Ngày 27/3/2020, nước Mỹ đã vượt Italia và Trung Quốc, trở thành quốc gia có số ca nhiễm CoVid19 cao nhất thế giới với 82.404 ca nhiễm, vượt con số 81.340 ca của Trung Quốc và 80.589 ca của Italia. Cùng với đó, những ngày qua truyền thông Mỹ và phương Tây liên tục công kích ông Donald Trump về phát ngôn “lật bánh tráng” của ông kể từ đầu mùa dịch. Thậm chí một loạt kênh truyền thông Mỹ từ chối phát trực tiếp chương trình bàn về CoVid 19 của ông Trump, xem nội dung ông nói là độc hại với dịch bệnh. Một số cơ quan truyền thông còn lên án nước Mỹ đã quay lưng với nhân loại và cộng đồng, từ bỏ trách nhiệm của nước lớn trước dịch bệnh CoVid 19 này
Ban đầu Tổng thống Trump đánh giá thấp và chế nhạo mối đe dọa dịch bệnh suốt vài tuần. Ông cho rằng chẳng có gì phải làm lớn chuyện vì số người chết vì virus Corona chẳng ăn nhằm vào đâu so với bệnh cúm mùa xảy ra hàng năm ở nước Mỹ. Phát biểu trước những người ủng hộ ở Nam Carolina trong chiến dịch tranh cử tổng thống hôm 28-2, ông nói: “Đảng Dân chủ đã chính trị hóa virus corona”.
Ngày 7-3, khi một phóng viên hỏi ông có lo lắng về dịch bệnh lây lan hay không, ông phản bác: “Không hề. Chúng ta đã làm công việc tuyệt vời”. Rồi 6 ngày sau ông đã đổi giọng. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước quy mô dịch bệnh. Ông lại khẳng định chưa bao giờ đánh giá thấp mối đe dọa của virus và trấn an: “Đây là đại dịch. Từ lâu tôi đã hiểu đây là đại dịch trước khi nó được đánh giá là đại dịch mà”.
Ngày 11-3, ông ban hành lệnh cấm các công dân đến từ các vùng có rủi ro nhập cảnh vào Mỹ trong 30 ngày. Thế nhưng cùng lúc đó ông lại không huy động các nguồn lực mà Nhà Trắng thường sử dụng trong tình trạng khẩn cấ. Cách đây ba ngày ông mới bắt đầu làm như vậy và tuyên bố xây dựng các bệnh viện dã chiến. Từ đó, ông tăng cường các thông điệp mơ hồ về biện pháp cách ly nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan.
Trong khi Thị trưởng New York Bill de Blasio kêu gọi điều động khẩn cấp hàng trăm máy thở và hàng trăm ngàn rồi sau đó là hàng triệu khẩu trang, ông Trump lại quả quyết muốn chấm dứt biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc nhằm thúc đẩy kinh tế.
Các phát biểu “chỏi nhau” giữa thị trưởng và tổng thống đã cho thấy một quốc gia giàu nhất thế giới lại bất đồng trong công tác chống dịch.
Rõ ràng, ông Trump muốn bảo vệ kinh tế quốc gia, không muốn áp đặt biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh như vậy bởi ông lo ngại tác động xấu đến kinh tế. Tối 22-3 ông viết trên Twitter: “Chúng ta không thể tìm phương án tồi tệ hơn chính cái xấu xa đó”. Sau đó ông lại tuyên bố Mỹ phải mở cửa lại cho giới kinh doanh “rất sớm”, “sớm hơn ba hoặc bốn tháng như người nào đó đề xuất”.
Để đối phó với khủng hoảng, ông đã đưa ra kế hoạch phục hồi “lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ” với khoản chi cứu trợ 2.000 tỉ USD, tức tương đương 10% GDP của Mỹ hoặc bằng một năm tăng trưởng của nước Pháp. Ông tuyên bố muốn vực dậy kinh tế bằng mọi giá. Do đó, trái với ý kiến của giới y tế, ông chủ trương chấm dứt biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc từ cuối tháng 3-2020.
Báo Washington Post cho rằng ông muốn bảo vệ lợi ích riêng của mình vì bốn khách sạn lớn nhất và hai câu lạc bộ tư nhân của ông đã bị đóng cửa. Ông Trump cũng có sự ủng hộ từ nhiều nhân vật bảo thủ như Phó thống đốc bang Texas Dan Patrick phát biểu: “Ông bà nên sẵn sàng chết để cứu lấy nền kinh tế dành cho cháu chắt của mình”.
