Trang chủ Hồ sơ - Tư liệu Tháng 3 về – tưởng nhớ Gạc Ma!

Tháng 3 về – tưởng nhớ Gạc Ma!

267
0

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực, sử dụng tàu chiến đánh chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cuộc chiến không cân sức khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải vận chuyển lực lượng công binh, nguyên vật liệu ra xây dựng các công trình phục vụ đời sống của quân và dân ta đang làm nhiệm vụ trên quần đảo với lực lượng Hải quân Trung Quốc hùng mạnh gồm 6 tàu chiến được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Ngày 14/3/1988, đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc ta khi gắn liền với biểu tượng “Vòng tròn bất tử” cùng sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân Việt Nam, bảo vệ được đá Cô Lin và Len Đao, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Trận ngày 14/3/1988 là trận đánh tiêu biểu của Hải quân Việt Nam, dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc ta; đây là sự kiện cần được nghiên cứu đầy đủ và tuyên truyền rộng rãi nhằm giáo dục cho mọi thế hệ người Việt Nam về tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh anh dũng của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam, rút ra những bài học quý giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

1. Bối cảnh tình hình

– Ngày 24/9/1975, tại cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam với Trung Quốc do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, Đặng Tiểu Bình lúc này là Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản kiêm phó Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận giữa hai nước còn tồn tại vấn đề Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) và hứa hẹn vấn đề sẽ được đưa ra giải quyết trong tương lai. Ngày 10/11/1975, Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc công hàm nhắc lại tuyên bố ngày 24/9 của Đặng Tiểu Bình và đề nghị ngưng tuyên truyền liên quan đến tranh chấp về các quần đảo nhằm tạo không khí thuận lợi cho việc thương thảo. Tuy nhiên trong công hàm trả lời ngày 24/12/1975, Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ đề nghị này.

– Ngày 12/5/1977, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bố Tuyên ngôn về vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Ngày 07/10/1977, Việt Nam và Trung Quốc có cuộc họp đàm phán về biên giới. Việt Nam đề nghị đăng ký thảo luận về quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ, phía Trung Quốc từ chối.

– Cuối năm 1978, ta ký thỏa thuận với Philipines và Malaysia về giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Giai đoạn này quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Trung Quốc từ chỗ thừa nhận Hoàng Sa là “vấn đề tranh chấp” sang hẳn luận điểm “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không cần tranh cãi”.

– Ngày 04/02/1982, Chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là Đà Nẵng). Ngày 09/12/1982, Chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

– Năm 1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng hành chính tỉnh Hải Nam bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

– Quần đảo Trường Sa thời điểm trước ngày 14/3/1988, Trung Quốc chưa từng chiếm đóng được đảo nào (trừ Đài Loan chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình từ năm 1956), trong khi hầu hết các đảo nổi chủ yếu của quần đảo Trường Sa đều đã do người Việt Nam đóng giữ, bảo vệ với tư cách những chủ nhân thật sự. Ngoài ra còn có sự chiếm đóng của Philippin, Malaysia trên một số đảo ở phía Đông và Nam của quần đảo này.

– Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng quần đảo Trường Sa trong chiến dịch Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các đảo nổi; tiến hành bảo vệ, quản lý dưới hình thức tuần tra định kỳ, canh gác đối với các đảo chìm, bãi cạn, bãi đá phụ thuộc, nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng, củng cố sau này.

– Cuối năm 1987, trước hành động xâm nhập trái phép của tàu hải quân Trung Quốc tại Trường Sa, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương triển khai lực lượng trên các đảo Đá Tây, Đá Lớn, Tiên Nữ, Thuyền Chài, đã điều động lực lượng tàu chiến đấu, tập trung sửa chữa tàu thuyền và trang bị kỹ thuật để chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo gọi là “CQ-88”.

