Trong “cơn hoạn nạn”, chúng ta mới thấy rõ quyết sách đúng đắn của Việt Nam là huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, cùng chung tay quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính sự phối hợp nhịp nhàng ấy cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tính đến nay, số người lây nhiễm trên toàn cầu đã hơn 400.000 ca, số người tử vong đã lên đến hơn 18.500. Không chỉ Trung Quốc, một số nước đã nổi lên là ổ dịch lớn như Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức Iran…
Một Việt Nam “nhỏ bé” nhưng sức mạnh dân tộc phi thường
Ngày 30/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Lời hiệu triệu yêu cầu “toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng, phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm”.
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã chính thức bước vào thời khắc quyết định, với tinh thần “sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Nắm bắt, phán đoán và quyết định nâng mức cảnh báo cao hơn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở thời điểm manh nha dịch bệnh. Huy động mạnh mẽ toàn hệ thống chính trị ở những bước đi kế tiếp, trong khả năng tập trung chuẩn bị, cải tiến – đầu tư các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cộng với năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dịch tễ…
Đặc biệt, xuyên suốt, quyết liệt, thực chất trong quá trình lẫn quy trình phòng chống đại dịch là vai trò, trách nhiệm cùng sự phối hợp mang tính tương tác, đồng thuận cao, hiệu quả giữa chính quyền, lực lượng chuyên ngành và người dân.
Tất cả đã tạo nên một “kháng thể” Việt Nam bảo toàn sức khỏe trên diện rộng: chưa có ca tử vong, tỷ lệ chữa khỏi chiếm 1/3 lượng bệnh nhân, số ca tăng mới chậm và có thể kiểm soát, có biện pháp khống chế và cách ly theo từng quy mô, số lượng, phân loại nghi nhiễm…
Nhưng cũng chỉ có thể là một Việt Nam luôn biết đặt để mình trong “sự khiêm tốn và cầu thị” để không được phép chủ quan, khinh suất, lơ là, hạn chế sai lỗi. Càng trong nguy cơ, cả nước lại càng đồng lòng và tỉnh táo. Chưa bao giờ, tận trong mỗi nhịp sống và mạch nhận thức của người dân, lại thấu cảm, tin cậy, sẻ chia, đồng thuận, gánh vác cùng với chính quyền, giữa người dân lẫn nhau như bây giờ.
Điều gì diễn ra tại Việt Nam trong hơn hai tháng phòng, chống và điều trị dịch bệnh?
Đó là sự gắn kết, đồng lòng giữa Đảng, Chính phủ và toàn thể quân đội, nhân dân trong trận chiến chống đại dịch Covid-19.
Đó là hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng”, các y, bác sỹ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động, tạm gác lại tình thân, những ngày tháng chung sống cùng gia đình, người thân để làm nhiệm vụ; những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch, sáng tạo bộ kit xét nghiệm, buồng khử khuẩn toàn thân di động, dung dịch sát khuẩn…
Đó là hàng nghìn y, bác sỹ đã về hưu và sinh viên trường y trong toàn quốc tình nguyện xin ra tuyến đầu chống dịch.
Đó là hơn 10.000 chiến sĩ quân đội hàng tháng trời sẵn sàng hy sinh thầm lặng, ngủ bạt giữa rừng, bên ngoài sân, sảnh các khu tập thể, nhường doanh trại để làm khu cách ly tập trung, và chính họ thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn miễn phí cho gần nửa triệu người Việt Nam từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam trong khu cách ly tập trung.
Đó là rất nhiều người dân từ trẻ đến già, nhiều doanh nghiệp trong toàn quốc đã ủng hộ Nhà nước gần 300 tỷ đồng để góp công sức phòng chống dịch.
Đó là dù đất nước còn nhiều khó khăn và không phải là một nước giàu có, nhưng trong nguy nan, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc 500.000 USD và trao tặng nhiều trang thiết bị vật tư y tế để chống dịch bệnh.
Quyết sách đúng đắn của Việt Nam đã huy động được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, cùng chung tay quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Qua trận đại chiến này, càng khẳng định thêm tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt, bình tĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao, chủ động, thấu tình, đạt lý của Chính phủ Việt Nam. Có thể khẳng định, hệ thống chính trị Việt Nam là một hệ thống chính trị của dân, do dân và vì dân. Tất cả những điều đó đã làm nên một Việt Nam hùng cường, ngời sáng, được WHO và bạn bè trên thế giới cũng như nhiều nước khắp năm châu ca ngợi.
Mồng Mười tháng Ba năm Canh Tý (2020), lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương hẳn sẽ gọn nhẹ, giản đơn hơn mọi năm. Duy có nén tâm nhang của người con Việt khắp mọi miền, ngoài lòng thành kính, biết ơn tông tổ, cội nguồn sẽ là lời thỉnh nguyện tai ương dịch bệnh chóng qua, mưa thuận gió hòa, người – nhà an vui.
Trong cơn nguy biến toàn cầu của đại dịch COVID-19, mới thấu rõ sự đồng lòng của nhân dân Việt Nam, sự tận tâm của chính phủ quyết thắng đại dịch! Dẫu con đường phía trước còn không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, sự sẻ chia đùm bọc của người dân cả nước, chắc chắc Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, không để tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Quỳnh Quỳnh
Nguồn: Cánh cò