Trang chủ Đấu trường dân chủ Sự thật hay ngụy tạo?

Sự thật hay ngụy tạo?

1
0

Các thế lực thù địch cho rằng, sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ nương tựa vào cái bóng của “huyền thoại Hồ Chí Minh”, do đó, muốn chế độ ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xóa bỏ được huyền thoại này.

Từ hải ngoại, chúng cho lan truyền các thông tin, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Một số đối tượng là nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn… ở trong nước và nước ngoài có quan điểm sai trái, lệch lạc cũng có những phát ngôn hoặc ấn phẩm mang hình thức văn học phụ họa, tiếp tay cho chúng.

Bộ phim tài liệu “Sự thật về Hồ Chí Minh” (năm 2009, được chủ trương bởi “Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”) ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng là một sản phẩm “tiêu biểu” của chiến dịch “xóa thần tượng Hồ Chí Minh”.

Năm 2020 này, Đảng ta tròn 90 tuổi và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, hơn lúc nào hết, các thế lực thù địch, chống đối lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách… của Đảng và chúng lại “khuếch tán” bộ phim tài liệu “Sự thật về Hồ Chí Minh” nhằm tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh.

Sự thật hay ngụy tạo?

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa ([email protected])

Để nhận diện sự thật, chúng tôi đã có cuộc đối thoại mở cùng tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội xung quanh vấn đề này.

– Tôi đã xem đến hai lần bộ phim “Sự thật về Hồ Chí Minh”, phải thú nhận rằng những kẻ làm phim rất thâm độc trong việc ngụy tạo, cắt xén nhằm bôi nhọ, vấy bẩn… người khác. Thưa nhà văn Phạm Duy Nghĩa, anh đã xem bộ phim này chưa và anh có thể nói qua về bộ phim này.

+ Tôi cũng đã xem rất kĩ bộ phim này. Để thực hiện DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh”, những người làm phim đã tổ chức phỏng vấn một số nhân vật gồm những người đã từng sống ở miền Bắc Việt Nam như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần; những người từng ở Huế và miền Nam trước 1975 như Minh Võ, Vũ Ngự Chiêu, Trần Gia Phụng, Bùi Diễm, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Hữu Mục, Phan Văn Lợi, Tôn Thất Thiện; một số người nước ngoài như Sophie Quinn-Judge, Olivier Todd, Miroslaw Chojecki, Robert Krzyszton… Họ là những nhà văn, nhà báo, sử gia, giáo sư, linh mục, cựu quan chức và du học sinh tại Đông Âu. Không chỉ tỏ ra “chuyên nghiệp” trong việc chọn đối tượng phỏng vấn khá đa dạng, lời bình ở phần đầu của bộ phim vờ tỏ thái độ “khách quan khoa học” của những người làm phim: “Soi sáng những vùng tối lịch sử, thấu đáo những biến cố của cuộc chiến tranh ở Việt Nam vừa qua, không thể không tìm hiểu sự thực về con người Hồ Chí Minh”.

Theo một trang mạng hải ngoại, thì khi cuốn phim được ra mắt ngày 11/7/2009, có khoảng 500 người đã ngồi kín một nhà hàng tại Westminster (Little Saigon, California) và khoảng 200 người phải đứng ngoài trong nắng mùa hè vì không đủ chỗ.

Người chủ trì cuốn phim, linh mục Nguyễn Hữu Lễ, tuyên bố: “Phim này không phải là cái phim mạt sát, không phải là phim đả kích, không phải một phim tố cộng, mà là phim muốn trình bày một sự thật về con người mà cộng sản cố tình che giấu bằng những huyền thoại, người ta coi như là vị thánh vị thần”.

Trên Đàn chim Việt online, một tác giả có tên Nguyễn Văn Lục cũng nhận định: “Các nhân chứng đều trình bày một cách khách quan sự thực và không có tính cách bôi nhọ ông Hồ Chí Minh. Họ không có nhu cầu phải bôi nhọ, nhưng họ có bổn phận và trách nhiệm tinh thần phải nói lên sự thực”.

