Cách đây không lâu, Nghị viện Châu Âu (EC), cơ quan lập pháp của Liên minh Châu Ấu (EU) đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Đây là một sự kiện kinh tế – chính trị quan trọng đối với cả hai bên. Theo các nguồn tin chính thức về Hội nghị, sau cuộc thảo luận căng thẳng tại Nghị viện sáng 21-01-2020 (Theo giờ Bỉ), buổi chiều, EC đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định nói trên. Kết quả: 416 phiếu ủng hộ, 187 phiếu chống, 44 phiếu trắng. Về Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), có 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống, 53 phiếu trắng. Nghị quyết đi kèm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua với tỷ lệ 406 phiếu ủng hộ, 184 phiếu chống, 58 phiếu trắng.
Theo Hiệp định này, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong 7 năm tiếp theo.
Được biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 (trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ đứng sau Singapore) của EU, với giá trị thương mại hàng hóa lên đến 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ước tính 3,6 tỷ euro mỗi năm (theo số liệu của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam). Thế nhưng, việc thông qua Hiệp định nói trên đã có không ít khó khăn: Những nghị sĩ EU kỳ thị với chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam đã tìm cách ngăn cản EC thông qua Hiệp định này. Trong những cái cớ mà họ đưa ra để phản đối thông qua Hiệp định đó là “vụ Đồng Tâm”. Như mọi người đều biết, ở Đồng Tâm một số kẻ gây rối kiếm cớ “đòi đất” mà Nhà nước đã giao cho Quân đội làm sân bay Miếu Môn. Những việc làm phi pháp không những không được chấp nhận mà những kẻ gây rối đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Một số nghị sĩ EC ủng hộ Hiệp định cho rằng: Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam, thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền. Theo thông báo của phía EU, Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu; trong đó, có Luật Xóa bỏ lao động cưỡng bức1 (năm 2020). Tuy nhiên, một số nghị sĩ phản đối thông qua Hiệp định cho rằng: Việt Nam có “nhiều khiếm khuyết về nhân quyền và quyền lao động, nhất là “Công an đã đàn áp người dân trong vụ Đồng Tâm”. Một Nghị sĩ đã viết trên Twitter: Ngày mai, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về thương mại tự do và các hiệp định bảo vệ đầu tư với Việt Nam. Tôi sẽ bỏ phiếu chống. Một nghị sĩ khác viết: Hôm nay, tôi đã không ủng hộ Hiệp định EU – Việt Nam vì Việt Nam là chính thể độc đoán, bóp nghẹt nhân quyền, kiểm soát internet và truyền thông!
Thiết nghĩ cũng như tất cả các hiệp định, EVFTA bao giờ cũng bảo đảm cân bằng lợi ích và cả sự nhân nhượng giữa các bên. Không có chuyện EC thông qua Hiệp định này chỉ vì lợi ích của Việt Nam và ngược lại. Nói đến giá trị của một Hiệp định Thương mại, người ta luôn luôn dựa trên đánh giá thị trường của đối tác. Việt Nam là một thị trường lớn, hấp dẫn bậc nhất khu vực và trên thế giới. Theo số liệu được Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở công bố năm 2019, Dân số Việt Nam có 96,2 triệu, đứng thứ 15 trên thế giới; trong đó, ước có 60% là dân số trẻ (ở độ tuổi dưới 30). Điều này có thể đáp ứng, bù đắp cho nhiều thị trường đang trong quá trình già hóa, trong đó có EU. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao và ổn định. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê: Tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2019 đạt 7,02 % (năm 2019). Mức tăng trưởng năm 2019 tuy thấp hơn mức tăng trưởng năm 2018 (7,08%) nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011 – 2017. Về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của người Việt Nam đang phát triển theo xu hướng đa dạng và chất lượng cao. Chẳng hạn như: ô-tô, xe máy, điều hòa, ti vi, tủ lạnh,…tăng nhanh, EU có thể đáp ứng. Tuy nhiên, hàng hóa của EU phải có sức cạnh tranh cao với hàng hóa Trung Quốc và của các nước Đông Bắc Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v.
