Mới đây, cái gọi là “Liên minh các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu” vừa bày tỏ quan ngại việc một số Chính phủ “lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền”. Tuyên bố đã nhắc đến Việt Nam như là một quốc gia “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh” và yêu cầu “phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù”.
Vâng! “Việt Nam lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền” quá nhỉ?… Khi mà phát hiện ca bệnh đầu tiên cho đến nay, Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp bàn, các công văn tới tấp, cả hệ thống từ quân đội, y tế, công an, thông tin và truyền thông… được huy động tối đa, đặt quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện cả hai mục tiêu chống dịch và dập dịch.
Khi mà Chính phủ dang rộng vòng tay đón con em Việt Nam khắp nơi về quê mẹ tránh dịch và điều trị bệnh miễn phí. Những người nước ngoài đang công tác hay du lịch ở Việt Nam nếu bị nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đều được nhà nước quan tâm, động viên điều trị tận tình.
Khi mà Chính phủ yêu cầu giảm giá thịt heo; chỉ đạo EVN không được tăng giá điện bán lẻ trong năm 2020 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
“Việt Nam lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền” hay không?… Khi mà Chính phủ lo lắng cho người dân sợ họ mất đường mưu sinh sau khi dịch bệnh, Thủ tướng đã chủ trì hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương phát đi thông điệp mạnh mẽ phải tạo “việc làm cho người dân, không để người dân đói nghèo sau đại dịch”, mang đến cho người dân 3 chữ “an”: đó là an toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ qua.
Khi mà vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp chịu tác động, Chính phủ không ngần ngại mà tung nhiều gói hỗ trợ tín dụng, giúp doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương nhân viên, giảm thiểu sa thải lngười ao động lúc khó khăn này.
Khi mà tất cả việc làm của Chính phủ rất quyết liệt, chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo quyền cơ bản nhất của con người, đó là quyền sống. Như vậy không gọi là bảo đảm nhân quyền thì gọi là gì đây? Xin hỏi với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam ở trên có gọi là “lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền” hay không? Tính mạng và sức khỏe của người dân được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Sự thật như vậy, vì cớ gì mà không thừa nhận?
Đúng là Việt Nam không phải là nước giàu có gì, cũng chưa phải là nước có nền y học tiên tiến với những trang thiết bị y tế hiện đại. Nhưng những gì mà Chính phủ và người dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phòng chống dịch, cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn, bất kể họ là ai, không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo. Trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại.
Thật không hiểu cái “điệp khúc nhân quyền” mà các tổ chức, những kẻ ngày đêm nhảy đổng để bảo vệ nó như thế nào? Hay là theo như cái “cáo trạng” mà “Liên minh các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu” góp ý là “phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù”. Ở Việt Nam làm gì có cái gọi là “tù nhân chính trị” mà các vị la lối lên như vậy? Vâng, xã hội gần 100 triệu dân ngoài này đang vì Tổ quốc đều đứng im, ai nơi ở nơi nào, ở yên chỗ đó thì các “nhà dân chủ học” lại đòi thả “tù nhân chính trị”, “nhà hoạt động nhân quyền” để ngăn chặn đại dịch. Nói thật giờ ở trong tù cũng giống như các khu cách ly, ai đưa con virus vào đó mà sợ bị lây lan? Có chắc là thả những “tù nhân chính trị” này ra thì Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch bệnh? Và rồi để bảo vệ tính mạng của người dân, những “nhà hoạt động nhân quyền” sẽ múa bút để dập dịch hay là lôi kéo, tụ tập nhau biểu tình, đả đảo nỗ lực chống dịch của Chính phủ Việt Nam đây?
Trong bối cảnh Chính phủ cùng toàn dân dồn sức lực tập trung vào trận chiến chống giặc, thì các tổ chức phản động, những kẻ “ăn no rửng mỡ” chỉ chăm chăm rình rập, xuyên tạc công cuộc chống dịch của Việt Nam, bảo vệ cái lý tưởng “nhân quyền” mà chúng đang theo đuổi, còn sức khỏe, tính mạng của người dân chẳng đáng gì. Vì cái “nhân quyền” mà các đối tượng lâu nay hung hăn bảo vệ đó mà chúng “cố đấm ăn xôi”, bất chấp đúng sai, soi mói, tấn công lãnh đạo, vu cáo chính quyền.
Chợt nhớ tới lời phát biểu của một lãnh đạo nước ngoài với người dân, trước những ý kiến hoài nghi về nỗ lực chống dịch chính phủ đã nói rằng: “Thời gian cho việc đánh giá rồi cũng sẽ đến, mọi người sẽ có cơ hội được thẩm định và phán xét tất cả”. Lịch sử rồi sẽ phán xét chúng ta, nhưng bây giờ là thời điểm vàng của hành động và tinh thần trách nhiệm của tất cả, không từ một ai. “Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch” như lời hiệu triệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò