Trang chủ Luận bàn - Phản biện Trong cơn hoảng loạn, thấu một chữ “tình”

Trong cơn hoảng loạn, thấu một chữ “tình”

146
0

“Nỗi sợ hãi Corona” – “Cơn hoảng loạn Corona” thực sự lại khiến tôi nghĩ nhiều đến những vấn đề bên ngoài Corona. Biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Xin được bắt đầu từ một cái tít báo rất ấn tượng trên một tờ báo điện tử: “Corona lây qua mạng”.

Kính gửi toà soạn báo ANTG GT – CT!

“Nỗi sợ hãi Corona” – “Cơn hoảng loạn Corona” thực sự lại khiến tôi nghĩ nhiều đến những vấn đề bên ngoài Corona. Biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Xin được bắt đầu từ một cái tít báo rất ấn tượng trên một tờ báo điện tử: “Corona lây qua mạng”.

Theo tác giả của bài báo rất độc đáo này thì hàng loạt những thông tin sai trái mà người ta tung ra trên khắp các mạng xã hội, đặc biệt là facebook đôi khi còn có tính lây lan cao hơn và gieo rắc nỗi sợ hãi khủng khiếp hơn so với bản thân một con virus. Khỏi cần phải nhắc lại trường hợp những người nổi tiếng đã được các cơ quan quản lý truyền thông mời tới làm việc vì lan truyền những thông tin thất thiệt quanh đại dịch này.

Trong cơn hoảng loạn, thấu một chữ
Những thông tin sai trái mà người ta tung ra trên khắp các mạng xã hội, đặc biệt là facebook đôi khi còn có tính lây lan cao hơn và gieo rắc nỗi sợ hãi khủng khiếp hơn so với bản thân một con virus.

Cũng khỏi cần nhắc lại những lời bàn ra tán vào mang nặng màu sắc cảm tính của một bộ phận những “công dân bàn phím” vốn luôn cho mình cái quyền phán xét và nghi ngờ người khác, kể cả những người đang ngày đêm tận tâm ở tuyến đầu chống dịch.

Thực sự là quan sát cả một biển trời hỗn tạp những thông tin thất thiệt – những quan điểm cực đoan – những cảm xúc thái quá trên mạng xã hội xung quanh chủ đề Corona mà thấy đáng sợ quá. Đấy không chỉ là cảm giác của riêng tôi, mà còn là cảm giác chung của rất nhiều bạn bè khác của tôi.

Nhưng vừa thoát khỏi nỗi “đáng sợ mạng” cá nhân, tôi lại nhìn thấy những nỗi đáng sợ liên đới khác trong đời thực này. Ví dụ như cái cách mà một bộ phận các nhà cung cấp khẩu trang đã có những biểu hiện “ôm hàng” – “đẩy giá” trong bối cảnh mà người người đều cần khẩu trang phòng dịch.

Hẳn nhiên, các cơ quan quản lý của chúng ta đã vào cuộc rất kịp thời, nên tình trạng này đã bị dập tắt từ rất sớm, nhưng theo tôi, việc nó chỉ tắt nhờ các chế tài quản lý lại cho thấy sự bất ổn về văn hoá và đạo đức con người. Lẽ ra không cần cơ quan quản lý vào cuộc, với đạo đức bình thường và một nền tảng văn hoá bình thường, người ta cũng phải ý thức được rằng: tận dụng nỗi sợ hãi của cộng đồng để hét giá kiếm lời là hết sức nhẫn tâm.

Thưa quý báo, tôi đọc được những dòng này của bác sĩ Võ Xuân Sơn trên báo điện tử VnExpress: “Những hôm nghỉ Tết, tôi yêu cầu nhân viên chuẩn bị thêm khẩu trang để phát cho tất cả nhân viên, bệnh nhân, thân nhân người bệnh và thực hiện thay khẩu trang theo khung giờ nhất định. Khi chúng tôi liên hệ với đơn vụ cung cấp, họ đẩy giá khẩu trang lên cao gấp nhiều lần ngày thường. Ngay cả khi chúng tôi yêu cầu cho giá đối với khách hàng lâu năm, họ nhất quyết không đồng ý. Và hôm nay, sau khi nhận được báo cáo đầy đủ, tôi quyết định chấm dứt làm ăn với họ. Những người lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi sẽ không bao giờ có thể là một đối tác tốt”.

