Đối thoại về nhân quyền là hoạt động đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam và EU tổ chức từ nhiều năm nay, mục đích nhằm tăng cường hiểu biết về nhân quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai phía. Dự kiến phiên họp trong năm 2020 sẽ được diễn ra vào ngày 19/2 tới đây tại Hà Nội. Và như thường lệ, ngay trước khi diễn ra phiên đối thoại, một số tổ chức đội lốt nhân quyền quốc tế lại tìm mọi cách xuyên tạc trắng trợn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Mới đây, trên RFA tiếng Việt đã phát đi thông tin: Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) hôm 17/2 ra thông cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép lên Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước nhân Đối thoại Nhân quyền giữa hai phía dự định diễn ra vào ngày 19/2 tới tại Hà Nội.
Hai tổ chức này thúc giục EU phải yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc đàn áp xã hội dân sự, sửa đổi Bộ Luật Hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm. Các điểm quan ngại về nhân quyền được nêu ra trong thông cáo bao gồm: Việc gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến; Các điều luật về “an ninh quốc gia” mang tính đàn áp; Các quyền của người lao động; Tranh chấp đất đai; Điều kiện giam giữ mất nhân tính trong tù và tình trạng người chết khi bị tạm giam; Án tử hình.
Theo FIDH và VCHR: “Kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục xách nhiễu, hành hung, và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, các bloggers, nhà báo, những người chỉ trích chính phủ và những người theo đạo. Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm 3 phụ nữ) và két án 42 người (bao gồm 5 phụ nữ) những án tù lên đến 12 năm”.
Ngoài ra, FIDH và VCHR cũng bay tỏ quan ngại về việc Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) bất chấp tình hình nhân quyền đang bị chỉ trích ở Việt Nam?!
Những việc làm và giọng điệu trên thêm một lần nữa chứng minh, mang danh là tổ chức nhân quyền nhưng hoạt động của FIDH và VCHR không phục vụ cho sự phát triển nhân quyền ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy rằng: xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam đã trở thành bản chất của FIDH và VCHR. Rõ ràng, những thông tin mà FIDH và VCHR đưa ra trong thông cáo hôm 17/2 vừa qua đều dựa trên những thông tin xuyên tạc, bịa đặt và không có cơ sở, không phản ánh đúng bức tranh nhân quyền của Việt Nam.
Thực tiễn sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang chứng minh cho thế giới thấy sự tiến bộ mọi mặt, trong đó có vấn đề nhân quyền, Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người, của công dân; những quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được thừa nhận, bảo đảm. Một minh chứng sinh động có thể kể đến là, vào ngày 25/1/2019, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.
Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lịch sử văn hóa truyền thống và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Mục tiêu cao nhất mà hệ thống pháp luật Việt Nam hướng tới là bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Mọi công dân sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay trình độ đều bình đẳng trước pháp luật. Những trường hợp mà FIDH và VCHR gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến” đã và đang bị chính quyền Việt Nam kết án tù, thực chất đó là những công dân đã vi phạm pháp luật Việt Nam và họ phải chịu những hình phạt của luật pháp là hoàn toàn chính xác. Đòi trả tự do cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của FIDH và VCHR là hành động trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế.
Đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và EU được các cơ quan chức năng của hai phía tiến hành nghiêm túc trong nhiều năm qua, nhằm phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi giữa Việt Nam và EU. Và vì thế, dẫu FIDH và VCHR có cố tình xuyên tạc vấn đề nhân quyền của Việt Nam đến đâu thì cũng không thể làm thay đổi nội dung đối thoại phù hợp với lợi ích của Việt Nam và EU./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới