>>Gần 12.500 người chết vì nCoV ở Italy
>>Số người chết vì nCoV ở Mỹ vượt Trung Quốc
>>Số người chết vì nCoV ở Pháp tăng kỷ lục
Thế giới ghi nhận 854.612 ca nhiễm nCoV và 42.044 người chết tại 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 72.578 và 4.435 ca so với 24 giờ trước. Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất với 12.428 người.
Mỹ đến nay ghi nhận 188.172 ca nhiễm và 3.873 ca tử vong, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Như vậy, số ca tử vong vì nCoV tại Mỹ đã vượt Trung Quốc, nơi đang ghi nhận 3.305 người chết do dịch bệnh.
Tại bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, Thống đốc Andrew Cuomo đã phải lên tiếng kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh số người chết do nCoV tại đây đã vượt 1.500.
Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV xuống khỏi xe cứu thương tại St Thomas ở London ngày 31/3. Ảnh: AF
Tổng thống Donald Trump hôm 30/3 cảnh báo 30 ngày tới là thời gian thách thức và cũng là 30 ngày rất quan trọng. Ông sẽ kéo dài chính sách “cách biệt cộng đồng” đến ngày 30/4 do lo ngại đỉnh dịch tại Mỹ có thể không đến trong hai tuần nữa.
Italy phát hiện thêm 4.035 ca nhiễm mới và 837 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết đến nay lần lượt là 105.792 và 12.428 Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là gần 12%, mức cao nhất thế giới và gấp hơn hai lần tỷ lệ tử vong toàn cầu, theo Worldometer, trang web cập nhật số liệu Covid-19 thời gian thực.
Chính phủ Italy đã ban lệnh phong tỏa chưa từng có từ ba tuần trước nhằm ngăn nCoV lây lan, sau đó quyết định kéo dài biện pháp trên ít nhất tới giữa tháng 4. Hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến nền kinh tế Italy có nguy cơ rơi vào suy thoái nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ.
Các cửa tiệm và nhà hàng dự kiến sẽ ngừng hoạt động ít nhất đến tháng 5. Không quan chức nào dám đưa ra dự đoán về thời điểm cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 7.967 ca nhiễm và 748 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt 95.923 và 8.464, vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Tây Ban Nha tự hào vì sở hữu một trong những hệ thống y tế hàng đầu, thậm chí từng được xếp hạng quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới, theo nghiên cứu Bloomberg công bố năm ngoái. Tuy nhiên, hình tượng này đã bị Covid-19 “xô đổ”, với một loạt vấn đề như thiếu bệnh viện, giường chăm sóc đặc biệt, kit xét nghiệm và thiết bị y tế cơ bản.
Madrid đang tìm cách tăng cường xét nghiệm, thu thập nguồn kit từ khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu xét nghiệm 50.000 người/ngày, thay vì mức 20.000 hiện nay. Giới chức cũng đặt hàng số vật tư trị giá hàng triệu USD nhằm cung cấp cho hệ thống y tế đang bên bờ vực sụp đổ.
Đức ghi nhận thêm 4.923 ca nhiễm và 130 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 71.808 và 775. Là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, song tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ 1%.
Ngoài ban hành quy định về hạn chế đi lại để ngăn dịch, chính quyền Đức còn áp dụng mô hình xét nghiệm diện rộng như Hàn Quốc nhằm xác định và cách ly sớm người bị nhiễm. Thủ tướng Angela Merkel, 65 tuổi, hôm 29/3 cho kết quả âm tính nCoV lần ba. Bà tự cách ly tại căn hộ ở Berlin một tuần qua sau khi tiếp xúc với bác sĩ nhiễm nCoV.
Anh đến nay báo cáo 25.150 ca nhiễm nCoV, 1.789 ca tử vong, tăng lần lượt 3.009 và 381 ca so với một ngày trước đó. Trong số các ca nhiễm có Thái tử Charles, Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Mattt Hancock.
Sau thời gian bị chỉ trích vì thiếu quyết liệt trong chống dịch, Thủ tướng Anh hôm 23/3 ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn nCoV, động thái chưa từng được thực hiện từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, nhiều người Anh vẫn tỏ ra thờ ơ với lệnh phong tỏa, tiếp tục tụ tập đông người và tổ chức các buổi tiệc tùng khiến cảnh sát phải giải tán.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, sau Trung Quốc, với 44.605 ca nhiễm và 2.898 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.110 ca nhiễm và 141 trường hợp tử vong. Chính phủ Iran cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài thêm vài tháng và khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.
Iran đã đóng cửa trường học, hủy các buổi lễ cầu nguyện, đóng cửa quốc hội cũng như các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite. Tổng thống Hassan Rouhani hôm qua cho biết chính quyền sẽ đóng cửa các công viên trên toàn quốc vào ngày 1/4, nhằm ngăn chặn những buổi dã ngoại gia đình thường diễn ra để đánh dấu ngày thứ 13 của kỳ nghỉ Tết Ba Tư. Ông kêu gọi người dân “thực hiện truyền thống vào lúc khác”, nhấn mạnh ai vi phạm sẽ bị trừng phạt.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số ca nhiễm và tử vong mới.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.766 ca nhiễm và 43 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 136 người chết trong 1.528 người nhiễm, tỷ lệ tử vong gần 9%.
Nhiều chuyên gia lo ngại hệ thống y tế Indonesia có nguy cơ “sụp đổ” do thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc đặc biệt nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 và thông báo biện pháp hỗ trợ người thu nhập thấp, bao gồm tăng cường phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực, giảm giá điện và miễn thuế.
Vũ Hoàng (vnexpress theo Worldometer, AFP, Reuters)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