Tin giả, tin nhiễu không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, có thể gây bấn loạn, trầm cảm thậm chí tự tử… Có thể coi đây là mầm mống gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử văn hóa thấp kém, vi phạm pháp luật.
Tin giả bị công an xử lý
Chết vì… sợ
K. Bala Krishna (Ấn Độ), 50 tuổi được các bác sĩ ở Tirupati, Ấn Độ điều trị vì bị sốt siêu vi. Ông cũng được bác sĩ trấn an rằng, không mắc dịch bệnh chết người do Covid -19 gây ra. Dù đã được bác sĩ trấn an nhưng bệnh nhân Krishna bắt đầu xem các video về loại virus này trên điện thoại di động và tự nghĩ rằng bản thân nhiễm bệnh.
Người đàn ông này trở nên lo lắng rằng, bản thân sẽ đặt gia đình vào tình cảnh hiểm nghèo. Con trai của người đàn ông Ấn Độ nói thêm rằng, bệnh nhân đã đánh họ khi họ cố thuyết phục rằng ông không nhiễm căn bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bala Murali thậm chí đã gọi tới tổng đài tư vấn của chính phủ và được tư vấn viên xác nhận rằng, không cần lo lắng khi cha anh không tới Trung Quốc thời gian gần đây.
Tuy nhiên, đến ngày 11/2/2020, Krishna nhốt cả gia đình trong nhà, sau đó đi tới mộ của mẹ ông. Vào thời điểm gia đình ông có thể nhờ được hàng xóm tới nhà giúp giải thoát thì ông Krishna đã treo cổ tự tử ở một cái cây gần mộ mẹ ông. Người đàn ông này đã chết vì sợ chứ không phải vì bất cứ loại virus nào.
Không thiếu câu chuyện để có thể chứng minh tin giả hủy hoại một cá nhân như thế nào và cũng không thiếu minh họa cho thấy nó hủy hoại cả một cộng đồng ra sao? Ngay khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát ở Vũ Hán, các chuyên gia đã dự đoán rằng, sự sợ hãi về căn bệnh này sẽ nghiêm trọng hơn bản thân loại Coronavirus. Làm thế nào để ổn định lòng người và giữ cho họ bình tĩnh, đã trở thành một trọng điểm khác của việc phòng chống dịch bệnh.
Những ngày đầu dịch bùng phát, trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona khiến cộng đồng thêm hoang mang, sợ hãi. Ngoài việc đổ xô, xếp hàng lúc 2 giờ sáng để mua khẩu trang, nước sát khuẩn khiến một nhóm đầu cơ lợi dụng tình thế đã tăng giá hai mặt hàng này lên gấp nhiều lần ngày thường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, người dân còn lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì cho rằng “ngày tận thế” sắp tới.
Từ hôm Việt Nam có ca nhiễm bệnh, chị Thúy Ngà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sụt mất hơn 10 kg. Chị hoang mang, lo lắng sợ mình bị nhiễm bệnh và lây cho cả nhà. Chị xin nghỉ làm không lương một tháng ở nhà lên mạng facebook “cầy’ tin tức về dịch bệnh.
Những tin bịa đặt trên facebook như: “Ở Đông Anh, Đồng Nai… có vài người chết vì dịch bệnh” hay “Việt Nam sắp tới sẽ bùng nổ dịch bệnh”… khiến chị tin và hoảng loạn. Chị chia sẻ những tin giả đó cho tất cả bạn bè của chị trên facebook và tâm sự với giọng như trăng trối gia đình mình có thể thần chết đến gõ cửa bất kỳ lúc nào. Và nỗi sợ hãi đó ám ảnh khiến chị mất ăn, mất ngủ, gầy rộc, xác xơ, miệng lảm nhảm.
Lại có người lo lắng đã có hành vi quà đà. Qua tin tức nhảm, nói về tác hại dịch bệnh một cách khủng khiếp, anh Nguyễn Vũ Thành (Thanh Hà, Hải Dương) nghĩ tai họa sắp giáng xuống, dịch bệnh có thể hết lương thực.
