Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một lần trao đổi với phóng viên Tuần báo Quốc tế (Bộ Ngoại giao) nhân kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước (ngày 13/4/2002) đã nói:
“Về đối nội, theo tôi đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện đang ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ, không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ – Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.”
Tổng thống ngụy Dương Văn Minh bị dẫn giải sang Đài Sài gòn để tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975
Google.tienlang lưu ý, phát ngôn trên của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vào năm 2002, tức khi cụ đã nghỉ hưu (từ năm 1997), khi cụ đã không còn giữ bất cứ chức vụ gì trong Đảng và Chính quyền Việt Nam. Do vậy, đây chỉ nên được coi là quan điểm cá nhân của một cụ già 80 tuổi chứ không phải quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Rất tiếc, từ năm 2002 đến nay, khi nói đến ông Tổng thống ngụy Dương Văn Minh, hầu hết các nhà báo đều viết theo quan điểm cá nhân của cụ Võ Văn Kiệt, coi như quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Mọi người hầu như không biết rằng quan điểm cá nhân của cụ Võ Văn Kiệt “ghi công” ông ngụy Dương Văn Minh đã vấp phải sự phản biện gay gắt của hai vị tướng quân đội.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Mời nghe video clip phát biểu của cụ Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên rồi Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 3, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đoạn video clip này Google.tienlang lấy từ Kênh QPVN:
Ngoài phản biện của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, còn có Thượng tướng Lê Ngọc Hiền- Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày ngày 28/4/2002.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền
Tướng Lê Ngọc Hiền phát biểu trong bài tại chuyên mục Gặp gỡ- phỏng vấn của Quân đội nhân dân cuối tuần sau loạt bài phỏng vấn các vị tướng lĩnh đã từng tham gia vào Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975. Để khép lại loạt bài này, QĐND đăng bài phỏng vấn Thượng tướng Lê Ngọc Hiền-nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh. Ở vị trí người tham gia hoạch định chiến lược, chiến dịch, Thượng tướng là người nắm rõ về thế cuộc trên chiến trường lúc ấy.
Xin trích phần nói về Tổng thống ngụy Dương Văn Minh: “Phóng viên: Mới đây, có ý kiến cho rằng “Sài Gòn giữ được nguyên vẹn như vậy không thể không nói tới vai trò của Dương Văn Minh và nội các của ông ta”. Thượng tướng đánh giá thế nào về ý kiến này?
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền: Tôi xin khẳng định Dương Văn Minh chỉ là con bài của Mỹ hòng tranh thủ giải pháp thỏa hiệp. Anh em bộ đội và quần chúng nhân dân rất bất bình với ý kiến này.
Sài Gòn giữ được nguyên vẹn hoàn toàn không có một chút gì vai trò của Dương Văn Minh. Ngay trong kế hoạch tác chiến, ta đã xác định rất rõ ràng 6 cụm mục tiêu cho 6 cánh quân (chứ không phải 5 như sách báo vẫn nói), toàn là những cơ quan đầu não của địch: Cụm một là bộ tư lệnh hải quân, cảng hải quân và thương cảng do cánh quân Đông Nam (Quân đoàn 2) đảm nhận. Cụm hai là dinh Độc Lập do cánh quân chính Đông (Quân đoàn 4) đảm nhận. Cụm ba là bộ tổng tham mưu ngụỵ do cánh quân phía Bắc (Quân đoàn 1) đảm nhận. Cụm bốn là căn cứ không quân Tân Sơn Nhất- bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh quân dù do cánh quân phía Tây Bắc (Quân đoàn 3) đảm nhận. Cụm năm là bộ tư lệnh biệt khu thủ đô do cánh quân Tây Nam (Đoàn 232) đảm nhận. Cụm sáu là tổng nha cảnh sát do hai trung đoàn độc lập số 88 và 24 đảm nhận. Toàn bộ pháo binh của ta sẽ tập trung đánh vào những mục tiêu này, nhằm đánh giập đầu, làm tê liệt hoàn toàn đối phương. Không hề có một quả đạn pháo nào của ta bắn vào khu dân cư. Như vậy, ngay từ đầu ta đã xác định rõ rằng phải cố gắng giữ nguyên vẹn thành phố.
Tôi cho rằng ý kiến này có ác ý, coi Dương Văn Minh là “cơ sở” của công tác địch vận, qua đó phủ nhận toàn bộ hy sinh xương máu của đồng bào, đồng chí, đồng đội trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như ngay trong chiến dịch cuối cùng, quyết định là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong chiến dịch cuối cùng này, con số hy sinh và bị thương của bộ đội ta lên tới vài nghìn. Sự thật là đối phương đã ngoan cố chống cự đến những giờ phút cuối cùng. Biết bao chiến sĩ của ta đã ngã xuống ở ngay trên đường phố Sài Gòn. Máu của chiến sĩ ta vẫn đổ khi thắng lợi đã đến rất gần. Đau lòng lắm…(Nói đến đây, ông nghẹn lại, nước mắt trào ra. Chúng tôi lặng im, mắt cay xè, toàn thân gai lên.)”
Bùi Ngọc Trâm Anh Giới thiệu
Nguồn: Google.Tiên lãng