Ông bà ta có câu “người không biết lo xa, ắt vạ tới gần”. Người Việt Nam là “chúa” lo xa trong mọi hoàn cảnh. Vậy nên khi Vũ Hán bùng phát dịch bệnh, các ca nhiễm tăng lên từng ngày và lây lan cho các quốc gia khác thì Việt Nam đã chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiều biện pháp như dừng cấp thị thực đối với công dân Trung Quốc, đình chỉ các chuyến bay qua lại giữa hai nước…
Những tưởng “phòng thủ” ngay từ đầu, ngăn chặn phòng dịch bệnh từ phía Trung Quốc, Việt Nam chữa khỏi cho 16 ca nhiễm covid – 19, sau đó không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, Việt Nam có thể công bố hết dịch. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội khi đó sẽ rục rịch trở lại với guồng quay. Nhưng rồi tình thế thay đổi, bệnh nhân thứ 17 và các ca nhiễm sau đó đều là những người trở về từ châu Âu bị nhiễm bệnh đã đánh dấu cho công cuộc chống dịch bước vào giai đoạn 2 khó khăn gấp bội lần. Chưa đầy 3 tuần, Việt Nam ghi nhận thêm hơn 70 ca mắc covid – 19, gấp 3 lần giai đoạn 1, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là “đây là giai đoạn khốc liệt, thời điểm vàng ngăn chặn quá trình lây lan của dịch bệnh cũng như hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong trên khắp cả nước”.
Với việc các chuyến bay gần đây vào Việt Nam liên tục có người mắc covid – 19 đã làm các cơ quan chức năng rất vất vả và đau đầu trong việc truy tìm những hành khách trên chuyến bay để thực hiện cách ly. Nếu truy tìm chậm, không cách ly kịp thời thì những hành khách trên các chuyến bay có người bị nhiễm bệnh sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng cao nếu chẳng may họ đã bị nhiễm bệnh. Chúng ta không thể cứ chạy theo xử lý, truy tìm từng người có nguy cơ bị nhiễm bệnh để giải quyết, khoanh vùng, rồi cách ly mãi được. Như vậy chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Đó là chưa kể đến những người bị nhiễm bệnh cố tình khai báo y tế gian dối, gây khó khăn cho việc truy tìm, hậu quả xử lý khó lường, càng phức tạp hơn.
Những thử thách đặt ra đòi hỏi Việt Nam không được lơi lỏng, chủ quan, phải có những biện pháp chống dịch, nâng cấp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Mới đây hãng hàng không quốc gia tạm dừng tất cả đường bay quốc tế cho tới ngày 30/04. Hay đặc biệt hơn là hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi quyết định tạm ngừng cấp visa với toàn bộ các nước trên thế giới từ 15 – 30 ngày đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Quyết định trên của người đứng đầu Chính phủ đồng nghĩa với việc Việt Nam cắt hầu như mọi đường lây nhiễm từ nước ngoài vào. Thời gian tới, sẽ có thể có thêm các ca dương tính covid – 19 ngoài cộng đồng, còn các ca còn lại sẽ được phát hiện từ các nơi đang cách ly. Trong điều kiện hiện nay, chưa nói trước điều gì nhưng rõ ràng là cách làm của Việt Nam đi rất đúng hướng. Chúng ta có quyền tin và có lý để tin rằng mọi chuyện sẽ sáng sủa hơn. Lạc quan dự đoán, nếu tình hình diễn tiến tốt đẹp, sau đó 3 tuần Việt Nam sẽ gần như không còn nguy cơ lây nhiễm nữa.
Thế nhưng, vấn đề này còn phụ thuộc vào ý thức, sự phối hợp, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân. Đất nước đang căng mình chống dịch mong tất cả những người trở về từ vùng dịch bệnh có ý thức, chủ động hợp tác, giúp đỡ Chính phủ khai báo y tế, tự nguyện cách ly, đừng để cả hệ thống nhà nước phải mất công mất sức đi tìm mọi người. Còn đối với những người đang cách ly tại gia đình, hãy “chấp nhận 2 tuần cô đơn để cả đời hạnh phúc. Chấp nhận bản thân buồn chán để cả đất nước trọn niềm vui”.
Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù vô hình thì chẳng nơi nào tốt hơn căn nhà của mọi người đang ở. Trong trường hợp xấu, khu phố của mọi người có người nhiễm bị cách ly, phong tỏa thì cũng không nên đi đâu cả. Bởi càng di chuyển, tập trung nơi đông người thì khả năng lây nhiễm càng cao. Con virus không chừa một ai cả. Và không ai trong chúng ta đoán chắc được mình không phải vật chủ chứa virus nếu chưa qua xét nghiệm. Nên chúng ta hoàn toàn có thể “chở” virus từ nơi này tới nơi khác. Các bạn thì hãy ở yên đấy là góp phần cùng Chính phủ và ngành y tế chống dịch theo đúng tinh thần “Chúng tôi đi làm vì các bạn – Bạn hãy ở nhà vì chúng ta” rồi!
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò