Vấn đề dân chủ, nhân quyền là chủ đề luôn được các thế lực bên ngoài tạo cớ để gây sức ép lên nhà nước ta, từng bước tạo đà cho đám cơ hội tăng cường hoạt động chống phá. Mới đây, hai tổ chức có tên Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã ra thông cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép lên Việt Nam để “cải thiện tình hình nhân quyền trong nước” nhân Đối thoại Nhân quyền giữa hai phía dự định diễn ra vào ngày 19/2 tới tại Hà Nội. Điều này không nằm ngoài mục đích nói trên.
Tổ chức nhân quyền gây sức ép về nhân quyền ở Việt Nam
Hai tổ chức này cho rằng: “Kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục xách nhiễu, hành hung, và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, các bloggers, nhà báo, những người chỉ trích chính phủ và những người theo đạo. Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm 3 phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm 5 phụ nữ) những án tù lên đến 12 năm”.
Những cụm từ như “xách nhiễu”, “hành hung” được hai tổ chức này đề cập tới việc bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật. Và cũng y như trước đây, để viện dẫn cho “nhà hoạt động nhân quyền”, bản thông cáo đưa ra 29 đối tượng vốn là bị cáo trong các phiên tòa hình sự, bị tòa án xét xử năm 2019 về các tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…
Đáng chú ý, sau khi liệt kê danh sách và điệp khúc “nhà hoạt động nhân quyền”, phê phán sự “hành hung” thì FIDH và VCHR lại cầu cứu Liên minh châu Âu (EU). Ý đồ của FIDH và VCHR muốn dùng “ngòi nổ nhân quyền” hòng lu loa để làm bình phong, kêu gọi EU gây sức ép với Việt Nam, mượn nhân quyền để ngăn cản việc mở rộng đầu tư, hợp tác của Việt Nam. Ý đồ này là chiêu bài quá cũ, năm nào FIDH, VCHR cũng bám víu nhưng việc nhai đi nhai lại như vậy cho thấy sự lạc lõng.
Đặc biệt hơn, hai tổ chức này còn tỏ ra FIDH và VCHR cũng tỏ ra “quan ngại” về việc Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA). Và dường như họ mong muốn hiệp định này sớm bãi bỏ.
Đến đây thì ta thấy được bộ mặt thật của FIDH và VCHR chẳng mấy tốt đẹp gì khi lợi dụng nhân quyền để gây sức ép về mặt kinh tế đối với Việt Nam. Tạo cớ để các tổ chức và các quốc gia dè chừng khi ký kết các hiệp định nhằm phát triển kinh tế ở Việt Nam, từng bước biến Việt Nam quay trở lại con đường tụt hậu.
Quyền con người ở Việt Nam ngày càng được nâng cao
Còn bức tranh nhân quyền ở Việt Nam hiện nay ra sao? Xin được viện dẫn chính từ đánh giá, báo cáo của các tổ chức có uy tín được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra hồi tháng 10-2018: “Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, dù vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học”.
Quốc tế đã đánh giá về thành tựu nhân quyền của Việt Nam như vậy, cho thấy một sự thật khách quan không thể đảo ngược.
Thúy Kiều
Nguồn: Người con Đất Mẹ