– Mặc dù tuyên bố như thế, nhưng trên thực tế, bộ phim lại làm khác. Vậy cái “sự thật” được ngụy tạo rất khéo sau những lời nói hay ho đó là gì vậy?

+ Điều đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể thấy khi xem cuốn phim này, là tất cả những thông tin được coi là “sự thật” về thân thế Hồ Chí Minh chỉ mang tính vụn vặt, tiểu tiết, không đáng dùng làm căn cứ đánh giá con người Hồ Chí Minh với tầm vóc một nhân vật quốc tế. Những kẻ làm phim cho rằng cuộc đời Hồ Chí Minh là một chuỗi những mập mờ về năm sinh, ngày sinh, ngày mất, tên gọi… và tất cả những điều đó là những “gian dối chồng chất” của bản thân Hồ Chí Minh và Cộng sản Việt Nam.

Lập luận này thật vô nghĩa, nực cười khi ai cũng biết trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, để giữ bí mật, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phải dùng những căn cước và bí danh khác nhau. Về điều này, ngay cả Nguyễn Văn Lục, người viết cho trang mạng của phía bên kia cũng thừa nhận: “Việc che giấu tên tuổi, đổi tên là một việc chẳng những bình thường mà cần phải làm đối với một người làm chính trị như ông Hồ”.

– Có một điều dễ nhận thấy là những “thông tin” ấy chẳng có căn cứ cụ thể nào, thường là “tôi nghe” người này nói, tôi nghe người khác nói. Mà cái sự “tôi nghe” đó liệu có nghe thật hay chỉ là sự ngụy tạo?

Sự thật hay ngụy tạo?

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, nhi đồng (Ảnh tư liệu)

+ Đó chỉ là suy diễn và ngụy tạo. Ông Trần Chung Ngọc – nhà nghiên cứu người Việt sống tại Mỹ, trong một bài viết về phim này đã tỏ ý giễu cợt: “Ông Hồ sinh năm 1890, hay 1892, hay 1895? Vậy thì sao? Ông Hồ không sinh ngày 19 tháng 5? Vậy thì sao? Ông Hồ muốn sinh ngày nào cũng được, điều quan trọng là ông đã làm gì cho đất nước”. Hầu hết những “sự thật” được đưa ra trong cuốn phim đều không có căn cứ hoặc chỉ là suy diễn, áp đặt chủ quan.

– Tôi còn thấy điều này nữa, không chỉ trong cuốn phim đâu, nhiều khi ở đâu đó, vẫn có người nói rằng, tâp thơ “Nhật ký trong tù” không phải do Bác sáng tác?

+ Về tập thơ “Nhật kí trong tù”, một số nhân vật được phỏng vấn cho rằng tác phẩm này không phải là của Hồ Chí Minh. Họ suy diễn như trẻ con: suốt những năm ở Hồng Kông, ở Nga không thấy ông Hồ làm bài thơ nào, tại sao sau này khi ông làm Chủ tịch nước người ta lại khám phá ra ông “có làm thơ thời gian tù ở Trung Quốc”?. “Lý lẽ” này là của ông Nguyễn Ngọc Bích.

Ông ta không biết, hay cố tình quên rằng ngoài Nhật kí trong tù, Hồ Chí Minh còn có nhiều thơ tiếng Việt và thơ chữ Hán viết trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc, thể hiện sự nhất quán về tư tưởng và phong cách với “Nhật kí trong tù”, trong đó có bài “Tặng Bùi công”, tức tặng cụ Bùi Bằng Đoàn – nguyên Trưởng Ban thường trực Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thân sinh của Bùi Tín, người đang có mặt trong cuốn phim này và cất lời xuyên tạc về Cụ Hồ!

