Trong trời đất, không gì quý bằng Nhân dân; trong nước Việt Nam dân chủ, địa vị cao nhất là Dân, Dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài Dân.
Nhà báo, TS. Nhị Lê
Dải đất Việt Nam hình chữ S mà lưng sừng sững tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, trông ra Biển Đông đầy sóng, với hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ rải khắp Bắc – Trung – Nam, sừng sững hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của 96 triệu đồng bào ta, qua muôn trùng binh lửa, thăng trầm, sinh tử, nhưng vẫn đứng vững và tiệt nhiên định phận nguyên vẹn của muôn dân nước Việt, làm nên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Quốc gia ấy là Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với người chủ là Quốc dân Việt Nam, gồm 54 dân tộc anh em sinh ra từ một bọc trứng Mẹ Âu cơ vĩ đại.
Trải mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta từng bước qua hơn mười cuộc chiến tranh xâm lược sinh tử lớn nhất, hung bạo nhất đến từ mọi phía ở các thời đại. Nói như Cụ Phan Bội Châu, dẫu vậy, Việt Nam vẫn vằng vặc bất khuất: “Nghìn muôn ức triệu người trong nước/ Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà/ Người, Dân ta, của, Dân ta/ Dân là Dân nước, nước là Nước Dân…/ Sông phía Bắc, bể phương Đông/ Nếu không Dân cũng là không có gì”.
Phát huy dân chủ là phát huy tài Dân. Muốn vậy, thì phải thành tâm chịu khó nghe Dân, gặp Dân, hỏi Dân, hiểu Dân, học Dân và hết sức làm cho Dân
Nhân dân là cội rễ của mọi thể chế, là nhân tố căn bản quyết định làm nên quốc gia, sức mạnh vô địch và trường tồn của dân tộc.
Thế mới thật thấm thía rằng, Quốc gia mất hay còn, Đất nước thành hay bại, Dân tộc hùng cường hay bạc nhược… rõ ràng muôn sự ấy ở tại Nhân dân!
Nhớ năm 938. Sau cả nghìn năm Bắc thuộc, thiên thời, địa lợi, thậm chí không hơn trước đó, vì giặc dữ lại cả gan xâm lấn, nhưng bởi nhân hòa, với những đứa con sinh từ một bọc trứng Mẹ Âu Cơ ấy, đã làm nên một trận Bạch Đằng giang đỏ ngầu máu giặc, mở ra thời kỳ độc lập nước Nam ta! Năm 1076, cũng thế, một trận huyết chiến bên sông Như Nguyệt, bằng thế trận lòng dân của đồng bào, cha con nước Việt, đã bất khuất bố cáo khắp trong gầm Giời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”! Mỗi Con Người, cả cộng đồng thức dậy, toàn Dân tộc vùng lên! Người định thiên hạ chứ đâu có nệ “Mưu sự tại nhân” mà ngóng trông “Thành sự tại thiên”! Sức Dân đấy chứ! Thể chế nào giữ được Lòng Dân, thể chế ấy giữ yên thiên hạ!
Lại nhớ năm 1945. Chỉ với 20 triệu đồng bào, nhưng quyết “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, chỉ 16 ngày, Dân tộc đã làm một cuộc bẻ gãy xích xiềng nghìn năm phong kiến, cắt phăng vòng nô lệ thực dân quàng cổ Dân ta ngót 80 năm chấn động lịch sử. Mưu người tính, sức người bình định giang san xã tắc, lấy lại nền độc lập, chứ đâu trông đợi “Thành sự tại thiên”! Lòng Dân như Sóng cuộn vùi lấp ngoại xâm đấy chứ! Không lực lượng nào to lớn và vô địch bằng Lòng Dân.