Anh Thành ra ngân hàng rút 100 triệu đồng tích cóp được sau 5 năm đi làm để khuân về nhà, chất đầy phòng khách, phòng ngủ; gạo, thực phẩm khô dự trữ như: đường, sữa. Anh sắm thêm tủ cấp đông để đựng trứng, thịt, cá…. Khi đọc báo chí đưa tin Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh, anh Thành ngớ người, ân hận cho sự hấp tấp, lo lắng quá thái của mình.
Việc tung tin giả người chết, số ca dương tính ở những khu vực đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân khu vực đó, khiến họ bất an, cuộc sống bị đình trệ, thậm chí bị khu vực khác kỳ thị, xa lánh vì sợ nhiễm bệnh.
Quá tin tưởng những tin đồn nhảm trên mạng khiến cho nhiều người có những hành xử sai lầm. Cách đây vài năm, chỉ vì những tin nhảm trên mạng về tiêm phòng sởi có thể gây ra biến chứng chết người, khiến trẻ động kinh, ảnh hưởng trí tuệ… đã khiến cho đồng loạt các bà mẹ không cho con đi tiêm phòng.
Tin giả khiến nhiều người sợ hãi
Tới năm 2014, khi dịch sởi bùng phát tại Việt Nam lại có tin đồn trẻ điều trị chỗ nọ, chỗ kia tử vong. Vậy là trong khi các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có khả năng điều trị bệnh sởi nhưng vì tin đồn, cha mẹ đã mất niềm tin, ôm con mắc bệnh đổ dồn lên các bệnh viện tuyến TƯ để xảy ra tình trạng quá tải.
Dịch bệnh tất nhiên là đáng sợ, nhưng chia sẻ những nội dung không có thật, gieo rắc nỗi sợ hãi trên mạng xã hội còn đáng sợ không kém. Có thể coi đây là mầm mống gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử văn hóa thấp kém.
Người nông dân khốn đốn
Tình trạng những kẻ bất lương “đánh” vào các ngành nông nghiệp, thực phẩm, gây sợ hãi cho người tiêu dùng, hại những người nông dân điêu đứng bằng cách tung tin giả trên mạng xã hội.
Những ngày qua, một tài khoản facebook với hơn 70.000 người theo dõi đưa thông tin được cho là không đúng sự thật về tỏi Lý Sơn. Ngay lập tức đã gây tranh cãi, bức xúc ồn ào dư luận mạng. Thông tin chưa xác thực, việc tung tin không có căn cứ có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh sản phẩm tỏi nổi tiếng.
Ngoài ra, còn đầy rẫy những thông tin “luộc ngô bằng bột thông cống”, “nước phở Hà Nội được chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc”…gây bao hoảng loạn trong xã hội.
Cuối năm 2012, hàng ngàn người trồng chuối ở Quảng Ngãi lâm vào cảnh khốn đốn khi đặc sản chuối ở đây bị tẩy chay vì nghi ngờ có chất gây ung thư, phải đem cho bò ăn hoặc để thối ngoài vườn. Lại có thông tin giả cho rằng vải thiều Lục Ngạn liên quan tới viêm não Nhật Bản B làm cho hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn phải khốn đốn.
Hay thông tin ăn bưởi gây ung thư làm cho cả vùng bưởi Năm Roi và một số địa phương trồng bười trong nước bị thiệt hại không nhỏ. Rồi trên mạng lại rộ lên thông tin những sản phẩm chế biến từ đậu nành, tinh chất mầm đậu nành có nguy cơ gây hại cho sức khỏe và gây ung thư cho con người khiến người nông dân khóc ròng.
PGS.TS xã hội học Trịnh Hoà Bình nhận định, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó.
Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội. Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền.
Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, các chuyên gia an ninh mạng luôn cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng.
Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng. Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bảo Châu (Pháp luật Việt Nam)
Nguồn: Đấu trường dân chủ