Thực ra thì việc bày đặt nghi án về tác giả của “Nhật kí trong tù” ở đây là việc diễn lại một tích trò đã cũ. Năm 1989, ông Lê Hữu Mục – nguyên giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau 1975 định cư tại Canada, người được mời phát biểu trong cuốn phim này – đã viết cuốn Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật kí”, cho rằng ba phần tư tập thơ này do một người Trung Hoa là “già Lý” (bị giam cùng Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Victoria ở Hồng Kông những năm 1931-1933) sáng tác, phần còn lại “có thể coi là của Hồ Chí Minh”.

Tranh luận với ông Lê Hữu Mục, nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã tỏ ra thâm thúy một cách thú vị khi nói rằng: “Tôi biết ông muốn phủ nhận Hồ Chí Minh là tác giả Ngục trung nhật kí. Nhưng cách làm của ông là sai lầm. Tôi xin bày cho ông một mẹo. Ông hãy tìm những bài chắc chắn là thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, thí dụ những bài làm ở Việt Bắc, thơ tặng các cụ Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn v.v… rồi chứng minh đó là thơ dở. Sau đó mới chứng minh Ngục trung nhật kí là của người khác. Điều đó chắc chắn ông sẽ không làm được bởi vì nó rất hay, như ông đã thừa nhận. Nhưng nếu ông làm được điều đó thì nó “kín võ” lại thỏa mãn được cái tâm địa của ông. Chắc chắn ông biết mẹo này, nhưng dù có ba đầu sáu tay, ông cũng không dám làm. Bởi vì ông ngu dại gì chứng minh những bài thơ ấy là dở”.

Gần đây lại có thêm bài viết của Phan Khả Minh tiếp tục phản bác Lê Hữu Mục, in trên tạp chí Hồn Việt số 11+12 năm 2019.  Sau khi phân tích một cách xác đáng mọi yếu tố về thời gian, địa điểm sáng tác, nhân vật của “Ngục trung nhật kí”, về vấn đề quốc tịch và tuổi đời của tác giả, Phan Khả Minh đã chỉ rõ sự ngụy biện trong cuốn sách của Lê Hữu Mục và kết luận:”Chuyện ông già Lý là tác giả chỉ là chuyện suy diễn, không căn cứ trên thực tế, không đáng tin và không thuyết phục”.

Còn trong cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh”, những kẻ làm phim cũng không đưa ra được một bằng chứng nào để phủ nhận quyền tác giả của Cụ Hồ. Không có bằng chứng, thì chỉ là suy diễn, “nói lấy được” mà thôi.

– Không chỉ suy diễn, những kẻ làm phim còn cắt xén, bóp méo sự thật và vu khống, bịa đặt đến mức trắng trợn.

+ Đúng vậy. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết và sửa chữa, bổ sung từ 15/5/1965 đến 10/5/1969. Bút tích bản viết tay và bản đánh máy của Di chúc đã được chụp lại và công bố trên nhiều tài liệu sách, báo trong mấy chục năm qua. Ở phần đầu của Di chúc, Bác viết: “… Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Trong phim “Sự thật về Hồ Chí Minh”, kẻ được phỏng vấn đã dựa vào câu này của Bác để kết luận rằng: “Ngay trong Di chúc, Hồ Chí Minh chỉ ước ao sớm gặp lại hai nhà lãnh tụ cộng sản là Các Mác và Lênin, tuyệt nhiên không có một ước vọng nào cho đất nước và dân tộc Việt Nam”.

Họ đã cố tình lờ đi phần cuối Di chúc! Ở phần này, Hồ Chủ tịch viết:

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Những dòng này, Bác đã viết ở bản đầu tiên do Người tự đánh máy đề ngày 15/5/1965, và Bác giữ nguyên không thay đổi trong các bản sửa chữa, bổ sung vào Di chúc năm 1968 và 1969.

Người ta vẫn nói “một nửa sự thật không phải là sự thật”. Việc cố tình cắt xén văn bản Di chúc để bóp méo sự thật theo ý mình của những kẻ làm phim thực sự là việc làm bỉ ổi.

– Không những thế, họ còn trắng trợn phủ nhận cả tư tưởng yêu nước và mục tiêu giành độc lập dân tộc của Bác.

