Trong dòng tweet đăng tải hôm 29/3 đi kèm với hình ảnh, công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) có trụ sở tại Israel cho biết máy bay Y-8 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập và có thể mang theo hàng tiếp tế.
“Hoạt động của máy bay vận tải của Trung Quốc ở Biển Đông có thể chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế tại nước này”, ISI viết.
Đây là động thái phi pháp mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông, không lâu sau khi Bắc Kinh khánh thành trái phép 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh của ISI.
Theo Tân Hoa xã, 2 cơ sở nghiên cứu này do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, gồm một số phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường giúp hỗ trợ điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.
Đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn là 3 trong số 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp.
Trung Quốc trong những năm gần đây bồi đắp và xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo nhằm mở rộng khả năng giám sát các hoạt động của các bên tranh chấp ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái triển khai các thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc tại các đảo Bắc Kinh bồi đắp và xâm lấn trái phép thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo trên Biển Đông này.
Bình luận về động thái ngang ngược của Bắc Kinh, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh cho rằng mọi người có thể nghĩ đại dịch Covid-19 đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh bớt quan tâm tới các điểm nóng trên biển này.
“Sự thật hoàn toàn khác. PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) vẫn sẵn sàng tác chiến bất chấp virus”, ông này cho hay.
Song Hy (VTC News theo Rappler))
Nguồn: Đấu trường Dân chủ