Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 25-3 yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu liên quan đến việc xuất khẩu gạo.
Ngày 25-3, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt. Qua đó, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạp và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo để xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107 của Chính phủ về Kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, báo cáo trước ngày 28-3.
Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên nành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.
Sáng ngày 25.3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí và trả lời PV một số câu hỏi xung quanh kiến nghị khẩn của Bộ Công thương lên Thủ tướng hôm qua, về việc cho phép hoãn áp dụng việc dừng xuất khẩu gạo.
Vì sao Bộ Công thương kiến nghị hoãn áp dụng dừng xuất khẩu gạo dù trước đó 1 ngày chính Bộ đã có đề xuất này?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trước đó, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trong đó có đưa ra kịch bản là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và phương án 2 là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.
Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công thương có được với số liệu thực tế họ có.
Việc Bộ đưa ra các phương án là dựa trên số liệu nắm được. Nhưng thực tế chúng tôi không có công cụ mà điều hành dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội…
Như vậy, thực tế số lượng tồn kho gạo lớn hơn những gì Bộ nắm được?
Trước đây, lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho chúng tôi nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107 thì chúng tôi không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho, nên xuất hiện độ vênh số liệu.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp và các địa phương, chúng tôi ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết rồi sau đó quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không.
Dự kiến khi nào có kết quả số liệu chính thức để đưa ra được phương án, thưa ông?
Chúng tôi đã báo cáo lại, bây giờ còn chờ Thủ tướng quyết định. Nếu Thủ tướng đồng ý phương án đó chúng tôi sẽ ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp, UBND các tỉnh.
Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trong tháng 3 không lớn như dự báo, thậm chí chững lại. Giờ chưa hết tháng 3 nên chúng tôi chưa có số liệu từ các cơ quan khác. Một số tỉnh khác cũng cho biết số lượng tồn kho lớn hơn ở trong dân.
Trước đó, khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đánh giá tác động của việc dừng xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp hay chưa?
Khi chúng tôi đưa ra một số phương án, trong đó có tạm giãn hoặc có chế độ giấy phép để kiểm soát tốc độ xuất khẩu thì đều đã tính toán. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất. Đối với doanh nghiệp, nếu phải tạm ngừng thì không phải là huỷ hợp đồng mà do trường hợp bất khả kháng.
Chúng tôi cũng tính đến việc làm việc với ngân hàng giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp. Biết là doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng phải đặt mục tiêu an ninh lương thực là cao nhất.
Trước đó, vào ngày 24-3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Theo Bộ Công Thương, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, bộ kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.
Trong diễn biến liên quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo.
Trong công văn do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ký đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.
Tổng cục Hải quan giao giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, TP, Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc Tổng cục Hải quan có công văn nêu trên là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Minh Chiến/NLD
Nguồn: Cánh cò