Ảnh: một số thông tin sai lệch về Covid-19 (nguồn Internet)
Trong môi trường Internet hiện nay, tin giả là một vấn đề hết sức nhức nhối ngày ngày tác động ảnh hưởng đến người sử dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội vẫn liên tục xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, thậm chí lợi dụng điều này để nói xấu, xuyên tạc chống phá chính quyền gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Những hành vi đó phải bị đưa ra xử lý thích đáng.
Ngày 26/3, Đại diện Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao thuộc Bộ Công an Việt Nam cho biết từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Trong 2 tháng qua Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước điều tra, phát hiện gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội. Đồng thời đã xử lý đối với hơn 300 đối tượng.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Các thủ đoạn phát tán tin sai lệch khá đa dạng, từ thông tin gây sốc về số người chết do mắc Covid-19 tại Việt Nam, đến “tự chế” hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Một số tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng chống đối tăng cường tạo dựng, phát tán nhằm thông qua đó chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam với các lời lẽ như “Chính phủ bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”; Việt Nam “giấu dịch”, “thực tế số người nhiễm bệnh lớn hơn rất nhiều so với con số Chính phủ Việt Nam công bố”… Một số ca tử vong chưa rõ nguyên nhân, sau khi cơ quan y tế công bố âm tính với Covid-19 thì họ tìm cách xuyên tạc rằng có sự khuất tất, che giấu. Chỉ trích Chính phủ “chỉ lo ảnh hưởng lợi ích mà không cung cấp đúng thông tin, tình hình về dịch bệnh”. Khi yêu cầu đóng cửa biên giới Việt – Trung không được đáp ứng, họ quay sang phê phán, nói rằng việc không đóng cửa biên giới là bằng chứng cho thấy “sự lệ thuộc” của Việt Nam. Từ đó viết bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng xuyên tạc, lợi dụng tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân không tin vào các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam.
Đại úy Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao cho biết: “Chúng ta đang chống dịch bệnh thì các đối tượng càng gia tăng phát tán các thông tin giả, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Vì vậy chúng tôi luôn phải làm việc với tinh thần cao nhất để chống loại “virus” này”.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho rằng ‘các thế lực thù địch’ dùng tất cả mọi điều kiện, mọi cơ hội để chống phá. Vì vậy các đối tượng lợi dụng triệt để tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để công kích Chính phủ Việt Nam. Theo ông Lợi thì những ‘thế lực’ như thế cho rằng Chính phủ Hà Nội bưng bít thông tin; cho rằng năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong chống dịch bệnh là yếu kém… từ đó gây ra sự hoảng loạn trong quần chúng nhân dân và gây mất niềm tin và chia rẽ nhân dân với Đảng.
Như vậy, cộng đồng mạng hãy cảnh giác trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đồng thời tẩy chay, lên án, tố cáo những hành vi đưa tin sai sự thật, kích động chống đối đến cơ quan chức năng. Cùng chung tay phòng chống đại dịch Covid-19.
Tô Ngọc
Nguồn: Non sông Việt Nam