Sự thật hay ngụy tạo?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng ([email protected])

+ Bất cứ ai có kiến thức tối thiểu về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh đều biết rằng, Người theo chủ nghĩa Lênin, theo Quốc tế thứ ba vì tìm thấy ở đây con đường cứu nước, vì Lênin và Quốc tế thứ ba ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa. Người làm bất cứ việc gì cũng không ngoài mục tiêu độc lập dân tộc và cả cuộc đời Người đã nói lên điều đó.

Vậy mà, chối bỏ sự thật lịch sử, trong cuốn phim đã dẫn lời của Jean Francois Revel (Pháp) về Hồ Chí Minh: “Mục tiêu của ông không phải là nền độc lập của Việt Nam mà là sáp nhập nước này vào Quốc tế cộng sản”.

Phụ họa thêm cho luận điệu này, Bùi Tín cho rằng Hồ Chí Minh “từng có tư duy giành độc lập” nhưng từ khi theo chủ nghĩa Lênin, nhất là từ khi sang Moskva gặp Stalin, “ông ấy không còn là một người dân tộc, không còn là người yêu nước” mà bị Stalin khống chế, “biến hoàn toàn thành con người khác”. Sự phi lí, ngược đời, đổi trắng thay đen trong những luận điệu này, ở đây không cần phải chứng minh.

– Điều này không cần chứng minh thì cả thế giới đã biết, nước ta đã giành được độc lập, thống nhất. Nhưng có một điều thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những tiếng nói tỏ ra “cấp tiến”, tỏ ra “biết tuốt” chuyện “thâm cung” vẫn cứ rỉ tai nhau về những chuyện này, mà khi tôi nghe thì biết tỏng rằng, họ thực chất chỉ là giống “nhai lại” không hơn không kém, anh có nghĩ thế không?

+ Đúng vậy, và những thông tin này đều giống nhau ở chỗ: vụn vặt, hẹp hòi, chỉ “thấy cây không thấy rừng”, và cố tình bỏ qua sự thật lớn lao, quan trọng hơn tất cả: công lao trời biển của Hồ Chí Minh trong đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Những câu chuyện ấy, trên thực tế, cũng làm dao động được một số người nông cạn, thiển cận ở trong nước hoặc kích động những kẻ cực đoan, quá khích, cơ hội chính trị, những kẻ “xếp gạch cả hai hàng”. Với những người hiểu biết hoặc có đầu óc tỉnh táo, biết suy xét biện chứng sự việc, thì những “tiếng vo ve” đó chỉ là trò hề.

Theo tôi, đó là những tiếng nói lạc lõng cuối cùng của một lớp người vẫn còn nuối tiếc những đặc quyền đặc lợi đã được chế độ cũ ban phát ở Việt Nam. Theo nhận định của một số trí thức đã từng ở chiến tuyến phía bên kia, thì thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại bây giờ đã khác.

Học giả Lê Trọng Văn (từng là phụ tá chuyên về tình báo của cố vấn Ngô Đình Nhu; hiện sống ở California – Mỹ) trả lời phỏng vấn của tạp chí Hồn Việt, nói rằng: “Theo nhận xét của tôi, tiếng nói chống phá của những người có chức có quyền trong chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) không còn có giá trị đối với giới trẻ nữa. Các thế hệ trẻ thứ hai và thứ ba rất sáng suốt. Họ biết phân tích thế nào là đúng, thế nào là sai nên họ không dễ bị sự lôi cuốn của cha, ông một cách dễ dàng. Hơn nữa, trong bất cứ thư viện nào ở Mỹ cũng đều trưng bày rất nhiều sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là câu trả lời thực tế phản bác những trang mạng, những cuốn sách của các phần tử phản động có mục đích “đánh” vào thần tượng Hồ Chí Minh.

