Trong khi cả xã hội đang nỗ lực phòng chống dịch thì nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng dịch bệnh để thực hiện các âm mưu phá hoại. Trước hết là hành động của số đối tượng phản động, các tổ chức khủng bố như Việt Tân, hay các trang mạng “Nhật ký yêu nước”, “Thanh niên Công giáo”… số đối tượng này đã liên tục đăng tải những thông tin bịa đặt trên các trang mạng xã hội, blog với mục đích gây hoang mang dư luận, phá hoại nền sản xuất và công cuộc chống dịch của Việt Nam. Đây là âm mưu, thủ đoạn không mới nhưng hết sức thâm độc của các thế lực phản động, thù địch. Điển hình như việc bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế. Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chúng ta cần tỉnh táo, nhận diện chính xác để không bị kích động, lôi kéo dẫn đến hoang mang, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, với bản chất phản động trang “Nhật ký yêu nước” cũng thường xuyên đưa nhiều thông tin xuyên tạc, mang danh là “yêu nước” nhưng các tin mà họ đưa ra lại trái ngược hoàn toàn với cái mác bên ngoài, với những luận điệu xuyên tạc, đưa thông tin mập mờ và thiếu chính xác để dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực, hoang mang. Bên cạnh đó trang “Thanh niên Công giáo” cũng tung nhiều tin đồn sai sự thật về số ca nhiễm, phủ nhận công sức của các y, bác sỹ và các ban ngành, cho rằng Chính phủ giấu thông tin, bưng bít số người chết bởi Covid-19 bằng những dẫn chứng liên quan đến những người bị chết vì một số bệnh khác tại các tỉnh có các ca nhiễm bệnh. Chẳng có lẽ, họ mong muốn Việt Nam trở thành ổ dịch, số ca nhiễm và số người chết tăng vọt chăng?
Tiếp theo là số người lợi dụng Covid -19 để thực hiện những âm mưu thủ đoạn của mình. Nhưng hệ lụy của việc nhấn bàn phím một cách tùy tiện đó đã tạo nên “đại dịch thông tin” trên mạng xã hội .Và thực tế cho thấy, “đại dịch thông tin” này đã đẩy cả thông tin thật lẫn giả ra toàn thế giới với tốc độ chóng mặt, kích thích sự hoảng loạn của người dân và dậy lên làn sóng kỳ thị… Nhiều người rảnh rỗi và thích thể hiện là người biết nắm bắt thông tin vô tình đã bị các tin xấu, độc dắt mũi để họ trở thành các anh hùng bàn phím, thích thú với việc đưa các tin “nóng” để câu like, câu view mà không lường trước được hậu quả. Những người này đa số rơi vào các chị em phụ nữ, những người nhẹ dạ, cả tin để rồi tiếp tay cho những kẻ phản động. Theo con số thống kê của Bộ Công an cho thấy, trên không gian mạng đã có hơn 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Chỉ nói riêng về bệnh nhân số 17, trong vòng 2 ngày cuối tuần sau khi công bố ca bệnh số 17, trên mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến và bệnh nhân và dịch Covid -19. Trong số đó có nhiều thông tin khiến người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâu là thông tin chính xác để có thể chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Cá biệt là trường hợp đối tượng Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, Tuy Phướng, Bình Định) đã bị khỏi tố, bắt tạm giam điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân cùng với tâm lý lo lắng trước tình hình dịch bệnh, bà Sương đã tung tin có vắc xin tiêm phòng dịch Covid – 19. Bà đã mua nước cất và kháng sinh các loại Gentasimin rồi tự pha chế, giả làm vắc xin tiêm cho 30 trường hợp. Hay như tại Phú Yên phát hiện trường hợp có người mạo danh cán bộ y tế đến các cơ quan như ngân hàng, trường học đặt vấn đề phun thuốc phòng ngừa dịch Covid để thu tiền trục lợi.
Tin giả và tin thất thiệt đã tồn tại từ lâu, từng được coi là vấn nạn toàn cầu, từng gây hại cho nhiều cá nhân, tổ chức và làm rối loạn xã hội, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Và dường như chính trong dịch Covid-19 này, tin giả và tin thật thiệt đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi nó đánh trúng vào nỗi lo sợ của mọi người, cả cái bản năng thích lan truyền tin đồn, và có lẽ nghiêm trọng hơn, là lối suy nghĩ rằng những nguồn chính thống thì không bao giờ nói thật.
Còn rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến Covid-19, nhưng chung quy lại tất cả đều tác động đến tư tưởng, tâm lý của người dân. Cho nên, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe đồng thời theo dõi thông tin từ các trang chính thống, không nên nhẹ dạ cả tin vào các tin giả, sai sự thật; kịp thời phát hiện các đối tượng có hành vi lợi dụng Covid-19 để trục lợi, báo cáo ngay với chính quyền để có biện pháp xử lý. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, chúng ta có quyền tin tưởng vào việc dịch bệnh sớm sẽ được dập tắt, nhưng điều đó đến sớm hay không thì một phần rất lớn phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân đó là hãy sáng suốt, đoàn kết, chung tay cùng các ban ngành để dập dịch trên mọi mặt trận./.
Nguồn: Đấu trường Dân chủ