Nghị lực kiên cường của cô gái tật nguyền vẽ lên giấc mơ cuộc đời
Nghị lực của cậu bé viết chữ bằng chân
Nghị lực phi thường của “Hoa khôi truyền cảm hứng”
Nghị lực sống truyền từ lòng mẹ
Có lẽ khi nhắc đến nghị lực phi thường của Tiến Anh, nhiều người sẽ nghĩ đến đó là sự bù đắp của ông trời khi đã lấy đi đôi tay của cậu bé. Nhưng khi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985), mẹ của Tiến Anh, tôi hiểu và nghĩ nghị lực có lẽ có tố chất di truyền. Với dáng người nhỏ bé, cao gầy, chị là người đảm đang, tháo vát, cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Một mình chị làm một mẫu rưỡi ruộng, mùa nào thức ấy, lúa, ngô, rau, đậu đủ cả. Để có thêm thu nhập, chị Tuyên còn nhận nấu cơm cho một trường mầm non tư thục ở gần nhà.
Nói về cuộc đời mình, chị Tuyên kể, từ năm 20 tuổi đi lấy chồng xa quê. Cuộc đời tưởng chừng êm ả trôi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ. Chị ôm đứa con đầu lòng về quê sống cùng bố mẹ, trở thành người mẹ đơn thân. Nhiều năm sau đó, chị Tuyên thêm một lần bén duyên nhưng cũng không đi đến đâu. Ôm bụng bầu 2 đứa nhỏ sinh đôi, người mẹ trẻ quyết định sinh con mà không đi thêm bước nữa.
Tiến Anh thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
“Tháng đầu mang thai, mình đi khám rất đều đặn, bác sĩ nói là thai đôi nên cả nhà ai cũng mừng. Lúc ấy mình có sức khỏe tốt, nên tin rằng không có điều gì bất an. Nhưng đến tháng cuối thai kỳ, khi đi siêu âm bác sĩ nói một đứa phát triển không bình thường, bị thiếu mất đôi tay”. Người mẹ trẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng nhưng chấp nhận số phận để sinh con. Gia đình chị cũng rất lo lắng, cố gắng làm công tác tư tưởng để chị Tuyên có thể bình tĩnh đón nhận hai đứa con. Hai đứa trẻ được chị Tuyên đặt tên là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh.
Chị Tuyên kể về con trai.
Chị Tuyên kể, khi chào đời, Tiến Anh đã không có 2 tay và chỉ nặng 1,4 kg. Nhìn con mỗi ngày một yếu ớt, đêm nào chị cũng khóc, tưởng chừng không nuôi nổi. Bằng tình yêu thương của người mẹ, dù cuộc sống khó khăn nhưng chị đã làm tất cả để chăm sóc con. Như biết hoàn cảnh của mẹ, hai cậu bé đều khỏe mạnh, ăn uống tốt và không hề quấy khóc khi phải ở nhà với bà để mẹ đi làm. Sau vài tháng, cậu bé Tuấn Anh đã biết bò, còn Tiến Anh do thiếu đôi tay nên chỉ biết nhìn theo anh. Nhưng đến khi anh trai biết đi, Tiến Anh bỗng nhiên cũng tự tập đi bằng cách men theo tường.
Thấy cảnh cậu con trai lò dò tập đi, dù vấp ngã nhưng cũng biết tự đứng lên khiến chị Tuyên vỡ òa cảm xúc, hình ảnh đó khiến chị nhớ mãi và tiếp thêm hy vọng vào cuộc sống.
Nỗ lực không ngừng và những ước mơ
“Khi được hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi và biết dùng chân chơi đồ chơi, tập xúc cơm ăn. Năm con 4 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa đi học, nhìn ánh mắt buồn tủi của con mà mình không cầm được nước mắt nên đã xin cho Tiến Anh đến trường. Khi cho con đi học mầm non, mình cũng chỉ mong con được hòa nhập với các bạn chứ không dám nghĩ con có thể tập tô, viết, vẽ như các bạn”- Chị Tuyên nhớ lại.
Đến năm học xong lớp 3 ở Trường Tiểu học xã Lan Mẫu, với nghị lực và sự cố gắng của cậu bé, các thầy cô tấm tắc khen ngợi những nét chữ được viết bằng chân đẹp hơn cả nhiều bạn cùng lớp. Trong giờ học, Tiến Anh hăng hái phát biểu và tiếp thu bài khá tốt. Các thầy cô tạo điều kiện cho Tiến Anh có một bàn học được thiết kế riêng để cậu học trò nhỏ viết bằng chân cho thuận tiện. Nhờ cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của thầy cô, Tiến Anh từng là một học sinh giỏi xuất sắc, được Ban Giám hiệu nhà trường khen thưởng. Cá nhân Tiến Anh cũng từng được Chủ tịch UBND huyện Lục Nam tuyên dương, tặng bằng khen.