Giáo sư Trần Chung Ngọc (gần 10 năm tham gia Quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau 1975 định cư tại Mỹ), trong một bài viết về Cụ Hồ, cũng khẳng định: “Thời gian chỉ trôi có một chiều, một thế hệ già nua như chúng tôi đang lần lượt rủ nhau đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hơn, đầy nhiệt huyết, với những kiến thức thời đại, biết thế nào là con đường quốc gia, dân tộc, và dứt khoát từ chối, không để cho đầu óc bị ô nhiễm bởi những thù hận của lớp trước, dù các bậc cha anh vô trí có muốn truyền lại”; “Ngay cả giới trẻ ngày nay cũng sáng suốt lắm. Họ không để cho bị bịp bởi những luận điệu vô căn cứ, thuần túy viết theo thiên kiến và cảm tính đâu”.

– Cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” không là một cái gì mới mẻ, nhưng việc nhìn lại bộ mặt của nó – cũng như những thông tin khác với nội dung xấu về Hồ Chí Minh đã và đang có trên mạng internet – là để khẳng định thêm một sự thật rằng: mọi cố gắng của bất cứ thế lực nào nhằm xóa bỏ “thần tượng Hồ Chí Minh” trong lòng nhân dân Việt Nam đều vô ích. Không phải vì người dân Việt Nam đã bị “nhồi sọ” lâu năm về một huyền thoại đến mức không thể “tẩy não” như những kẻ nào đó lầm tưởng, mà đơn giản chỉ vì ai cũng biết rằng: cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã vì dân vì nước, cho đến phút cuối cùng vẫn không tư lợi một chút gì cho bản thân mình. Đó là sự thật mà không một phe phái nào có thể phủ nhận. Người đã trở thành vị thánh, vị Phật giữa lòng dân, được thờ trong nhiều gia đình và trong các đền chùa, miếu mạo khắp Việt Nam. Khi một con người đã đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, thì thế lực nào xóa bỏ nổi. Anh có nghĩ như vậy không?

+ Tôi đồng ý với anh. Và trên thực tế, không chỉ nhân dân Việt Nam tôn kính Hồ Chí Minh, mà nhân loại tiến bộ cũng kính trọng Người. Tìm hiểu những cuốn sách của các sử gia phương Tây nghiên cứu về Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy hầu hết các công trình này đều đánh giá cao vai trò và tầm vóc của Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới, trong khi những luận điệu phủ nhận Người chỉ là tiếng nói của một số ít người Việt Nam bất đồng chính kiến, đặc biệt là một vài nhóm người Việt sống lưu vong ở hải ngoại sau sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

Trong cuốn “Ho Chi Minh: Legend of Hanoi”, Jules Archer (học giả người Mỹ) viết: “Cộng sản hay không, ông Hồ Chí Minh cũng sẽ đi vào lịch sử như là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, là một trong những khuôn mặt phi thường của thế giới trong thế kỉ này”. Còn ở cuốn “Ho”, David Halberstam (nhà báo, sử gia Mỹ) ca ngợi Hồ Chí Minh là “nhà ái quốc vĩ đại nhất Việt Nam trong thế kỉ XX”. Có thể nói, không có lí lẽ nào thuyết phục hơn để đáp trả các luận điệu phủ nhận Hồ Chí Minh bằng tiếng nói của chính các sử gia, các nhà nghiên cứu chính trị ở các nước phương Tây, trong đó có những nước đã từng thua trận tại Việt Nam.

Và để nói lời cuối cùng về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” này, tôi lại xin mượn lời của học giả Trần Chung Ngọc: “Tại sao ngày nay người dân Việt Nam vẫn còn kính ngưỡng ông Hồ Chí Minh, tuy rằng trên diễn đàn truyền thông hải ngoại có cả một chiến dịch để xóa bỏ “thần tượng Hồ Chí Minh”? Lí do rất dễ hiểu là phần lớn những điều viết về ông Hồ của giới chống cộng là sai lầm, là vô căn cứ, bắt nguồn từ lòng thù hận một chiều của những người gọi là Quốc Gia, chứ không đặt trên những sự thật và sự kiện lịch sử”.

– Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Thế Hùng (CAND/thực hiện)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây