“Xét lại lịch sử” – âm mưu thâm độc
BP – Một trong những chiêu bài rất thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang áp dụng để chống phá Việt Nam, đó là khơi dậy, thổi bùng trào lưu xét lại lịch sử, xét lại cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng thực hiện chiêu trò này rất tinh vi, xảo quyệt, cả âm thầm lẫn rầm rộ, công khai trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng, nhằm tác động vào nhận thức người dân Việt Nam theo cách “mưa dầm thấm lâu”.
Không biết do vô tình hay hữu ý mà trong những ngày này, phong trào “lật sử”, “ngụy sử”, đòi xét lại lịch sử đã và đang diễn ra cả trong và ngoài nước. Đó là những luận điệu trơ trẽn đòi đánh giá, xem xét lại tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước; rồi cố tình đổi trắng thay đen khi coi những hành vi man rợ, tàn sát dân thường của lính Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa (VNCH) trước đây là một “sự chịu đựng”!? Tiêu biểu như Phạm Văn Nam, đạo diễn phim “Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi”, đã rất ngông cuồng khi tuyên bố: “Cuốn phim của chúng tôi có bốn cái trả: Trả lại sự thật cho lịch sử, trả lại công bằng cho Chính phủ VNCH, trả lại vinh dự cho người lính VNCH, trả lại niềm tự hào cho con em chúng ta”. Đúng là giọng điệu của những kẻ chuyên “bưng bô” cho ngoại bang, giọng lưỡi của kẻ “ngụy sử”. Tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược do người Mỹ phát động đã được chính người Mỹ thừa nhận, còn chế độ VNCH, họ có cái gì đâu mà trả, ngoài sự thối nát, xấu xa.
Hay, Bảo Ninh – tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh”, khi trả lời phỏng vấn trong tập 9 bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lyun Novick, nói về giai đoạn từ tháng 5-1970 đến tháng 3-1973, đã phát biểu rất hợm mình: “Chúng tôi ăn cùng một loại gạo, uống cùng một loại nước, chia sẻ cùng một nền văn hóa, cùng một loại âm nhạc. Chúng tôi đã hèn nhát theo cùng một cách, chúng tôi đã dũng cảm theo cùng một cách, không khác nhau, đó là một cuộc nội chiến”.
Thật nguy hiểm, bởi bộ phim này được chiếu cho các sinh viên của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) xem. Mặc dù sự thật là có những người Việt từ vùng này của đất nước đã chiến đấu chống lại người Việt ở vùng khác, song đó không phải là cuộc nội chiến. Thật tai hại vì những sinh viên năm thứ nhất của FUV đã tiếp thu những câu chuyện sai lệch, rằng đó chỉ là cuộc nội chiến giữa 2 miền Nam – Bắc, một sự đối đầu ý thức hệ mà thôi. Đúng là người lính ở 2 đầu chiến tuyến có chung một nền văn hóa nhưng lại hoàn toàn khác nhau ở bản lĩnh và mục đích chiến đấu. Người chiến sĩ cộng sản chiến đấu để giải phóng quê hương đất nước. Bảo Ninh đã cố tình đánh lừa dư luận khi đánh đồng như vậy.
Hoặc vị tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã bộc lộ rõ bản chất “ngụy sử” của mình khi phát biểu: “Thừa nhận VNCH, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa, giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.
Ông Nhã là nhà nghiên cứu lịch sử mà phát biểu như vậy thử hỏi xem có chấp nhận được không? Thứ nhất, VNCH không có một thứ gì đáng giá để cho chúng ta phải học tập, chứ đừng nói đến thừa hưởng. Tất tần tật mọi thứ, từ “thượng vàng hạ cám” đều phải nhập khẩu hoặc được nước mẹ – đế quốc Mỹ – chu cấp. Chế độ thì thối nát, quan chức tham nhũng, đè đầu cưỡi cổ nhân dân; tướng tá thì toàn hạng “xôi thịt”, thua hết trận này tới trận khác; binh sĩ thì hèn nhát, rượu chè, lạc lối trong tệ nạn. Thứ hai, nếu không tôn trọng giới học thuật, nghiên cứu thì theo pháp luật Việt Nam hiện nay, với những phát ngôn nêu trên cũng đáng để đưa ông ta ra trước vành móng ngựa rồi. Thứ ba, có lẽ ông đã cố tình không thấy Việt Nam phát triển như thế nào trong hơn 30 năm đổi mới. Ông đã tự nhổ vào mặt mình khi phát biểu rất ngông cuồng, lên lớp dạy đời như vậy. Việt Nam phát triển, chứng tỏ giới học thuật, nghiên cứu rất được tôn trọng. Ví như Ngô Bảo Châu được Nhà nước trải thảm đỏ như vậy, nhưng thử hỏi anh ta đã đáp lại sự ưu ái đó như thế nào?
Rồi, Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập FUV, khi nói chuyện với John Swallow, Chủ tịch Cao đẳng nghệ thuật Carthage, đã nói rằng: “Sau khi cho các sinh viên của FUV xem một tập trong bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam”, thì nhiều người đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem.”
Đàm Bích Thủy cho rằng, các sinh viên đã trao đổi lại với mình, đại ý là chúng tôi chưa bao giờ biết người Mỹ phải chịu đựng nhiều như vậy. Xin hỏi, lính Mỹ phải chịu đựng cái gì? Hay là họ phải chịu đựng những vất vả khi hành quân càn quét, thực hiện bình định, bắn giết dân thường Việt Nam? Hay họ phải chịu đựng chờ đợi tới ngày được tự do ăn chơi phè phỡn với gái đẹp và ma túy trong những quán bar, nhà hàng sau những trận chiến sống chết mong manh? Thật nguy hiểm khi những sinh viên Việt Nam được quản lý, giáo dục, dạy bảo bởi những con người biến chất như Đàm Bích Thủy!
Đúng là có rất nhiều cách khác nhau khi giải thích lịch sử, nhưng điều cốt lõi nhất là bối cảnh và sự thật lịch sử luôn luôn bất biến, cần phải nhìn nhận, thừa nhận nó một cách khách quan như những gì nó đã xảy ra. Vất vả, chịu đựng tới đâu thì trong cuộc chiến này, lính Mỹ cũng là những kẻ đánh thuê, là những kẻ đã tắm máu người dân vô tội Việt Nam, là nguyên nhân gây ra những nỗi đau không thể bù đắp cho nhân dân Việt Nam. Đó là sự thật không thể chối cãi. Những hành động liên tục, có chủ đích của Bảo Ninh, Đàm Bích Thủy, Nguyễn Nhã, Phạm Văn Nam thực chất là tham gia vào chủ nghĩa xét lại lịch sử và làm sai lệch sự thật. Trong đám đông những sinh viên đó, họ đâu biết rằng hàng triệu người dân Việt Nam vô tội đã chết và hàng triệu người đang tiếp tục phải chịu đựng vì những “di sản” chiến tranh như bom mìn sót lại chưa nổ hay chất độc da cam.
Tóm lại, với những hoạt động rầm rộ thời gian qua, phong trào “lật sử”, “ngụy sử” đòi xét lại lịch sử đã không còn là những nguy cơ tiềm ẩn mà đã hiển hiện ngay trước mắt. Chúng ta cần phải có thái độ cương quyết để nhanh chóng triệt tiêu trào lưu này, trả lại sự trong sáng cho môi trường tri thức Việt Nam.
Bùi Ngọc Trâm Anh Giới thiệu
Nguồn: Google.Tiên lãng