“Chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải giữ được sức khỏe cho nhân dân, vừa phải giữ được tâm lý bình tĩnh, không hoang mang trong nhân dân” – là quân lệnh kép của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ‘gửi’ đến từng chiến sĩ Công an nơi tuyến đầu chống dịch. Những ngày qua, mỗi đơn vị, mỗi chiến sĩ vừa phải dốc sức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lại vừa phải oằn mình chống lại sự xâm nhập của “cánh quân phá hoại” đã đang nương theo dịch bệnh để thực hiện những hành vi vô lương.
Theo Bộ Công an, kể từ khi xuất hiện dịch, đã có gần 900.000 tin, bài, clip liên quan được đăng tải trên mạng, trong đó, có nhiều tin đồn thất thiệt, tin giả, ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hành động của các chính phủ, khiến người dân bị hoảng loạn, gây khó khăn cho việc kiểm soát, tổ chức phòng, chống. Đáng nói hơn, nhiều tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các đài phát thanh BBC, VOA, RFA, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ… cùng số đối tượng phản động trong nước còn sẵn sàng chi nhiều tiền để thực hiện các “quảng cáo chính trị” nhằm bóp méo sự thật, tán phát đến người dân các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, vu cáo Đảng, Nhà nước hòng thực hiện mưu đồ đen tối chống phá chính quyền. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Luật An ninh mạng cùng các văn bản pháp luật khác như Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính là liều thuốc “dã tật” nhằm ngăn ngừa thông tin giả trong bối cảnh nóng bỏng của dịch bệnh.
Vậy nhưng, vừa mới đây, Đài VOA lại chủ đích thông qua bài viết: “Việt Nam ‘song kiếm hợp bích’ chống ‘tin giả’ giữa dịch Covid-19″, dẫn nhận định của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW)… trắng trợn vu cáo việc chính quyền Việt Nam xử lý những người đưa tin giả căn cứ vào các quy định trong Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP là hành động mang tính “bịt miệng” người dân.
Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, cướp đi sinh mạng hàng vạn người, hủy hoại nền kinh tế toàn cầu, cả xã hội đang gồng mình dập dịch thì những kẻ vô lương lại tung tin đặt điều sai trái ảnh hưởng nguy hại không kém dịch bệnh, không chỉ ở Việt Nam, mà cơ quan chức năng của mọi quốc gia đã tiến hành xử phạt nghiêm khắc và kiên quyết với người đưa tin giả, sai trái, bịa đặt về dịch cũng như nỗ lực dập dịch của chính quyền. Một số quốc gia vừa phạt tiền ở mức rất cao, vừa tuyên bố dựa vào luật pháp có thể tuyên án từ vài năm tù tới chung thân. Vì thế, việc Ông Daniel Bastard, Giám đốc đặc trách châu Á của RSF vu cáo rằng: “Việc Việt Nam xử phạt những kẻ tung tin giả là Việt Nam không quan tâm đến quyền con người”. Rồi yêu cầu Việt Nam “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng, chống dịch” là hết sức lố bịch.
Với phát ngôn và yêu cầu đó, RSF đã cố tình lập lờ đổi trắng thay đen nhân danh nhân quyền để bao che hành vi phá hoại nhân quyền, làm nhiễu loạn xã hội, xâm phạm nhân quyền của người khác. Bằng việc làm này, RSF đã không chỉ xâm phạm thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, mà còn trơ tráo xuyên tạc quan điểm, chủ trương, thái độ, hành động chính đáng và nghiêm túc của Việt Nam thể hiện qua các nỗ lực tổ chức phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo đảm nhân quyền của toàn dân, bảo đảm nhân quyền trong xã hội.
Lại nhớ, thời điểm đầu năm 2019, khi Luật An ninh mạng mới có hiệu lực, cũng xuất hiện một số ý kiến trái chiều. Thậm chí, có những đối tượng với mục đích, động cơ xấu đã lợi dụng tình hình để kích động, rêu rao rằng một số nội dung được quy định trong Luật sẽ “bóp ghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận.” Tuy nhiên, thực tế sau hơn một năm Luật có hiệu lực, quyền tự do ngôn luận của người dân tiếp tục được đảm bảo, miễn là những hoạt động đó nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật Việt Nam. Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trên không gian mạng trong hơn một năm vừa qua vẫn diễn ra một cách bình thường.
Sự ra đời của Luật thực sự đã khiến cho môi trường của không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn rất nhiều bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của đất nước đã bị ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm túc, hiệu quả. Thực thi nghiêm Luật An ninh mạng đã minh chứng một cách rõ ràng rằng những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị. Có lẽ chính vì lo sợ không còn khe hở để ẩn nấp, để đặt điều chống phá trên trận địa mạng nên những nhà đài hải ngoại, các tổ chức phản động lưu vong, cùng sự tiếp tay của cái gọi là các tổ chức nhân quyền quốc tế… mới không ngừng đả phá vào Luật An ninh mạng.
… Nhưng thực tế đã minh định tất cả, những đòi hỏi trơ tráo và lố bịch của các tổ chức, các đối tượng cũng trở nên vô cùng lạc lõng. Trước hàng chục nghìn ca tử vong bởi dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp thế giới, giá trị cao nhất của nhân quyền lúc này chính là sinh mạng con người được bảo vệ và Việt Nam đang nỗ lực hết mình để làm điều thiêng liêng và ý nghĩa đó.
Văn Dân
Nguồn: Cánh cò