Theo dõi chiêu thức của những kẻ bỏ Đảng thì mới hay chúng có chung những điểm chung bất ngờ. Đó là chúng thường đưa ra những tuyên bố bỏ Đảng hay kể về những câu chuyện với nội dung này vào thời điểm trước hoặc trong ngày kỷ niệm của tổ chức này. Theo lẽ thường, câu chuyện/vấn đề được nói đến sẽ thu hút sự chú ý của dư luận hơn. Chủ thể của hành vi đó cũng trở nên nổi tiếng hơn…
Những cái tên như Phạm Chí Dũng (TP Hồ Chí Minh), Chu Hảo (Hà Nội)… đã thực hiện theo cái kịch bản đó và xem chừng, họ đã có những cái kết không thể xứng đáng hơn. Hiện Dũng đang ở tù, còn ông Hảo thì đã bị khai trừ chính thức…
Và mới đây, trước thềm kỷ niệm 90 năm của Đảng Cộng sản VN, một nhân vật khác là Nguyễn Đăng Quang, ông này nguyên là Đại tá Công an đã nghỉ hưu cũng học đòi làm điều tương tự. Tất nhiên mục đích cũng không ngoài nổi tiếng theo cái nghĩa tiêu cực của vấn đề được nói đến…
Dưới đây là toàn văn những gì mà cựu Đại tá Công an này khoe mẽ trước thiên hạ mà ông ta không hiểu rằng, chính nó đã tố cáo bộ mặt bẩn tưởi, thê thảm, rách nát và có phần yếu nhược của mình trước thiên hạ:
“Thằng con trai 46 tuổi của tôi hồ hởi báo tin: “Nhà mình hôm nay có tin vui. Bố phải thông báo cho tất cả anh chị em nội ngoại và bạn bè thân thiết biết để mọi người mừng cho bố. Có lẽ bố phải mở tiệc chiêu đãi cả nhà để đánh dấu sự kiện này”. Nói đoạn, nó mở bì thư, trịnh trọng đọc quyết định của Quận ủy Cầu Giấy v/v xóa tên tôi khỏi danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) “do đã vi phạm quy định chuyển sinh hoạt Đảng”.
Chân dung Nguyễn Đăng Quang (Ảnh: Nguyễn Đăng Quang).
Tôi quyết định “thoái Đảng” (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 3/2/2020 này, tôi đã “thoái Đảng” được suýt soát 17 năm. Còn trong thực tế, xin tiết lộ điều “bí mật” sau đây:
Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ Đảng khỏi lòng tôi” rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ. Mãi sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái Đảng”.
Công bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi, tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN.
Hồi tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc Hội Liên bang Nam Tư, cố Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.
Vì thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳn. Tôi thực sự đã mất hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa.
Tôi “thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên”. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là “vẫn yêu Đảng”, nhưng thực tế đa số họ đã “chán Đảng”, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến “sổ hưu”, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.
Vậy phong trào “thoái Đảng” do đâu mà có? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào ĐCSVN) bị giảm sút, đến chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào Đảng. Thế là bệnh “chán Đảng”, như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh “chán Đảng” nhanh chóng trở thành phong trào “thoái Đảng”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm cho đảng cầm quyền. Xét về khía cạnh luật pháp hay đạo đức, nó không vi phạm điều khoản nào trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó không thể bị quy kết là “có tội”. Lượng tích tụ lâu dần, từ ngày này qua tháng khác, sẽ biến thành chất. Đây là một quy luật tất yếu, không một ai có thể ngăn cản nổi.
…………………………………………..
Không có ý bình sâu hoặc phân tích những gì được ông này chia sẻ, bởi suy cho cùng đó là những lời lẽ rũ bỏ, tháo chạy khỏi một tổ chức của một kẻ không còn mặn nồng, tha thiết với chính lí tưởng của tổ chức; nói nhiều, phân tích nhiều cũng sẽ bằng thừa và không cần thiết.
Chỉ xin được đặt ra một vấn đề, nó cũng là câu hỏi đặt ra với ông! Rằng tại sao ông không công khai bỏ đảng ngay từ đầu, khi đang còn công tác trong lực lượng Công an mà phải “Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ Đảng khỏi lòng tôi” rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ. Mãi sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái Đảng”” và chỉ thoái đảng sau khi đã nghủ hưu?
Trả lời được câu hỏi này sẽ mở toang những điều được cho là động cơ chính yếu khiến ông này bỏ Đảng! hay nói cách khác, nó sẽ trả lời gần như toàn bộ bản chất của sự việc thay vì nói những điều dông dài… Việc chờ nghỉ hưu để xin ra khỏi Đảng, tuyên bố thoái đảng nếu có tính toán thì đồng nghĩa với việc, đó chỉ là hành vi của một kẻ cơ hội hơn là hành động của một kẻ thấy không phù hợp nên li khai. Nói rõ hơn, đó là kẻ bỏ Đảng nhưng không muốn mất quyền lợi từ Đảng, mất sổ hưu của bản thân… Sự bạc nhược sẽ rõ hơn!
Hi vọng rằng bài học từ ông Nguyễn Đăng Quang sẽ cảnh thức những kẻ bỏ Đảng sau ông… Bởi đến khi các ông tuyên bố bỏ Đảng thì tin chắc khi đó Đảng cũng đã không cần đến các ông! Tuyên bố bỏ Đảng hay nói ra những điều tương tự sẽ chỉ khiến các ông xấu mặt hơn mà thôi!
An Chiến
Nguồn: Việt Nam mới