Những ngày qua, tôi cũng bị cuốn theo “cơn bão” trên mạng xã hội vì bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh. Chắc chắn, những gì mà tác giả viết ra để trải lòng mình không phải là một tuyệt tác, nhưng là một bài thơ hay. Cái đáng quý nhất là sự thể hiện chân thật cảm xúc xuất phát từ đáy lòng. Bài thơ này không phải một hiệu triệu của một nguyên thủ quốc gia gửi toàn dân mà là một “tâm thư” của một cô giáo trường phổ thông ở Tây Nguyên, một vùng rừng núi xa xôi, gửi học sinh mình nên câu từ rất giản dị, dễ hiểu. Sự tuyệt vời của sáng tác này chính là sự đi vào lòng người và làm rung động trái tim của hàng triệu con dân Việt. Là một người đang sống cách xa quê hương nửa vòng trái đất, tôi cảm thấy rưng rưng khi đọc bài thơ. Về phương diện nội dung phải nói rằng, điều đáng trân trọng là quan điểm lạc quan và ý chí quyết tâm cùng đồng hành với Đảng và Nhà nước của tác giả trong tình huống mà toàn dân đang vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng chết người vì dịch bệnh.
Không khó để nhận ra, nhiều người chê bai bài thơ chỉ vì tư tưởng thù địch với chế độ. Chúng ta không cần tốn thời gian để bàn luận về những lời lẽ bẩn thỉu của bọn “đầu đường xó chợ” và thành phần “cặn bã của xã hội” đã phun ra trong những ngày qua. Nhưng không thể không nói đến sự khốn nạn của một số trí thức, trong số họ, có người thậm chí đang làm việc và hưởng lương của Nhà nước. Họ bảo vệ lý lẽ của mình vì cho rằng đó là quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là điều đáng quý của một nhà nước pháp quyền, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Khi giới hạn đó bị lạm dụng thì xã hội sẽ lên án. Và để thực thi quyền cơ bản đó, tôi cũng có quyền bày tỏ cảm giác tởm lợm của mình về phát biểu của một số người có ảnh hưởng ít nhiều đến dư luận xã hội như trong các statut (trạng thái) được phát tán trên mạng xã hội. Trước hết phải nhắc đến các statut của ông Đỗ Ngọc Thống, một phó giáo sư, tiến sĩ văn học, hiện đang làm việc tại Viện giáo dục, tổng chủ biên cải cách sách giáo khoa ngữ văn chương trình phổ thông, ông Hồ Bất Khuất, nhà báo, giảng viên đại học khoa báo chí của Đại học Vinh và của ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu quốc hội …
Để đối đáp lại phát biểu của ông Đỗ Ngọc Thống “Làm thơ dở không có lỗi, đi khoe thơ dở là hâm, khen thơ dở là dốt nát, nịnh thơ dở là lưu manh”, tôi phải nói rằng, kẻ lưu manh chính là thằng cha dèm pha một tác phẩm văn học được hàng triệu người người Việt ở trong và ngoài nước yêu thích. Đáng khinh thường là thái độ trịch thượng khi cho mình cái quyền hạ thấp việc làm cao đẹp của người khác. Là một phó giáo sư, tiến sĩ văn học, ông ta phải biết rằng, sự cảm nhận về một tác phẩm nghệ thuật và văn học nghệ thuật rất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Về vấn đề này, người Đức có thành ngữ Jeder nach seinem Geschmack, tạm dịch, mỗi người một ý thích. Thí dụ, bức ảnh chụp một lính Mỹ xách tay một phần thi thể của một chiến sĩ quân giải phóng miền Nam đã tạo cho tôi một cảm giác ghê rợn, lòng căm thù tột độ, nhưng các tội phạm chiến tranh và bè lũ tay sai của chúng cảm thấy khoái chí. Tất nhiên, sự khoái chí đó là đỉnh cao của sự quái gở, bởi vì đó là tình cảnh đau thương của dân tộc Việt Nam.
Cũng không kém phần quái gở trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, mấy năm về trước, một số người đã tâng bốc thơ “Mở miệng”. Sản phẩm của “Mở miệng” gồm các văn bản xuyên tạc từ ca dao đến danh ngôn, sáng tác của các danh nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính, và những văn bản với ngôn từ thô tục, nhơ bẩn, dơ dáy, có tính chất “bôi đen” xã hội. Đỉnh cao của sự quái gở đó là “Vụ Nhã Thuyên”. Sự việc liên quan đến luận văn thạc sĩ văn chương của bà Đỗ Thị Thoan. Năm 2010, hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ đã chấm luận văn thạc sĩ văn chương của bà Đỗ Thị Thoan loại xuất sắc. Năm 2014 luận văn này được đưa ra chấm lại, dẫn đến việc bà Đỗ Thị Thoan lúc đó đã là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bị tước bằng thạc sĩ, giáo sư hướng dẫn TS. Nguyễn Thị Bình, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, bị cho về hưu non. Ai muốn biết chi tiết hơn, hãy đọc bài Bình luận mà Báo Nhân Dân đăng ngày 14/04/2014 Họ đâu cần quan tâm tới khoa học … Tôi là đồng tác giả của bài báo này.
Để thay cho lời khuyên, nên đánh giá một cách khách quan và công tâm bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh, tôi xin trích một câu trong phần kết của bài Bình luận:
Chúng ta đều biết văn học là sản phẩm do con người làm ra, là một bộ phận của văn hóa. Ðể trở thành con người có văn hóa, mỗi người phải tự giác học hỏi, trau dồi các giá trị văn hóa, trong đó có việc học hỏi, trau dồi từ các tác phẩm văn học.
Đường link của bài Họ đâu cần quan tâm tới khoa học:
https://www.nhandan.com.vn/…/22905702-ho-dau-can-quan-tam-t…
Nguồn: Tre làng