Ròng rã suốt gần 3 tháng trời qua, bao nhiêu sức người, sức của đã được huy động để chống dịch, nhưng không có nguồn lực nào là vô hạn. Và nếu dịch bệnh cứ tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm thì thật sự, đó là một gánh nặng không chỉ riêng ai trong bối cảnh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang bị đình đốn.
Có lẽ niềm mong cầu lớn nhất của tất thảy mọi người lúc này là dịch bệnh sớm qua đi, để lại thấy cảnh phố thị khói bụi kẹt xe, để nhà máy lại sáng đèn hối hả, để con trẻ lại líu lo đến trường, cũng bởi vậy mà chẳng ai bảo ai cứ mỗi người mỗi chút chung sức chung lòng cùng hiện thực hóa lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “ai có tiền góp tiền, ai có sức góp sức, ai có sáng kiến góp sáng kiến”. Mọi người ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, hoàn toàn là tự nguyện trên tinh thần tương thân tương ái. Sự đóng góp dù dưới bất cứ hình thức nào, dù ít hay nhiều của người dân điều trân quý, đem lại sức mạnh tổng hòa cả vật chất và tinh thần để cùng nhau bình an vượt qua cơn đại dịch. Chân tình ấy không chỉ đỡ đần bớt phần nào gánh nặng cho quốc gia, chia sẻ ít nhiều cho đồng bào mà còn đem lại những hy vọng về ngày dịch bệnh lùi xa, tình người gần gũi và ấm áp hơn.
Thế mà, loan tải trên trang cá nhân, Nguyễn Thúy Hạnh lại rêu rao: “Trong khi chính phủ Mỹ cấp tiền cho dân để chống Virus Corona thì Chính phủ huy động tiền của nhân dân là sao”. Đọc những lời lẽ cay độc đó cảm thấy “Nguyễn Thúy Hạnh”chẳng những lấy “lòng tiểu nhân đo dạ quân tử” khi cố tình đánh tráo khái niệm làm vẩn đục một nghĩa cử đẹp. Mà còn cho thấy chị ta rất “bất hạnh” bởi lẽ vì mờ mắt trước những đồng đô mỹ mà quên mất cái gọi là đạo lý bao đời này của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Một đồng đóng góp cũng là tình nghĩa đồng bào không thể cân đong đo đếm mà sao có thể đem ra so sánh với số tiền 1.000 USD bố thí của Mỹ!
Nếu nước Mỹ mà Thúy Hạnh luôn mơ về hào phóng thế, hệ thống y tế hiện đại đến thế, sao hàng loạt người vẫn chấp nhận đánh cược may rủi tính mạng của mình để ùa về nước thế kia? Cứ cho là ông Trump có thể ban phát cho dân họ 1.000 USD để hỗ trợ chống dịch, nhưng cũng sẵn sàng thu chi phí điều trị Corona của mỗi người lên đến 35.000 USD. Đây sẽ là gánh nặng tài chính cực lớn đối với nhiều người Mỹ. Với những người không có bảo hiểm y tế, người nghèo, vô gia cư, dường như chi phí điều trị này vượt hoàn toàn ngoài tầm khả năng chi trả của họ. Và đương nhiên, nhiều người có thể nhiễm bệnh nhưng không dám vào viện vì vào viện cũng chết. Quả xứng danh về một xứ Hoa Kỳ “tự do là tự lo”, ấy vậy nên chỉ trong thời gian ngắn, số ca nhiễm mới và tử vong tại xứ sở cờ bông mà Thúy Hạnh mê mẩn ấy cứ tăng vọt, trong khi dịch ở Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn hoàn toàn được kiểm soát, chưa có ca tử vong. Chính vì nghĩa cử ấy, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng giữa thế giới toàn là một màu tối đen của đại dịch. Hàng triệu người Việt có lý do để tin tưởng, chờ mong và nhìn về Tổ Quốc.
Có câu, Chó không chê chủ nghèo, con không chê cha mẹ khó. Vì thế, đừng nhìn vào những ví dụ kiểu như Hoa Kỳ sẽ phát cho công dân của nước này 1000 USD để chống dịch, mà quay lại nói rằng, Việt Nam là một nơi kém cỏi và không đáng sống. Đóng thuế để làm gì?
Đáng sống hay đóng thuế bao nhiêu hay không chẳng biết, nhưng Việt Nam tuyên bố rõ ràng rằng, sẽ chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ những người mang quốc tịch Việt Nam bị nhiễm, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm thì sẽ miễn phí cho cả người nước ngoài lẫn người Việt, hỗ trợ chi phí di chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thông qua những chuyến bay rỗng chiều đi. Điều này, có lẽ 1000 USD sẽ chẳng bao giờ là đủ và đừng lấy đồng tiền ra so sánh ở lằn ranh giữa sống và chết, ở những nơi Tư Bản, người ta có thể đem tiền ra đong đếm, còn ở Việt Nam thì không. Chưa kể, đến ngay cả cái khái niệm so sánh mà Thúy Hạnh viện dẫn như trên, giờ thì cũng sẽ chẳng thành hiện thực nữa khi Thượng viện Mỹ chính thức bác đề xuất hỗ trợ kinh tế ngàn tỷ USD.
Việt Nam chưa phải là nước giàu nhất. Việt Nam chưa phải là nước có nền y học tiên tiến với những thiết bị y tế hiện đại. Nhưng những gì chúng ta đã và đang làm, và làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của đại dịch bất kể họ là ai – chắc chắn sẽ làm cho thế giới, nhất là những nước giàu có, những nước có nền y học hiện đại cũng phải suy ngẫm. Cũng trong cơn hoạn nạn này, người ta còn nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại. Điều mà những nhà ‘dân chủ” như Nguyễn Thúy Hạnh với cái gọi là “Quỹ 50k” chỉ chuyên ủng hộ cho những phần tử khủng bố, những kẻ chống phá đất nước… chưa bao giờ hiểu được!
Văn Dân
Nguồn: Cánh cò