Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nguy hiểm rình rập cuộc sống của những nhà hoạt động bảo...

Nguy hiểm rình rập cuộc sống của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường

156
0

Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm để bảo vệ môi trường

 

Mối đe dọa hiện hữu

Ở Mexico, bạo lực nhắm vào những nhà hoạt động bảo vệ môi trường gia tăng đáng báo động kể từ khi cuộc chiến chống ma túy được phát động năm 2006. Tình hình trở nên trầm trọng kể từ năm 2013, khi hàng loạt các dự án lớn về năng lượng tái tạo được xây dựng tại các khu vực nông thôn mà không có sự tư vấn hay bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Nguy hiểm rình rập cuộc sống của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường
Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Isidro Baldenegro López bị sát hại năm 2017.

Cemed, một tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường ở Mexico, cho hay gần 1/3 cuộc tấn công kể từ năm 2012 nhắm vào những người hoạt động chống lại các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng gió và thủy điện.

“Cemed đã theo dõi và thống kê các cuộc tấn công nhằm vào những nhà hoạt động ngăn cản dự án đe dọa tài nguyên rừng, nước nguồn và đất đai. Số liệu thống kê cho thấy, những mối đe dọa hiện hữu đang đặt ra đối với những người bảo vệ môi trường ở Mexico. Chính điều này ngăn cản họ thực thi sứ mệnh cao cả của mình”, phát ngôn viên của Cemed cho biết.

Oaxaca, một trong những bang nghèo nhất Mexico với tỷ lệ người bản địa đông nhất. Đây là nơi rất giàu tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, sông, rừng và khí đốt tự nhiên. Bạo lực diễn ra thường xuyên ở khu vực Tehuantepec – một vùng đất hẹp giữa Vịnh Mexico và Thái Bình Dương, nơi có 28 khu điện gió quy mô lớn.

Số vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động bảo vệ môi trường trong năm 2019 là thấp nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, 15 người đã bị sát hại và ít nhất 25 người khác bị đe dọa, quấy rối hoặc bôi nhọ danh dự.

Trong đó bao gồm vụ giết hại hai người Tarahumara bản địa là Otilia Martínez Cruz và con trai Chaparro Cruz. Hai người bị sát hại vào ngày 1-5-2019, một năm sau khi một thành viên khác trong gia đình là Julián Carrillo bị giết hại.

Hơn một chục người Tarahumara đã bị giết trong những năm gần đây vì cố gắng ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp trên vùng đất tổ tiên của họ ở Sierra Madre, một dãy núi đa dạng sinh học ở miền bắc Mexico. Trong số đó có Isidro Baldenegro López, người chiến thắng giải thưởng môi trường Goldman danh tiếng bị sát hại vào năm 2017. Từ lâu, Sierra Madre đã trở thành mục tiêu của những băng nhóm khai thác gỗ bất hợp pháp có sự hậu thuẫn của một số quan chức tham nhũng.

Đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn

Một báo cáo khác được tờ DW (Đức) dẫn nguồn cho biết, hơn 300 nhà hoạt động bảo vệ môi trường, tự do ngôn luận, quyền của cộng đồng LGBTQ ở 31 quốc gia trên thế giới đã bị giết hại vào năm 2019. 2/3 số vụ diễn ra ở châu Mỹ Latinh.

Mỹ Latinh được coi là lục địa nguy hiểm nhất trên thế giới đối với những nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đất đai và nhân quyền. Trong đó, Brazil, Colombia, Mexico, Honduras và Guatemala xếp hạng là những quốc gia tồi tệ nhất về vấn đề này.

Tại Colombia, tình trạng bạo lực nhắm vào các nhà hoạt động chống lại các dự án lớn hủy hoại môi trường đã tăng vọt kể từ năm 2016. Trong năm 2019, quốc gia này ghi nhận 106 vụ giết hại các nhà hoạt động nhân quyền. Tiếp theo là Honduras, Brazil và Mexico.

Honduras là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới với phụ nữ, luật sư, nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Năm ngoái, các vụ giết người có chủ đích ở quốc gia Trung Mỹ này đã tăng gấp bốn lần so với năm 2018. Hàng chục ngàn người Honduras đã tìm cách chạy trốn khỏi bạo lực, nghèo đói và tham nhũng, đi qua Mexico để tìm đến Mỹ.

Theo phân tích của “Front Line Defender” (FLD) dựa trên dữ liệu thống kê bạo lực nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền, cho thấy: 85% những người bị giết hại trong năm 2019 từng bị đe dọa cá nhân. 13% nạn nhân là phụ nữ.

40% những người thiệt mạng làm việc trên đất liền, là người dân bản địa và hoạt động bảo vệ môi trường. “Tuy nhiên, bất chấp hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, các nhà hoạt động nhân quyền vẫn tiếp tục đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn”, Andrew Anderson, Giám đốc điều hành của FLD nói.

Mạnh Tường (Tổng hợp)

Nguồn: Công an nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây