Khoai@
Đúng là thời thế tạo anh hùng. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng vạn mạng sống, và cho đến hôm nay nó vẫn để lại những nỗi đau, nỗi sợ hãi cho nhân loại, để lại những chia rẽ sâu sắc trong những bộ phận khác nhau của thế giới và thậm chí ngay trong lòng của các thể chế chính trị. Nhưng Đại dịch Covid cũng sản sinh ra nhiều anh hùng, một trong số đó là Nhà văn Vũ Khắc Tiệp. Từ một ông bầu xô, chỉ sau vài ngày Mất Trinh, tù túng, “Vọng thất”, bất lực trong khu cách ly, cảm thương và đau đáu với số phận của con người và thời cuộc, Vũ Khắc Tiệp đã trở mình và vụt sáng thành một Nhà văn nổi tiếng của dòng văn học hiện thực.
Nhà văn Vũ Khắc Tiệp (1983 -20..) tên thật là Vũ Khắc Tiệp. Ông sinh ra và lớn lên ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, một vùng đất nổi tiếng với những áng thơ văn bất hủ của các đại văn hào. Ngạc nhiên thay, gia đình ông dù không có truyền thống showbiz nồng nàn nhưng ông lại trưởng thành trong hào quang trắng sáng của Ngọc Trinh.
Ngày nay, chúng ta biết đến Vũ Khắc Tiệp với bút danh: “Bầu Tiệp” hay “Ly Cách” và “Thánh Nhọ”.
Trong thời đại dịch, khi các nhà văn khác đang ngái ngủ hoặc còn đang mãi tìm nơi trú ẩn thì Vũ Khắc Tiệp nổi lên như hiện thân của một cây bút tiên phong. Ai đó đã đúng khi mộc mạc viết rằng: Vũ Khắc Tiệp “là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ”.
Rõ ràng, văn không đi với sĩ thì chỉ có vứt và sĩ nếu đã đi kèm với văn thì dứt khoát sẽ nổi.
Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Vũ Khắc Tiệp được thể hiện trên những kiệt tác văn chương và công trình đậm tính thời sự như “Từ nước Ý đến khu cách ly”, “Nhật ký cách ly” (Tháng 2/2020), “Khi đời không còn Trinh” (3/2020), “57 ngày không thể quên” (4/2020) …
Có người còn phát hiện, ông không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn mà còn là một nhà sư phạm, nhà giáo dục. Minh chứng cho điều này, là các tác phẩm như: “Cách ly – Từ lý luận đến thực tiễn” (Tháng 3/2020), “Mẹo nhỏ bỏ túi trong trại cách ly” (Cuối tháng 3/2020), “Cách ly và 69 câu hỏi thường gặp” (Tháng 4/2020), đặc biệt là 2 bộ Giáo trình đồ sộ có tên “Cách ly Đại cương” (Cuối tháng 3/2020) và “Giáo trình Cách ly nâng cao” (Đầu tháng 4/2020). Những công trình đồ sộ vĩ đại ấy của ông khiến cho nhiều nhà giáo cả đời cống hiến trong ngành sư phạm không khỏi ghen tỵ.
Không chỉ thế, các tác phẩm của Vũ Khắc Tiệp còn được biết đến là một trong những bộ sách mang đậm dấu ấn “cẩm nang y văn”. Sách của ông là sự hòa trộn trào phúng mà hiện thực để giúp con người thoát khỏi những nỗi đau trần thế. Nổi lên là 2 tác phẩm: “Cách ngủ ngon mà không cần máy lạnh ở trại cách ly” (Tháng 2/2020) và “Giảm căng thẳng trong trại cách ly” (Tháng 3/2020).
Về phong cách nghệ thuật Vũ Khắc Tiệp, Lương Minh có viết: “Khắc Tiệp có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong mấy chữ tù túng, uẩn ức”.
Cá nhân tôi cho rằng, những ai đọc Tiệp đều có thể tìm thấy sự phóng đãng, phá cách trong ngôn ngữ và đều cảm thấy rất thích thú khi ông đã chỉ lối cho người đọc cách “trèo tường”, “vượt ngục” để thoát khỏi “cách ly” về với nơi sáng trắng như Ngọc Trinh.
Cái nhìn của Khắc Tiệp mang tính phát hiện độc đáo đối với thế giới khách quan trong trại cách ly tập trung, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống cách ly, cái đẹp tài hoa, phi thường, cái đẹp ở phương tiện văn hoá, mĩ thuật.
Người ta hay nói “chủ nghĩa cách ly” của Khắc Tiệp. Thật ra đó là cách sống sáng tạo của riêng ông mà ông gọi là cách ly và viết, để “thay đổi thực đơn cho giác quan”.
Quá khứ, hiện tại và tương lai, không gian và thời gian đã liên kết thành tuyến, thành mảng trên trang văn Khắc Tiệp. Nó mang vẻ đẹp thẩm mĩ, đem đến nhiều liên tưởng, ấn tượng kì thú cho người đọc.
Văn Khắc Tiệp rất đời. Những uất ức khi được đưa vào khu cách ly, lối sống ăn chơi trác táng thay bằng lối sống kỷ luật, đầm ấm tình người ở nơi cách ly… được ông kể rất đậm đà, duyên dáng. Có thể nói, ông là bậc thầy về ngôn ngữ cách ly.
Nói đến phong cách nghệ thuật của Vũ Khắc Tiệp là nói đến các tác phẩm nghiên cứu bằng trải nghiệm thực tế, những trang văn xuôi đầy chất đời của một tâm hồn ăn theo nghệ sĩ, của một cây bút “nhờ cách ly mà thành nhà văn”.
Vâng, Khắc Tiệp đã đúng khi nói: Tôi phải cảm ơn đại dịch, nhờ đại dịch mà các bạn và chính tôi mới biết mình là ai. Trở thành một nhà văn thực sự không khó.
Và cuối cùng, để nói về Vũ Khắc Tiệp, xin trích một câu của chính ông: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình có sự thay đổi lớn đến thế. Hóa ra việc chuyển mình từ ông bầu sang nhà văn thật sự đơn giản, chỉ cần bị cách ly dài ngày là xong”.
Nguồn: Tre làng