Không chỉ bất nhất trong lập trường xử lý dịch bệnh, đặt nặng cứu vãn nền kinh tế, ông Trump còn bị truyền thông công kích vì “phát kiến” gây tai họa của mình. Hồi đầu tháng 3-2020, ông không ngần ngại khẳng định văcxin ngừa SARS-CoV-2 sẽ có sẵn từ 3-4 tháng nữa.
Ngay sau đó TS Anthony Fauci “sửa lưng”: “Chúng ta sẽ không có văcxin. Chúng ta chỉ mới bắt đầu thử nghiệm văcxin… Như tôi đã nói với ông, thưa ngài Tổng thống, phải mất 1 năm đến 1 năm rưỡi trước khi phân phối một loại văcxin hiệu quả và an toàn”.
Mới đây hôm 23-3, ông Trump một lần nữa lại ca ngợi thuốc chloroquine trong khi việc sử dụng thuốc chống sốt rét này như liệu pháp điều trị SARS-CoV-2 còn là vấn đề tranh luận. Ông nói trong cuộc họp báo hàng ngày: “Đây là quà tặng từ thượng đế nếu nó hoạt động”. Nghe lời ông ca tụng, một cặp vợ chồng ở bang Arizona đã ăn một muỗng chloroquine phosphate. Rốt cuộc ông chồng “ngủm củ tỏi” còn bà vợ phải nhập viện.
David Axelrod – nguyên cố vấn cho Tổng thống Barack Obama, đã chê bai ông với AFP: “Chúng ta có một thách thức lớn và một tổng thống rất tầm thường”. Nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates chê nước Mỹ ứng phó đại dịch kém hơn các nước Châu Á, đồng thời bày tỏ bất mãn vì ông đã cảnh báo nguy cơ bùng phát đại dịch từ nhiều năm trước. Năm 2015, ông nói trong chương trình TED Talk rằng mối nguy lớn nhất của nhân loại không phải là chiến tranh hạt nhân, mà là đại dịch. Từ đó, Bill Gates kêu gọi đầu tư nhiều tiền hơn để phòng chống dịch bệnh, bao gồm chế tạo vaccine, nâng cao chẩn đoán, đào tạo ứng phó trong mô hình giả lập – tuy nhiên “đã không có nhiều thứ được thực hiện”. Bill Gates cũng cảnh báo, nước Mỹ chưa tới đỉnh dịch, cần học Trung Quốc quyết liệt hơn trong ngăn chặn dịch bệnh.
Một số Việt kiều Mỹ xuất hiện trên livestream lên án Tổng thống và cơ chế chính trị của Mỹ khiến nó không thể ngăn chặn đại dịch như Việt Nam. Nữ zân chủ mạng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới đây đã có những lời chỉ trích trên trang facebook cá nhân của mình: “Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ, thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, tổng thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không?”; “Một vị lãnh đạo quốc gia mà hôm nay nói gì mai quên mất, trong khi lời nói của mình có thể ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người, đến sinh mạng của người khác thì thật đáng lo ngại”…
Có vẻ như giới zân chủ trong nước, vốn là fan cuồng của Mỹ, vẫn dốc sức hướng ứng cách đặt tên gọi virus Trung Quốc của ông Trump và công kích chính quyền Việt Nam “nô lệ”, “thần phục” Trung Quốc khi không chịu gọi tên virus Corona là virus Trung Quốc, “hạn chế” nhắc đến diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc mà chỉ tập trung truyền thông về thảm họa ở Châu Âu (lời của blogger Phạm Đoan Trang). Một số khác còn khoe khoang, nước Mỹ cho dân tiền chữa bệnh (dù chưa thấy đâu) trong khi Việt Nam lại “đòi” tiền dân (ý là kêu gọi dân quyên góp ủng hộ)…
Thật tội cho các fan cuồng Mỹ, Âu trước đại nạn dịch bệnh này khi dân chúng Việt Nam và cả thế giới đều thừa nhận nỗ lực và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Ngay cả chuyên gia BBC Cathayer chuyên ủng hộ phong trào zân chủ Việt Nam cũng thừa nhận, cơ chế độc đảng đã giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả, nhanh chóng trước dịch bệnh. Hành xử của các nguyên thủ VN như ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quyết không bỏ rơi bất cứ con dân Việt nào dù đất nước còn nghèo khó và chật vật đối phó với thảm họa dịch bệnh khiến triệu triệu con tim dân Việt thổn thức, xúc động và đồng lòng hơn ủng hộ biện pháp chống dịch của Chính phủ, khác hẳn với chính khách Mỹ, phương Tây bất chấp vì mục tiêu kinh tế, chấp nhận “bỏ già cứu trẻ” bằng luận thuyết bất nhân “miễn dịch cộng đồng” nên giờ mới điêu đứng trước thảm họa dịch bệnh
Võ Khánh Linh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