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tôn trọng luật quốc tế, trong đó có các Công ước về quyền con người. Đối với chế độ ta, quyền con người không chỉ là bản chất mà còn là một mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc trưng của quyền con người trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta là quyền con người gắn liền với quyền công dân, mang tính đặc thù về chính trị – văn hóa Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”. Các bản hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp 1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến các bản hiến pháp 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp 2013 các quyền con người và quyền công dân đều được trân trọng ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp 2013, lần đầu tiên đã giành cả một chương – Chương II để quy định về quyền con người và quyền công dân: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Về các quyền con người và quyền công dân, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,…; Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình2. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Về các quyền kinh tế – xã hội, Hiến pháp quy định: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Về quyền an sinh, Hiếp pháp quy định: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội; có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Quyền của trẻ em được đặc biệt quan tâm. Hiến pháp 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Về quyền văn hóa xã hội, Hiến pháp quy định: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
Những nghị sĩ EU vì lý do nào đó cho rằng, Việt Nam là chính thể độc đoán, bóp nghẹt nhân quyền, kiểm soát internet và truyền thông,… là trái với thực tế xã hội Việt Nam ngày nay. Có thể nói, trên lĩnh vực thông tin – truyền thông, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực và ở tốp đầu thế giới. Theo thông tin của Hiệp hội internet Việt Nam, internet đã được giới khoa học Việt Nam và bạn bè quốc tế nghiên cứu từ những năm 1991-1992. Năm 1997, Việt Nam nối mạng toàn cầu. Đây là thành quả của chính những nỗ lực của Việt Nam, chứ không phải do quốc gia nào hào phóng ban phát. Cho đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều có mạng internet. Mọi người đều có thể tiếp cận thông tin trong nước và quốc tế; trong đó, có những đài phát thanh lớn: BBC, RFA, RFI,… với điều kiện có máy tính nội mạng hoặc điện thoại thông minh.
Pháp luật Việt Nam không chỉ quy định về quyền tự do ngôn luận mà cả quyền tiếp cận thông tin. Không có chuyện Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận như ý kiến của một số nghị sĩ EU. Quyền tự do báo chí của công dân được quy định tại Luật Báo chí 2016, bao gồm các quyền: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân bao gồm: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Quyền Tiếp cận thông tin được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin 2016; theo đó, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, v.v. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Có thể nói, cho dù đứng trên tiêu chí nào: về tư tưởng – chính trị, kinh tế hay văn hóa, xã hội, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tôn trọng và bảo đảm cao nhất có thể các quyền con người và quyền công dân. Chính vì vậy mà công trình khảo sát của Ngân hàng HSBC cho kết quả: Việt Nam đứng ở tốp 10 trong 180 quốc gia trên thế giới – là “quốc gia đáng sống”, bởi đây là một đất nước “hòa bình, chính trị ổn định và an toàn”3. Những ưu việt của chế độ xã hội ta không chỉ trên phương diện học thuyết, pháp luật,… mà cả trong cuộc sống. Dịch Covid-19 thời gian qua đã trở thành một nguy cơ lớn đe dọa đến quyền sống và sự phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia có trình độ phát triển cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng, dịch này đã được kiểm soát và dập tắt nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đánh giá của tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này (Covid-19) rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở ngay giai đoạn đầu của dịch; tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành”4 Thắng lợi trong cuộc ứng phó với dịch Covid-19, thêm một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội ta trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, thực hiện an sinh xã hội. Uy tín của Nhà nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao. Tại cuộc bầu cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Ngày 06-7-2019 – New York, Mỹ), Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Có thể nói, chỉ có những kẻ mù quáng mới cho rằng “cô lập” sẽ làm suy yếu chế độ xã hội, nhà nước ta. Nếu tỉnh táo họ phải thấy rằng, cô lập Việt Nam chỉ làm mất cơ hội và làm tổn hại đến lợi ích của chính họ.
TS. CAO ĐỨC THÁI, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh/TCQPTD
____________
1 – Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực 01-01-2021 theo Tạp chí Luật Việt Nam (11-12-2019).
2 – Hiện nay một số quyền chưa có luật nên chưa được thực thi (Luật Biểu tình).
3 – “Việt Nam lọt Top 10 quốc gia đáng sống và làm việc nhất cho người nước ngoài”.
4 – WHO – Việt Nam đang xử lý dịch Covid-19 rất tốt (Cổng thông tin Bộ Y tế, 17-02-2020).
Nguồn: Đấu trường dân chủ