Những câu hỏi Tiến Anh thường hay hỏi mẹ lúc nhỏ là: “Sao các bạn có tay mà con không có tay?”; “Bao giờ tay con mọc lại?” luôn làm chị Tuyên đau nhói. Thương con nhưng muốn con phải đối diện với sự thật, để có thể tự mình đứng lên từ khi bé nên chị Tuyên luôn giải thích cặn kẽ cho Tiến Anh. Sau nhiều lần, cậu bé đã hiểu rằng mình là người khuyết tật, sẽ không có được đôi tay như các bạn. Nhờ đó mà Tiến Anh cố gắng luyện tập với đôi chân để đến khi điều khiển được theo ý mình.
Cô giáo Trần Thị Hà, người từng dạy học cho Tiến Anh kể lại: những lần cậu bé tập viết, kẹp bút ở hai ngón chân, lưng gù xuống, đưa từng nét chậm rãi cho đến khi nét chữ dần tròn chịa. Lúc đầu, do chưa kiểm soát được lực chân, Tiến Anh phải vặn người mới có thể giữ chắc cây bút, đến khi mệt quá thì lại nghỉ ngơi, để cô giáo bóp chân cho bớt đau rồi lại tập tiếp.
Những tấm bằng khen dành cho “họa sĩ” tương lai.
“Nhìn cậu bé khi đó rất đáng thương và cảm phục. Khi về nhà, Tiến Anh lại tiếp tục luyện tập và cứ như thế trong thời gian dài. Đáng thương nhất là vào những ngày lạnh giá, do không thể đi tất khi tập viết nên chân của cậu bé lúc nào cũng tê cứng. Nhưng cậu bé đã vượt qua được tất cả khó khăn đó”.- Cô giáo Hà nói.
Khi đã có một đôi chân linh hoạt, có thể thay thế hai tay, cậu bé Tiến Anh tự tin hơn, không còn mặc cảm về bản thân. Cậu viết, vẽ hay thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như xúc cơm, rửa mặt rất gọn gàng. Chị Tuyên cho biết, Tiến Anh rất tự giác, thường ở bên giúp mẹ những việc vặt trong gia đình. Đến bữa cơm, cậu bé tự dùng đũa gắp thức ăn, dùng thìa xúc cơm ăn một lèo mà không cần phải ai giúp đỡ, nhắc nhở. Ngoài ra, mọi sinh hoạt cá nhân từ mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt em đều dùng đôi chân, không phiền đến mẹ và anh. Những buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em sang đơn vị quân đội ở gần nhà chơi đá bóng với các chú bộ đội.
“Con sẽ trở thành họa sĩ”, đó là điều mà cậu bé luôn mong ước từ khi bắt đầu tập cầm bút. Cho đến thời điểm hiện tại, Tiến Anh đã tự sưu tập những bức tranh thật đẹp về mẹ, về trường học. Biết sở thích đó, các thầy cô giáo khuyến khích em tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật của trường và luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ.
Câu chuyện của cậu bé cũng được nhiều người biết tới, các nhà hảo tâm đã đến để tặng em các dụng cụ vẽ và đồ dùng học tập. Ngoài ra, cậu bé cũng được tặng một chiếc xe đạp để hai anh em sử dụng đến trường hàng ngày.
Được biết, trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 do Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải triển vọng (khu vực Hà Nội). Ngoài ra, cậu bé cũng đạt được nhiều giải vẽ tranh của trường và các cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố. “Con không có tay như các bạn nhưng con sẽ làm được mọi thứ bằng chân để không làm mẹ buồn thêm. Sau này lớn con sẽ làm một họa sĩ giỏi, kiếm tiền để đỡ đần và chăm sóc mẹ”- Tiến Anh chia sẻ về ước mơ của mình.
Hy vọng rằng bằng đôi bàn chân đầy nghị lực của mình, cậu bé sẽ thành công với con đường trở thành họa sĩ trong tương lai, sẽ vẽ lên những bức tranh về cuộc đời đầy niềm vui và nụ cười. Giống như cái tên Tiến Anh của mình, luôn cố gắng vượt qua những vất vả của cuộc sống, không bỏ cuộc và trở thành một câu chuyện đẹp, tiếp thêm hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn khác.
Trâm Hiền
Nguồn: Công an nhân dân