Như đã thành thông lệ, sắp đến kỳ Đại hội Đảng, các thế lực thù địch lại ra sức chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực; trong đó, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là một trong những chiêu trò nguy hiểm nhất. Vì vậy, đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc của chúng, nhằm bảo vệ uy tín của Đảng, cũng như mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân là việc làm cấp thiết.
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam 90 năm qua, đã chứng minh mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân Việt Nam là mối quan hệ gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất. Tính thống nhất đó, được thể hiện tập trung ở chỗ: Sự ra đời, tồn tại và mục tiêu hoạt động của Đảng là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; nguồn sức mạnh bất tận và vô địch của Đảng là từ nhân dân, ở trong nhân dân. Đảng là của dân, vì dân, dân một lòng, một dạ theo Đảng. Đảng luôn quan tâm chăm lo cho lợi ích của nhân dân và nhân dân cũng luôn sẵn sàng chiến đấu, xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Quá trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định sức mạnh dời non, lấp biển của sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân; đồng thời, thể hiện sức mạnh của sự thống nhất giữa lý tưởng của Đảng với khát vọng không có gì quý hơn độc lập, tự do của nhân dân. Sự thống nhất đó, là nhân tố cơ bản, sức mạnh chủ yếu tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng làm nên những thắng lợi vĩ đại, huy hoàng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Nhận thức rõ sức mạnh vô địch của Đảng Cộng sản Việt Nam là ở mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, các thế lực thù địch luôn tìm mọi chiêu trò phá hoại, công kích nhằm chia rẽ Đảng với dân; lôi kéo, kích động, tách nhân dân ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho dân xa Đảng, thậm chí đối lập với Đảng. Gần đây, người ta lại thấy những chiến dịch rầm rộ được các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài hợp sức tấn công vào công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Những luận điệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; đưa ra những lập luận, như: “một đảng cầm quyền thì không có dân chủ”, với những yêu sách đòi “Đảng ta phải từ bỏ quyền lãnh đạo” và coi đó là vấn đề “căn cốt”, “then chốt” để hợp lòng dân, v.v. Không khó hiểu khi vấn đề đảm bảo dân chủ được các thế lực thù địch tung ra ngày càng nhiều, với những chiêu trò ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ra sức xuyên tạc, công kích bằng những luận điệu: Đại hội XIII chẳng có gì mới, vẫn theo phương hướng “chính trị bảo thủ”; vẫn tiếp tục “tôn thờ một chủ thuyết đã bị phá sản” và “không thể trông chờ ” vào ban lãnh đạo mới để đưa đất nước đi theo trào lưu văn minh nhân loại(!). Lợi dụng một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được đưa ra xét xử, chúng cố tình thổi phồng, gán ghép cho Đảng ta đủ các bệnh hoạn: nào là “dốt nát”, “võ biền”, “vi phạm dân chủ”, “chà đạp lên lợi ích của nhân dân”, “thất nhân tâm” làm hại dân, hại nước. Nhiều “cuốn sách”, “tờ báo”, “tờ rơi”, “tâm thư”,“thư ngỏ”, “tuyên cáo” xuyên tạc mục đích hoạt động của Đảng không phải vì lợi ích của nhân dân, mà là lợi ích của nhóm cán bộ, đảng viên có chức có quyền và người thân của họ. Và, Đảng Cộng sản Việt Nam hết “vai trò lãnh đạo”; “quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân không còn nữa”. Rồi, chúng kêu gọi như lời “hịch”: trách nhiệm của những người yêu nước phải “nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, đánh đổ ban lãnh đạo của Đảng, giải tán Đảng, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của đất nước”; “bỏ lỡ thời cơ này là có tội với dân tộc”, v.v.
Từ những lời lẽ, giọng điệu trên chúng ta thấy rõ, mục tiêu số một của các thế lực thù địch là nhằm chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; làm cho nhân dân hoài nghi vai trò lãnh đạo của Đảng, xa Đảng, đối lập, chống lại Đảng, thủ tiêu nguồn sức mạnh vô địch và sức sống của Đảng, để đi đến thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Chúng ta không cần phải trình bày nhiều về các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa đã thiết lập nên vị thế lãnh đạo, vai trò dẫn dắt dân tộc, vị thế cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như tính chất mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong quá trình cách mạng nước ta. Đảng đã vì dân mà ra đời, lãnh đạo cách mạng, đưa nhân dân thoát khỏi đêm trường nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Và, nhân dân Việt Nam đã theo Đảng, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng làm nên những kỳ tích vĩ đại của thế kỷ XX, ngày nay đang vững bước trên con đường đổi mới. Đó là bản chất và nội dung cốt lõi của mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân đã, đang và vẫn thể hiện sinh động trong thực tiễn và là nguồn sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam, không có thế lực nào, dù nham hiểm đến đâu cũng không thể xuyên tạc, chia rẽ được. Bởi, vai trò của Đảng đối với vận mệnh và tương lai của dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là khách quan. Tính khách quan đó, không chỉ do chính lịch sử dân tộc và khát vọng của nhân dân Việt Nam quy định, mà còn do chính bản chất cách mạng, tính tiền phong, gương mẫu của Đảng. Vai trò và mối quan hệ đó đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử Việt Nam suốt 90 năm qua, không ai có thể bác bỏ.
Do đó, không thể vì sự hạn chế, khuyết điểm nào đó mà nói bừa rằng, Đảng ta đã “hết vai trò”, “không còn khả năng để lãnh đạo đất nước”, “không còn là đảng của nhân dân, vì nhân dân”, v.v. Và, cũng không thể phán xét một cách hồ đồ rằng, quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân không còn nữa, rồi kích động, hô hào nhân dân chống đối lại Đảng và chế độ.
Không chỉ trong lịch sử, mà thực tiễn ngày nay cho thấy, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã và đang được thụ hưởng thực sự trong cuộc sống hằng ngày, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và lạc quan tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Mọi người dân đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, phát huy hiệu quả. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát không chỉ trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội, mà còn là phương châm hành động trong xây dựng hệ thống chính trị và là yêu cầu ứng xử của cán bộ, đảng viên trong tiếp xúc, quan hệ với nhân dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lợi và nghĩa vụ; quyền hạn và trách nhiệm; cống hiến và hưởng thụ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đảng đã thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình đúng với Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hiến định. Đó là thực tế, hiện thực sinh động không thể phủ nhận, đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Những thành tựu có được ngày hôm nay là sự cố gắng to lớn, rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận một số yếu kém, khuyết điểm trong quá trình xây dựng đất nước, nhất là công tác lãnh đạo, quản lý, vai trò nêu gương của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Theo đó, trong tình hình mới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách hợp lòng dân, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”1. Thực hiện tốt những yêu cầu này, không chỉ củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, mà còn làm thất bại mọi sự xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với dân của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay.
ThS. NGUYỄN VĂN ĐIỆP, Trường Đại học Giao thông Vận tải (TCQPTD)
_______________
1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 51.
Nguồn: Đấu trường dân chủ