2. Âm mưu của Trung Quốc

– Trung Quốc coi Biển Đông là “Lối thoát chiến lược” để mở rộng “Không gian sinh tồn”. Thách thức của Trung Quốc đối với chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Biển Đông là hết sức nghiêm trọng. Trung Quốc liên tục tiến hành các bước chuẩn bị về luật pháp, cơ sở pháp lý quốc tế và lịch sử, hành chính, chính trị và ngoại giao, truyền thông và sức mạnh quân sự để thực hiện ý đồ chiếm Biển Đông.

– Ngày 02/6/1984, Quốc hội Trung Quốc quyết định thành lập một đặc khu hành chính bao gồm đảo Hải Nam và hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố phản đối sự việc này. Ngày 15/4/1987 Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa). Sau đó, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu khảo sát và tàu chiến nhiều lần xâm nhập trái phép để khảo sát, thăm dò và tập trận quy mô lớn tại vùng biển Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

– Trung Quốc đã triển khai chiến dịch “đặt chân lên Trường Sa” ngay từ đầu năm 1988, đồng thời với một loạt các động thái trên phương diện thông tin truyền thông, ngoại giao, pháp lý diễn ra trước, trong và sau chiến dịch này nhằm biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực của họ. Cụ thể là ngày 31/01/1988 chiếm đá Chữ Thập, ngày 18/2/1988 chiếm đá Châu Viên, ngày 26/2/1988 chiếm đá Ga-ven, ngày 28/2/1988 chiếm đá Huy-gơ.

– Sự kiện ngày 14/3/1988 chỉ là đỉnh điểm của cả một chiến dịch theo kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện quyết tâm xâm chiếm các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

3. Diễn biến trận chiến đấu

a) Tương quan lực lượng

– Trung Quốc đã huy động một liên đội tàu trên 12 tàu chiến gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ; ngoài ra có 3 tàu vận tải hỗ trợ và các tàu đo đạc, tàu kéo… Các tàu Trung Quốc được trang bị pháo 37 ly, 100 ly và vũ khí bộ binh theo cá nhân.

– Hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải HQ604, HQ505, HQ605, đây là tàu vận tải của lực lượng Công binh Hải quân ra làm nhiệm vụ xây dựng đảo, bãi đá với 2 phân đội công binh gồm 70 người, biên chế thành 4 tổ chiến đấu. Các tàu vận tải đều là những tàu không trang bị tên lửa, pháo các loại, chỉ có súng AK để tự vệ.

b) Diễn biến của trận chiến đấu

– Ngày 13/3/1988, tàu HQ605 được lệnh từ đảo Đá Đông nhanh chóng cơ động đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày 14/3. Lúc 5h00 sáng 14/3, tàu HQ605 đến Len Đao và cắm cờ Việt Nam trên bãi đá san hô này.

– 9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ604 và tàu HQ505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma và Cô Lin thực hiện nhiệm vụ đóng giữ bảo vệ. Sau khi hai tàu Việt Nam thả neo, tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc từ đá Huy-gơ chạy về phía đá Gạc Ma; khi tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ604, dùng loa gọi uy hiếp, bắt ta rời khỏi đảo; ta kiên trì neo giữ đảo thì bị các tàu hộ vệ và tàu chiến của Trung Quốc khiêu khích, đe dọa. Ban chỉ huy tàu HQ604 nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, ta phải bình tĩnh xử lý, thực hiện theo phương án tác chiến đã đề ra, quyết tâm bảo vệ đảo.

– Tại khu vực đá Gạc Ma, rạng sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ604 đang thả neo tại đây phát hiện bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm Thiếu úy Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ cờ Việt Nam đang tung bay trên đá Gạc Ma. 06h00 sáng 14/3, Hải quân Trung Quốc đưa ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá Gạc Ma, giật cờ Việt Nam xuống. Cán bộ, chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu đế bảo vệ lá cớ Tổ quốc, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương, Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn và hy sinh.

Lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu HQ604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu để tiêu diệt cán bộ, chiến sĩ ta trên tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về. Cán bộ, chiến sĩ ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Tàu chiến Trung Quốc tiếp tục nã pháo vào tàu HQ604 làm cho tàu chìm xuống biển. Khi tàu bị chìm, cán bộ, chiến sĩ hải quân ta phải nhảy khỏi tàu bơi về đá Gạc Ma thì bị tàu Trung Quốc dùng súng, pháo bắn cấp tập và đội hình hòng tiêu diệt sạch, không cho ta lên để bảo vệ đá Gạc Ma; nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ604 đã anh dũng hy sinh.

– Tại đá Cô Lin, 06h00 ngày 13/3, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ505 của ta đã cắm hai lá cờ trên đá Cô Lin. Khi thấy tàu HQ604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ505, Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi lên đá Cô Lin. Phát hiện tàu HQ505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ505. Khi tàu HQ505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy. 08hl5, tàu HQ505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ604 bị chìm ở phía bãi đá Gạc Ma.

– Tại đá Len Đao, 8 giờ 20 phút thượng úy Nguyễn Văn Chương và trung úy Nguyễn Sĩ Minh tổ chức cho đơn vị dùng xuồng đưa thương binh và chiến sĩ về tàu HQ505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin).

4. Phản ứng của các bên

– Đối với Việt Nam: Ngay trong ngày 14/3/1988, sau khi tàu Trung Quốc nổ súng vào các tàu Việt Nam ở Trường Sa, Bộ Ngoại giao nước ta ra tuyên bố khẳng định: Từ tháng 01/1988, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông-Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông. Ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của Việt Nam đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự gây ra.

– Phía Trung Quốc: Thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công; vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ! Trung Quốc chỉ tiến hành “các hoạt động khảo sát bình thường trên vùng biển thuộc lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc”.

– Dư luận quốc tế: Ngày 16/3, hãng tin Pháp AFP đã phát bài bình luận khẳng định Việt Nam là người vô tội, còn Trung Quốc là kẻ tội phạm, với nội dung: “Hành động của Trung Quốc rất vụng về, vì đã lợi dụng lễ tang của ông Phạm Hùng để thọc dao găm vào lưng người Việt Nam”. Ngày 17/3, báo Xvenxca Đac- blađet (Thụy Điển) viết: “Đa số các nhà bình luận đều nhất trí nhận định rằng chính Trung Quốc đã khiêu khích để gây ra các vụ xung đột trong những ngày vừa qua ở quần đảo Trường Sa” và nhấn mạnh thêm: “Trung Quốc đã cố ý khích động sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam”. Tờ Thời báo Ấn Độ đã liên tiếp đăng tin, bài sau ngày 14/3 nhằm vạch trần tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông và tố cáo ý đồ mở rộng vùng lãnh hải Trung Quốc ra tới 90% diện tích của vùng biển này. Ngày 18/3, phóng viên của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) khi đi thăm đảo Hải Nam về viết bài cho biết hoạt động lực lượng hải quân và không quân trên đảo này đang trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là một căn cứ tàu ngầm của hạm đội Nam Hải, cho rằng các tàu chiến Trung Quốc đang gây hấn ở Trường Sa đã xuất phát từ Hải Nam. Đài BBC ngày 21/3/1988 bình luận: “Việc hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, cũng như quyết tâm của họ muốn duy trì sự có mặt thường xuyên về quân sự tại quần đảo Trường Sa này không những chỉ làm cho Việt Nam, mà còn làm nhiều quốc gia khác thuộc hiệp hội ASEAN phải lo ngại”.

P/s: Cuộc chiến đấu bảo vệ đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là trận đánh tự vệ của bộ đội công binh hải quân Việt Nam nhằm chống lại sự khiêu khích, đe dọa, uy hiếp, bắn súng pháo, xâm lấn, chiếm đảo trái phép của Hải quân Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc là hành động thảm sát, dùng vũ lực chiếm đóng trái phép các đảo, bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Từ Quangsang Dang

Tháng 3 về - tưởng nhớ Gạc Ma!
Tháng 3 về - tưởng nhớ Gạc Ma!
Tháng 3 về - tưởng nhớ Gạc Ma!
Tháng 3 về - tưởng nhớ Gạc Ma!

Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây