Có thể một buổi sáng đẹp trời trong một tương lai gần, chúng mình thức dậy và đập vào mắt bởi dòng tin “Mỗi ngày trong mùa dịch, Việt Nam trung bình có gần 1.600 người chết”. Đáng sợ không? Hiển nhiên là có nhưng không phải bởi con số này mà vì dòng tít giật gân kia như cách rất nhiều các anh chị “kền kền” mạo danh nhà báo vẫn làm.
Nếu chúng mình có tốc độ đôi tay nhanh hơn hiệu suất của não, lập tức sẽ chia sẻ những dòng tin tức này lên facebook hoặc các ứng dụng liên lạc khác với kết luận: “nhà nước giấu dịch”. Nhưng nếu chúng mình bình tĩnh chịu khó suy xét thì sẽ hiểu rằng đây đơn giản là tỉ lệ chết trung bình hiện nay tại Việt Nam. Trong nhân khẩu học có một khái niệm là tử suất (crude death rate) nhằm thống kê số lượng người chết trong năm vì tất cả các lý do trên tỷ lệ dân số.
Tử suất của Việt Nam năm 2019 là 5,9 người/1000 người có nghĩa là cứ trong 1.000 người thì trung bình sẽ có 5,9 người chết mỗi năm. Dân số hiện nay khoảng 96,2 triệu người. Với các phép tính chia đơn giản của cấp 1 thì chúng ta lần lượt sẽ có 567.580 người chết/năm, chia trung bình 12 tháng là 47.298 người/tháng và 1.576 người/ngày. Rất tự nhiên và không hề đáng sợ trừ cái tiền tố bối cảnh “TRONG MÙA DỊCH”, đúng không nào chúng mình?
Sau khi đại dịch bùng nổ ở Trung Quốc một thời gian, có thông tin cho rằng tính tổng các khu vực bùng phát mỗi ngày phải hoả táng khoảng 10.000 người và quốc gia này đang che dấu số liệu về người chết vì dịch. Nếu để ý thấy dân số của Trung Quốc là 1,433 tỷ người và tử suất là 7,216/1.000 người, dễ dàng thấy con số trên là hợp lý với số lượng người chết vì tất cả các lý do trong đó có cả bệnh dịch. Nhưng vậy có chắc chắn chưa? Hãy thử kiểm tra chéo, lấy sinh suất (crude birth rate) của Trung Quốc hiện nay là khoảng 12/1.000 người trừ đi tử suất và nhân với tổng dân số, đó chính là mức tăng dân số thực của quốc gia tỉ dân. Muốn biết đúng sai, vui lòng đơn giản là bấm máy tính.
Số liệu bản thân nó rất thuần tuý về mặt ý nghĩa, chỉ có con người do vô tình hay cố ý đặt nó vào những bối cảnh khác nhau để phục vụ cho từng mục đích riêng của họ.
Vậy tại sao Việt Nam không thể giấu dịch?
Thứ nhất, từ lâu Việt Nam đã là một thành viên của tổ chức y tế thế giới (WHO) – một cơ quan của liên hiệp quốc. Tuy là một cơ chế mở với việc khuyến khích các quốc gia trên thế giới tham gia, WHO cũng chặt chẽ trong điều lệ gia nhập của nó khi bắt các thành viên phải tuân thủ theo quy định của WHO nói riêng và Liên hợp quốc nói chung. Trong công pháp quốc tế, có một nguyên tắc rất trọng yếu đó là tận tâm tận lực thực hiện tất cả các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) quy định tại điều 2.2 hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam theo đó bắt buộc phải minh bạch trong việc cung cấp số liệu, đổi lại chúng ta sẽ nhận được sự hỗ trợ toàn cầu của WHO trong không chỉ trong việc ứng phó với đại dịch hiện nay mà còn nhiều bệnh dịch khác như HIV, lao phổi, tả, ebola, sốt rét đến các chương trình khác như an ninh lương thực hay chống lạm dụng thuốc kháng sinh.
Thứ hai, việc giấu dịch chắn chắn không có lợi cho phân tích dịch tễ học và sẽ làm công tác chống dịch trở nên vô nghĩa. Dù sai số tiềm tàng trong nghiên cứu dịch đến từ sai số hệ thống hay sai số do chọn cũng sẽ ảnh hưởng đến đo lường tần số bệnh trạng, tỷ suất mới mắc và hiện mắc (prevalence) cũng như nghiên cứu bệnh-chứng. Việc này đi ngược lại nỗ lực trì hoãn đỉnh dịch và giảm độ cao đỉnh dịch mà chúng ta đang thực hiện.
Thứ ba, trong tâm lý học học hành vi có một khái niệm là “yếu tố thúc đẩy quyết định của con người”. Bằng việc liên tục đưa ra các ca nhiễm trung thực, chính xác, Chính Phủ mới có thể khiến người dân hiểu chính xác tình hình dịch bệnh đang diễn biến thế nào từ đó mới nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Nhà nước và nâng cao ý thức phòng dịch cộng đồng. Con người ta cần những yếu tố thúc đẩy như vậy để thực hiện điều tốt ngay cả cho chính bản thân mình. Còn nhớ, nếu năm 2007, không có chế tài xử phạt không đội mũ bảo hiểm, sẽ có bao nhiêu người tuân thủ quy định này?
Tại sao phải thành lập ngay lập tức các bệnh viện dã chiến mới trong khi chúng ta đã có các bệnh viện từ trung ương đến địa phương? Đơn giản, các bệnh viện hiện nay được thiết kế cho mọi loại bệnh, và chúng ta cần những bệnh viện đặc chủng cho đại dịch lần này trong trường hợp bùng phát. Hiển nhiên, không thể để một người mổ ruột thừa chung phòng với một người nhiễm Covid. Đấy là chưa kể đến hạ tầng xử lý chất thải y tế đặc thù của đại dịch hiện nay đơn cử như tại Tp.HCM cũng chỉ có bệnh viện Nhiệt Đới và Viện Pasteur là đáp ứng được.
Vậy cuối cùng, Việt Nam có giấu dịch không? Chắc chắn, đã không cần phải có câu trả lời.
P/S: năm 1972, gần 200 kho nhôm bay B-52 lượn lờ trên bầu trời Hà Nội mà chúng mình còn nhặt về được vài chục kho để chế tạo từ nồi niêu xong chảo đến ấm nước gạt tàn thì dăm ba con virus việc gì phải giấu?
Cre : Steven Tran