Không hiểu cảm giác của mọi người khi đọc những dòng này ra sao, còn với tôi, thực sự tôi rất đồng cảm với lời nhận xét đúng một cách chua xót của tác giả: Những người lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi sẽ không bao giờ có thể là một đối tác tốt! Và tôi nghĩ rằng, trong tương lai chúng ta có nên thiết lập những phong trào đủ mạnh mẽ để tẩy chay những con người “lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi” hay không? Những phong trào như thế này đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới, và tôi nghĩ rằng đấy cũng chính là một cách để chúng ta thiết lập một cộng đồng có tính văn hoá cao hơn.

Thưa quý báo, hoá ra trong chính lúc hoảng loạn này chúng ta mới vỡ lẽ phần nào cái cách mà chúng ta đã ứng xử với nhau. Ngày thường chúng ta vẫn nói: người Việt Nam trọng tình, nhưng với hàng loạt những hiện tượng nêu trên thì chúng ta buộc phải nghi ngờ lại điều này chăng? Hay cái mệnh đề “người Việt Nam trọng tình” là để nói về người Việt Nam ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, chứ không phải người Việt Nam của hôm nay?

Thưa quý báo, đây là những ý nghĩ cá nhân của tôi, và thật sự là tôi viết những điều này trong trạng thái đôi phần bức xúc. Nhưng tôi thành tâm kính mong quý báo lắng nghe và cho tôi biết quan điểm của quý báo về vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn! – Ngô Đức Kế (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Ngô Đức Kế!

Trước hết phải nói ngay, cả hai hiện tượng mà độc giả nêu ra, từ những “thông tin mạng” hết sức thiếu trách nhiệm đến việc “nâng giá khẩu trang” hết sức thiếu tình người quả nhiên là sự thật.

Những hiện tượng đó quả nhiên đã diễn ra trong những ngày đầu Virus Corona xuất hiện ở Việt Nam và khiến cộng đồng của chúng ta lo lắng. Chúng tôi rất hiểu cảm xúc của độc giả khi quan sát, chứng kiến những hiện tượng như thế này.

Chúng tôi còn nghĩ rằng, rất có thể độc giả đã có những quan sát từ nhiều sự kiện – hiện tượng có tính chất tương tự từ trước đó, và hai hiện tượng này chỉ là hai giọt nước tràn ly khiến độc giả phải đặt bút viết thư chia sẻ cảm xúc của mình với chúng tôi. Thay mặt toà soạn, chúng tôi cảm ơn những tình cảm gần gũi và quý báu mà độc giả dành cho tờ báo.

Bây giờ thì chúng tôi muốn độc giả hãy bình tĩnh để cùng chúng tôi tiếp tục mổ xẻ vấn đề. Thứ nhất, có phải phần lớn những người Việt Nam tham gia mạng xã hội đều tung tin thất thiệt để câu like, câu view, hoặc để thoả mãn những mục đích thiếu đứng đắn nào đó của mình không?

Thứ hai, có phải phần lớn các đơn vị cung cấp và kinh doanh khẩu trang Việt Nam cũng đồng loạt tăng giá – thổi giá để trục lợi trên nỗi hoang mang sợ hãi của cộng đồng hay không? Tất nhiên, thật khó đưa ra những câu trả lời chính xác về mặt thống kê để kết luận một cách chính xác theo góc độ hiện tượng học.

Nhưng chúng tôi muốn cung cấp thêm những câu chuyện để độc giả cùng suy nghĩ trước khi đưa ra một lời kết luận cuối cùng, trong một trạng thái tâm lý bình tĩnh và khách quan.

Ví dụ như câu chuyện của một tiểu thương tại Hà Nội đã bỏ ra 50 triệu đồng, nhờ mối quen của mình mua 1.000 hộp khẩu trang giá gốc, về bán lại giá gốc cho khách hàng. Là một tiểu thương nghĩa là một người quá hiểu các cơ hội kinh doanh, nghĩa là quá hiểu 50 triệu “đầu tư” lúc này có thể đem về cho mình “một vốn bốn lời”, nhưng tiểu thương này cuối cùng lại không có bất cứ một đồng lãi lờ nào cả. Chị làm điều đó vì cái gì, nếu không vì ý thức và một chữ “tình” với cộng đồng?

Thời gian vừa rồi chị đã xuất hiện trên một số tờ báo, và đâu đó có những nghi ngờ rằng: biết đâu chị làm thế để quảng cáo/đánh bóng thương hiệu cá nhân? Thưa độc giả, chúng tôi tuyệt đối không dám đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho những câu hỏi thuộc loại “rất khó” này, nhưng chúng tôi trộm nghĩ: ngay cả khi có quảng cáo thương hiệu thì quảng cáo một cách sạch sẽ, và việc quảng cáo góp ích cho cộng đồng thì nó vẫn là một điều rất đáng hoan nghênh.

Bên cạnh câu chuyện của tiểu thương này còn có câu chuyện của một nhóm tình nguyện đã gom được trên 1 tỷ đồng, và sau đó đã dùng toàn bộ số tiền này để mua khẩu trang cùng hàng ngàn chai nước rửa tay để tặng miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu.

Ban đầu họ tặng miễn phí ở các bệnh viện, sau đó đến các khu dân sinh đông người. Thưa độc giả, trong chính cái ngày mà nhiều tờ báo phản ánh tình trạng một bộ phận các cửa hàng tăng giá khẩu trang thì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh những thanh niên tình nguyện đứng phát miễn phí khẩu trang cho người dân ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Hôm ấy trời Hà Nội mưa và lạnh. Cậu thanh niên tình nguyện chỉ có một chiếc áo gió khoác trên người, nhưng cậu vẫn lặng lẽ làm một công việc mà chúng tôi hiểu rằng với nó có thể cậu đã tìm thêm được một phần ý nghĩa nào đó của cuộc sống này.

Tất cả những câu chuyện này nói với chúng ta điều gì? Nó nói rằng, bên cạnh một bộ phận nào đó tận dụng nỗi hoang mang của cộng đồng để kinh doanh trục lợi hoặc tung tin giả câu view thì vẫn có rất nhiều những con người/ những nhóm người trong lòng cộng đồng sẵn sàng thực hiện những hành động giản dị nhưng cao đẹp, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Thưa độc giả Ngô Đức Kế, chúng tôi tin rằng nếu nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh và nhiều chiều, độc giả sẽ thấy rằng, trong chính cơn hoảng loạn chúng ta cũng lại nhìn thấy rất rõ một chữ “tình”. Do vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn một góc nào đó của vấn đề và đặt dấu hỏi về chữ “tình” của người Việt Nam hôm nay thì rất có thể nó sẽ là một cái nhìn không đầy đủ.

Thưa độc giả Ngô Đức Kế, thiên tai, dịch bệnh đã từng nhiều lần càn quét nhân loại của chúng ta. Ở những giai đoạn đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta chống thiên tai bệnh dịch (và thực tế là chống luôn cả sự sợ hãi trong lòng mỗi người) bằng sức mạnh thần quyền. Chúng ta tin rằng một vị thần nào đó rồi sẽ xua đuổi bệnh tật và cứu vớt chúng ta. Sau này, khi lịch sử đi những bước đi tiến bộ, mạnh mẽ hơn thì chúng ta chống thiên tai dịch bệnh bằng… trí quyền.

Tức là chúng ta dùng trí lực của mình để xây dựng những công trình kiên cố đáp trả sự càn quét của tự nhiên, rồi làm ra những liều vắc xin đủ hiệu nghiệm để đáp trả sự tấn công của những con virus. Và rồi dịch bệnh cũng qua đi, hoạn nạn cũng qua đi. Và rồi sau tất cả, chúng ta xây dựng lại đời sống của mình cũng bằng chính một chữ “tình” sâu nặng ở mỗi một cộng đồng, một quốc gia.

Không có chữ “tình” như một chất keo với công năng gắn kết sâu sắc ấy, nhân loại đã không thể tạo dựng được một đời sống như những gì chúng ta đang sống. Đánh mất chữ tình, nhân loại rồi sẽ cùng nhau mất trắng!

Thưa độc giả, trong hoạn nạn nghĩ về một chữ tình, chúng tôi xin chân thành chia sẻ với độc giả tất cả những điều trên đây. Một lần nữa cảm ơn sự tin tưởng mà độc giả dành cho chúng tôi, và hy vọng tiếp tục nhận được sự tin tưởng ấy.

Vương Trọng Tín

Nguồn: Công an nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây