Trang chủ Đối tượng Góc nhìn đại dịch Covid 19 về sự bình đẳng con người

Góc nhìn đại dịch Covid 19 về sự bình đẳng con người

201
0
Góc nhìn đại dịch Covid 19 về sự bình đẳng con người

Ảnh: đẩy lùi virus Corona (nguồn internet)

Lâu nay, một số nước hay tự cho mình là hình mẫu, là lý tưởng về dân chủ, nhân quyền để phán xét quốc gia khác. Tuy nhiên, trong thời điểm đại dịch Covid 19 đang diễn ra, có lẽ chúng ta nhìn nhận vấn đề này một cách rõ ràng hơn. Hãy lấy ví dụ 2 quốc gia: Thứ nhất là Việt Nam một nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà các nước Phương tây thường hay nên án là thiếu bình đẳng và “nhân quyền” và bên kia là Mỹ, biểu tượng của các nước tư bản hướng tới, là “hình mẫu” về bình đẳng và “nhân quyền”?!? (Tự cho là). Qua cái cách mà chính phủ cũng như xã hội của hai quốc gia trên ứng phó với dịch Covid 19, một lần nữa ta cần phải xem xét đâu mới là hình mẫu lý tưởng của bình đẳng, “nhân quyền” chứ không phải nói suông.

Ở Việt Nam: Tại Việt Nam, Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Và theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Quỹ BHYT thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-Cov-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan đến việc khám, chữa bệnh, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu KCB, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT sẽ được BHXH chi trả 100%. Điều này không chỉ áp dụng đối với người Việt Nam mà còn đối với cả nước ngoài đến Việt Nam.

Cả xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân đóng góp tùy theo khả năng của mình. Không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng người Việt Nam trong và ngoài nước đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của cả dân tộc.

Ở Mỹ: Gói cứu trợ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho người dân nước ngày được xét nghiệm virus corona chủng mới miễn phí. Tuy nhiên, các bệnh nhân Covid-19 vẫn sẽ phải tự thanh toán chi phí điều trị. Và đây sẽ là gánh nặng tài chính cực lớn đối với nhiều người Mỹ. Điều này đang thúc đẩy một niềm tin cho rằng những người giàu có và quyền lực ở Mỹ đã có một đặc quyền, được “lên hàng đầu” để xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đang thiếu hụt năng lực xét nghiệm cần thiết. Nhiều người Mỹ cho biết họ gặp khó khăn trong việc xét nghiệm, bị từ chối vì không có triệu chứng rõ ràng hoặc phải chờ rất lâu mới được xét nghiệm. Và việc những người nổi tiếng được xét nghiệm dễ dàng đã làm dấy lên quan ngại về sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, khi những người có khả năng tài chính sẽ nhận được một dịch mức độ dịch vụ khác.

Khi được hỏi về vấn đề này hôm 18/3, Tổng thống Donald Trump cho rằng những người giàu có và quan hệ rộng không nên được ưu tiên xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên ông Trump – một người cũng giàu có và quan hệ rộng – thừa nhận rằng những người nổi tiếng đôi khi nhận được đặc quyền. “Có lẽ chuyện đời luôn là vậy. Điều đó đôi khi vẫn xảy ra. Và tôi cũng để ý thấy rằng có vài người được xét nghiệm khá nhanh”, ông Trump nói.

Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán là hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu người trên khắp nước Mỹ có khả năng sẽ phải nhập viện vì Covid-19 trong tương lai gần. Tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa động chạm tới vấn đề này. Hôm 18/3, Quốc hội thông qua Đạo luật ứng phó với dịch bệnh bao gồm miễn phí xét nghiệm, nhưng lại không đề cập gì tới chi phí điều trị.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 không cần nhập viện và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bệnh nhân phải vào trung tâm hồi sức tích cực (ICU) có thể chịu mức viện phí rất cao, bất kể loại bảo hiểm mà họ sử dụng. Trong lúc chính phủ vẫn đang nghiên cứu các gói hỗ trợ, việc giải tỏa gánh nặng về kinh tế gây ra bởi dịch bệnh là vô cùng quan trọng.

Ở Mỹ, hệ thống bảo hiểm y tế cực kỳ phân mảnh, nên rất khó xác định chi phí điều trị Covid-19 sẽ ở mức nào vì còn thuộc vào gói bảo hiểm mà bệnh nhân sử dụng. Chi phí điều trị trung bình có thể từ 9.763 USD lên tới 20.292 USD cho những người có bảo hiểm lao động, và mức khấu trừ (số tiền bệnh nhân phải trả trước khi được tính bảo hiểm) vào khoảng 1.655 USD theo số liệu năm ngoái của Health Pocket. Đối với bảo hiểm cá nhân, mức khấu trừ có thể còn cao hơn. Mức khấu trừ trung bình cho gói bảo hiểm cá nhân hạng đồng năm 2019 là 5.861 USD.

Một số bảo hiểm có chính sách đồng thanh toán. Bệnh nhân phải trả 15-20% tổng chi phí khám chữa bệnh nếu khám ở bệnh viện trong cùng hệ thống. Con số này có thể cao hơn rất nhiều nếu là bệnh viện ngoài hệ thống. Đối với các bệnh nhân không có bảo hiểm, số tiền họ sẽ phải chi trả là vô cùng lớn. Các bang trên toàn nước Mỹ đang thực hiện rất nhiều chính sách để giảm tải gánh nặng về tài chính cho các bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu trong nền y tế nước Mỹ. Kể cả khi không phải hứng chịu đại dịch, người dân vẫn phải chấp nhận chi phí y tế đắt đỏ so với các nước khác trên toàn thế giới. Hàng triệu người thậm chí đã ngưng các chăm sóc y tế vì không có khả năng chi trả…

Như vậy, chỉ qua một số ví dụ về xã hội Mỹ và Việt Nam từ lúc xảy ra đại dịch đến nay, phần nào chúng ta đã có một góc nhìn khác về nhân quyền và bình đẳng diễn ra trong xã hội mỗi nước. Không nước nào là vượt trên và hình mẫu của nước khác, bởi thế đừng cho mình cái quyền phán xét nước khác như “báo cáo nhân quyền năm 2019” mà hãy thể hiện ra để cho người dân thấy. Chẳng hạn qua việc phòng chống đại dịch Covid 19?!?

Thiên bình

Nguồn: Non sông Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây