Covid-19.

Ai nơi nào, ở yên chỗ đó

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi đi một thông điệp quan trọng: “Trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19 ở Việt Nam”.

Ông yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Có thể, các quán bar, karaoke, các nơi vui chơi giải trí, các cơ sở tôn giáo hay bất kỳ nơi nào tụ tập đông người đều phải đóng cửa.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm người đi nước ngoài về từ 8/3 để xét nghiệm, cách ly.

Trước đó, ông gửi tin nhắn đến hàng triệu người dân cảnh báo những người trên 60 tuổi “hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác”.

‘Cách ly' và ‘phong tỏa’ – tiếng trống trận toàn cầu chống đại dịchHà Nội đã vắng tanh trong nỗ lực chống dịch của người dân

Và mốc thời gian quan trọng nhất là 0h ngày 22/3/2020, thời điểm Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, một quyết định đầy khó khăn, hệ trọng, cách ly Việt Nam với phần còn lại của thế giới.

Các cuộc họp triền miên, các công văn tới tấp, các hệ thống quân đội, y tế,… được huy động tối đa mọi lúc mọi nơi để cách ly.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 52.790 người trên toàn quốc.

Hôm qua, tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó gần 100.000 từ Hoa Kỳ và châu Âu, nơi đang là tâm dịch.

“Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện được 1 ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn vất vả”, ông chia sẻ.

Là một nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, Việt Nam không thể muốn là cắt ngay các chuyến bay. Nhưng bây giờ thì lệnh tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài đã được quyết định. Hàng ngàn người tiếp xúc với các ca dương tính đang được tìm kiếm. Chúng ta phải “khẩn trương, khẩn trương hơn nữa” để quyết liệt ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong khi đó, người dân đã đưa ra những câu khẩu hiệu dễ nhớ để hưởng ứng với nỗ lực của Chính phủ: “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần”, “Ai nơi nào, ở yên chỗ đó”.

Phong tỏa đang diễn ra trên toàn cầu

Cách ly và phong tỏa cũng đang được hối hả thực hiện trên nhiều quốc gia trên thế giới khi virus nCoV, mà loài người chưa biết gì về nó, đang bùng phát với tốc độ tên lửa.

Ngày 19/3 Châu Âu đã đóng cửa biên giới toàn khối và đặt 250 triệu dân dưới các biện pháp phong tỏa.

‘Cách ly' và ‘phong tỏa’ – tiếng trống trận toàn cầu chống đại dịch‘Cách ly’ và ‘phong tỏa’ đã được thực hiện khắp nơi trên thế giới

Ngày 23/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh phong tỏa toàn bộ nước Anh trong ba tuần để ngăn chặn dịch virus corona đang lây lan mạnh.

Trong thông điệp gửi tới toàn dân Anh, ông nói:  “Tôi buộc phải có chỉ thị rất đơn giản với người dân Anh: bạn phải ở nhà!”.

Thủ tướng Anh nói: “Mọi người chỉ được rời nhà cho một số việc rất hạn chế”, và khẳng định, cảnh sát có quyền cưỡng chế thực hiện bằng cách phạt và giải tán các nhóm tụ tập.

Quyết định này, kéo dài trong ba tuần trước khi được xem lại, được cho là khắt khe nhất trong lịch sử nước Anh. Chính phủ yêu cầu dân chúng chỉ được ra khỏi nhà theo các mục đích rất hạn chế như mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần trong ngày, vì nhu cầu y tế, đi làm (chỉ khi thật cần thiết). Chính phủ cấm gặp bạn, người thân, cấm tổ chức lễ cưới. Lễ tang vẫn diễn ra, nhưng chỉ có người thân nhất mới được dự. Cấm tụ tập quá hai người. Thư viện, nơi thờ phụng, sân chơi ngoài trời đóng cửa. Công viên chỉ mở để cho tập thể dục.

Đây là những biện pháp giới hạn nghiêm khắc nhất được áp dụng tại Anh kể từ sau Thế chiến II, khiến nước này gần như bị phong tỏa dù chưa quyết liệt bằng một số nước châu Âu như Italy và Tây Ban Nha.

Bỉ và Đức bắt đầu sử dụng một loạt chính sách cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Tại Đức, hôm 22/3 Chính phủ cấm tụ tập nhiều hơn 2 người tại nơi công cộng.  Ngày18/3, Bỉ đã đóng cửa tất cả cửa hiệu, nhà hàng và cơ sở kinh doanh trừ siêu thị, hiệu thuốc và ngân hàng. Người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà trừ khi các doanh nghiệp bảo đảm khoảng cách cần thiết giữa các nhân viên nếu làm việc tại trụ sở.

Ngày 23, chính phủ Hy Lạp công bố quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc…

Đáng chú ý là Trung Quốc. Bằng cách giám sát chặt chẽ điện thoại thông minh, sử dụng hàng trăm triệu camera nhận diện gương mặt, và bắt buộc người dân phải kiểm tra vào báo cáo thân nhiệt và tình trạng sức khoẻ, nhà chức trách Trung Quốc không chỉ nhanh chóng tìm ra những đối tượng nghi nhiễm, mà còn theo dõi cả lịch trình và nhận diện bất cứ ai đã từng tiếp xúc. Một loạt các ứng dụng ra đời để cảnh báo người dân về khả năng tiếp xúc của họ với các ca nhiễm.

                                                               *****

Sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa sâu rộng, chưa bao giờ thế giới lâm vào cảnh cách ly và phong tỏa nhanh và mạnh như thế này. Các quyết định cô lập cả quốc gia, cả xã hội chứ đừng nói đế từng cá nhân, từng gia đình, được đưa ra khẩn trương từng này, từng giờ để chống đại dịch. Đáng tiếc là mỗi quốc gia đang hành động theo kiểu ‘thân ai nấy lo’, thiếu đi sự hợp tác, tương hỗ toàn cầu.

Yuval Harari, tác giả cuốn “Sapians – lược sử loài người”, một trong những trí tuệ siêu việt viết: “Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có lẽ, đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế hệ. Những bước đi của chính phủ và người dân trong vài tuần tới sẽ định hình thế giới trong nhiều năm nữa. Không chỉ định hình hệ thống chăm sóc y tế mà cả kinh tế, chính trị và văn hoá. Chúng ta phải hành động nhanh và quyết đoán, đồng thời dự trù cho những hậu quả sau này. Khi chọn lựa giữa các phương án, nên tự vấn bản thân không những phải làm sao để vượt qua mối đe dọa tức thời, mà còn về thế giới mà chúng ta sẽ tồn tại sau khi cơn bão này qua đi.”

Ông nhận định: “Đúng vậy, bão nào rồi cũng qua, loài người sẽ tồn tại, phần lớn chúng ta sẽ vẫn sống sót, nhưng sẽ sống trên một hành tinh rất khác. Nhiều biện pháp mang tính cấp cứu tạm thời nhưng sẽ để lại hậu quả trọn đời. Đó là bản chất của những giải pháp khẩn cấp. Chúng tua nhanh những quy trình trong quá khứ. Những quyết định mà bình thường có thể mất nhiều năm để cân nhắc sẽ được thông qua chớp nhoáng. Người ta cố ép buộc và đưa những công nghệ còn sơ khai, thậm chí nguy hiểm vào sử dụng bởi cho rằng, nếu không dám mạo hiểm, thì đó mới là điều mạo hiểm nhất”.

Tư Giang

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây