Dẫu biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Thế nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, những chỉ đạo liên tục từ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, người dân đã thực sự cảm nhận được sự đồng hành của chính quyền trong cuộc chiến này. Trong đó là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban Bí thư, đến Chính phủ, rồi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, gắn liền với người đứng đầu từng cơ quan đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam. Vậy mà, vẫn có một số đối tượng cơ hội, không nhận ra được sự phân công nhịp nhàng giữa các cơ quan, vẫn ráng đơm đặt khi thấy thiếu vắng sự xuất hiện công khai của Tổng Bí thư, để rồi xuyên tạc hòng lôi kéo dư luận.
Chúng ta nên nhìn tổng quát về chức năng nhiệm vụ của Chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quản lý nhà nước, quản lý xã hội phải theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, không thể dùng ý chí chủ quan đánh giá và suy diễn.
Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ai ?
Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, trong đó có Hiến pháp, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Chủ tịch nước. Nhìn chung trong 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, chính phủ được phân công nhiệm vụ hành pháp.
Một điểm quan trọng trong chức năng nhiệm vụ của Chính phủ đó là thống nhất quản lý xã hội về mọi mặt. Trong đó có y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế, môi trường, truyền thông, đối ngoại, an ninh, quốc phòng… Trong trường hợp khẩn cấp Chính phủ có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, cũng như các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ tổ quốc, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Với tư cách cơ quan thực thi pháp luật Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, cũng như quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội khác thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Như vậy, trong tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn ra trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ và thành viên đại diện là Bộ Y tế.
Chức năng nhiệm vụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ở Việt Nam Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng Chính trị đồng thời là Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền thông qua Nhà nước trong đó đội ngũ đảng viên là chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Nội dung cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam bao quát tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thông qua đường lối, chủ trương, chính sách Đảng lãnh đạo Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.
Chức năng nhiệm vụ của Đảng thể hiện qua một số nội dung chính sau:
Đảng lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội thông qua hoạt động xây dựng chủ trương, đường lối. Các văn kiện quan trọng của đảng có tính định hướng quan trọng như: cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị … Trong đó thể hiện một cách toàn diện và sâu sắc định hướng của Đảng đối với kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tiếp theo, thông qua bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Đảng định hướng xây dựng một hệ thống quản lý hành chính từ trung ương đến cơ sở.
Trong mô hình bộ máy nhà nước Việt Nam không có sự phân quyền độc lập giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án mà là sự phân công phối hợp trong việc tổ chức quyền lực nhà nước. Quan điểm của Đảng trong việc tổ chức quyền lực là phân công, phối hợp, có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau.
Dựa trên Hiến pháp Đảng hệ thống hóa, định hướng cho việc xây dựng cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước. Ở đó thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể từng cơ quan. Dưới sự định hướng và chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ máy Chính phủ được thiết lập và có thực quyền để trực tiếp quản lý kinh tế, xã hội.
Đảng định hướng xây dựng hệ thống chính quyền nhằm phân công quyền lực, phân định rõ chức năng nhiệm vụ để cơ quan hành pháp có đủ thẩm quyền thể chế hóa các đường lối, chủ trương và đưa chúng vào thực tiễn đời sống. Khi đã phân công như vậy Đảng không thể làm thay Chính phủ, không thể làm trái với quy định. Điểm này nói lên quan điểm Đảng lãnh đạo chứ không thể bao biện làm thay công việc của Chính quyền.
Cuối cùng, Đảng có chức năng nhiệm vụ định hướng các chiếc lược phát triển trong ngắn hạn và dài hại của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Khi Đảng chính trị cũng là đảng cầm quyền thì mọi định hướng của Đảng phải thống nhất với toàn bộ hệ thống chính trị. Từ đó thống nhất trong mục tiêu và phương pháp hành động.
Đảng quyết định các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ngắn hạn và dài hạn thông qua chủ trương đồng thời có những chỉ đạo mang tính định hướng trong quá trình hiện thực hóa. Cụ thể là phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tăng tỉ trọng công nghiệp dịch vụ, áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa vai trò các nguồn lực trong xã hội, đảm bảo sự quản lý của nhà nước theo ý của Đảng.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội Đảng định hướng xây dựng một “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản săc dân tộc” con người là trung tâm của sự phát triển giao thoa đa dạng các nền văn hóa. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, có ý thức trách nhiệm công dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và kinh tế.
Tương tự như vậy trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đối ngoại Đảng có chức năng nhiệm vụ đề ra các đường lối, chủ trương trọng yếu. Từ đó các cơ quan chức năng, người được phân công chính thức có nhiệm vụ thực thi triển khai. Hoàn toàn không có sự “lấn sân” công việc của Đảng sang công việc của Chính phủ.
Qua đó ta thấy rằng nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh hiện tại nhìn theo hướng quản lý nhà nước thuộc về chính phủ, đại diện là Bộ Y tế. Khi một số cá nhân đòi hỏi sự xuất hiện chỉ đạo, hay tham gia công tác phòng chống dịch bệnh của Tổng Bí thư là hết sức vô lý. Công tác lãnh đạo của Đảng không thể làm thay công tác quản lý của Chính phủ. Không thể để chức năng nhiệm vụ chồng chéo lên nhau, không thể để xảy ra hiện tượng “dẫm chân nhau” trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, trong bộ máy Chính phủ và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội là những cá nhân, gương mặt tiêu biểu của Đảng. Họ chính là đại diện của Đảng đang trực tiếp tham gia vào công tác cùng toàn dân đẩy lùi dịch bệnh. Và đó chính là sự hiện diện thường trực của Đảng trong cuộc chiến này. Nhiệm vụ này không của riêng ai, không phải của riêng cá nhân nào mà là của toàn Đảng toàn dân.
Hân Cao
Nguồn: Cánh cò