Bất kỳ sự giải thích nào cũng không thể thuyết phục được dư luận, không thể có chuyện nể nang, giơ cao đánh khẽ.
Giữa lúc toàn dân đang ở cao điểm chống dịch, bắt đầu từ ngày 28/3 thì tại một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh, ông Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn tổ chức đám cưới cho con trai vào ngày 31/3. Vị lãnh đạo này đã bị tạm đình chỉ công tác và xem xét xử lý trách nhiệm vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quyết định của tỉnh Hà Tĩnh đưa ra khá nhanh, ngay trong ngày nghỉ lễ, tuy vậy, sự việc này khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nó cho thấy, đâu đó vẫn còn hiện tượng coi thường kỷ cương phép nước, đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng.
Dư luận bức xúc trước hết là bởi lãnh đạo bệnh viện, dù là tuyến huyện hay tuyến tỉnh thì nhiệm vụ tối thượng lúc này là chống dịch, không thể có chuyện lơ là và càng không thể tranh thủ tổ chức cưới cho con. Dù vị lãnh đạo này có giải thích thế nào thì hình ảnh những chiếc xe nối đuôi nhau đi rước dâu tại thời điểm này là hình ảnh rất phản cảm.
Nó trái ngược hoàn toàn với không khí khẩn trương, tranh thủ từng giờ từng phút của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu. Những người vì dịch bệnh mà quên ăn, quên ngủ, thầm lặng hy sinh, thầm lặng cống hiến. Họ chỉ thèm một giấc ngủ thật sâu, thèm không khí đoàn tụ gia đình như những người bình thường, nói chi đến chuyện rảnh rang để nối đuôi nhau đi dự cưới. Đặc biệt, đám cưới con vị lãnh đạo kia lại diễn ra ngày 31/3, nghĩa là 3 ngày sau khi Chính phủ yêu cầu dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu…
Dư luận bức xúc là bởi bao nhiêu sự kiện tầm quốc gia, quốc tế và ngay cả đại hội Đảng các cấp cũng phải hoãn lại, không cớ gì vị lãnh đạo bệnh viện tuyến huyện lại không thể trì hoãn một việc riêng hoặc nếu có tổ chức thì cũng chỉ phạm vi gia đình… Trên khắp đất nước này, không thiếu những cặp đôi, không thiếu những gia đình và ngay cả những người nổi tiếng cũng từng tuyên bố sẽ gác lại hạnh phúc riêng, đợi đến khi hết dịch. Lúc đó, cả người tổ chức lẫn người tham dự đều không cảm thấy khó xử. Đấy là những công dân có trách nhiệm, nghĩ cho mình, cho mọi người và cho đất nước.
Còn nhớ, khi dịch bệnh mới ở giai đoạn đầu, một lãnh đạo bệnh viện ở Gia Lai cũng đã bị điều chuyển vì lơ là chống dịch. Nay, khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và toàn dân gần như thực hiện lệnh giới nghiêm thì vị cán bộ kia vẫn coi đó như “chuyện của người khác”. Không chỉ phớt lờ dịch bệnh mà còn phớt lờ cả quy định nêu gương. Nhân dân nhìn vào đó mà đánh giá cán bộ, nhìn vào đó mà lấy cớ chê trách chính quyền…
Bởi vậy, không chỉ bị xử lý trách nhiệm vì vi phạm quy định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, trên vai trò lãnh đạo, dư luận mong muốn cần phải xử lý thật nghiêm cán bộ để răn đe. Bất kỳ sự giải thích nào cũng không thể thuyết phục được dư luận, không thể có chuyện nể nang, giơ cao đánh khẽ. Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu, cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, khi người dân tự phát đến cúng bái ở phủ Tây Hồ trong ngày 1/3 âm lịch vừa qua, đích thân Thủ tướng đã có ý kiến nhắc nhở chính quyền quận Tây Hồ về sự việc này sau khi Chủ tịch Thành phố Hà Nội yêu cầu địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc.
Tình hình lây nhiễm Covid-19 đang tăng tốc, có tình trạng xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, bệnh viện mà chưa có sự phát hiện. Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, mọi cấp, mọi ngành, nhất là các địa phương cần tăng tốc trong triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch, coi đây là mục tiêu tối thượng hiện nay.
Bất kỳ hành động nào đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng của cộng đồng, có khả năng làm lây lan dịch bệnh… đều phải xử thật nghiêm, dù người đó là ai. Không thể coi thường dịch bệnh, đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung.
Quốc Phong/VOV
Nguồn: Cánh cò