Rồi năm 1946. Mở đầu chín năm Dân tộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, thiên cũng chưa thời (đất nước bị bao vây, lại bốn bề giặc dữ lăm le), địa càng chưa lợi (một mảnh đất ATK nhỏ bé làm đất đứng chân), nhưng chung cuộc kháng chiến trường kỳ đã thành công! Bởi sáu chữ, mà hai chữ đầu tiên không phải là bất cứ điều gì khác mà là: Toàn Dân rồi mới tới Toàn diện, Trường kỳ! Nhiều chữ Người viết hoa hợp lại thành Quần chúng và gọi Nhân Dân! “Chúng chí thành thành” vô địch! Ý Dân, Lòng Dân, Sức Dân như bức tường thành giữ nước đấy chứ!
Xem thế, đủ thấy, cái nhẽ thường cổ xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà ông cha ta di duệ, Dân tộc Việt Nam vượt lên theo mỗi thời gian, khi tiến khi thoái, biến thời thành thế, nhân lên sức mạnh…, mà vượt qua cái chết, tồn tại, phát triển và khẳng định mình trước hoàn cầu. Do thế, mà lịch sử đã hun đúc và kết thành chân lý: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Dân!
Đoái xem lại lịch sử, ai đánh mất Quốc bảo ấy, là tự chuốc lấy tội sát thân, không tránh khỏi họa mất nước và thể chế tan tành. Nhà Hồ (1400 – 1407) phạm điều cấm kỵ ấy nên nỗi kinh sợ “Lòng Dân không theo” thành hiện thực, khiến cho toàn bộ vương gia đã tự trói mình nộp giặc trước khi đất nước bị giặc Minh xâm chiếm và vương triều Hồ sụp đổ. Mất Dân thì mất nước. Triều chính thì nhất thời, Quốc Dân thì vạn đại!
Quốc gia thịnh suy, đất nước còn mất ở khắp mọi thời, há chẳng phải do Dân định đoạt đó sao?
Quốc bảo Lòng Dân! Đó chính là Bảo vật Quốc gia – cái tôn quý nhất của Đất nước, tài sản lớn nhất của cách mạng nước nhà!
Trước thềm Mùa Xuân canh Tý năm 2020, vì thế, lại mài mực, kính cẩn biên tiếp trăm lần nhời dặn về Quốc bảo ấy. Từ gần tám trăm năm trước, Cụ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dặn dò: “Khoan thư sức Dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Và, nhời tụng Dân cũng từng đau đáu tâm khảm của Cụ Ức Trai, dù cách nay ngót sáu trăm bốn chục năm, từ sự chiêm nghiệm thành bại của lịch sử với sức mạnh Lòng Dân, như đang hối thúc hôm nay: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức Dân mạnh như nước); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân”; “Đọc sách thời thông đòi nghĩa sách/ Chăn Dân mã nỡ mất Lòng Dân”.
Trước thềm Xuân Canh Tý năm 2020, Đảng ta tròn 90 Xuân và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhìn hẹp hơn 33 năm công cuộc Đổi mới của chúng ta, chân lý đó của muôn bậc thời đang vằng vặc tỏa sáng, ai mà cản nổi, khi muôn Dân ủng hộ, sự nghiệp cách mạng của chúng ta, dưới ngọn cờ của Đảng, sao chẳng tất thành! “Khó vạn lần, Dân liệu cũng xong”, như Cụ Hồ từng bảo!
Thế Nước – Lòng Dân – Vận Đảng thống nhất, hài hòa như Trời Đất!
Bởi vì, Đảng ta khắc cốt ghi tâm: “Dân là gốc”, “Dân là Chủ”, “Dân làm Chủ” và nguyện nỗ lực phấn đấu, hy sinh sao cho xứng đáng:“Đảng ta là đứa con nòi của Nhân Dân”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh…”, Đảng ta sinh ra “quyết không có lợi ích nào khác”, ngoài lợi ích “phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi lại.
Bởi vì, trong trời đất, không gì quý bằng Nhân dân; trong nước Việt Nam dân chủ, thì địa vị cao nhất là Dân, Dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài Dân. Muốn vậy, thì phải thành tâm chịu khó nghe Dân, gặp Dân, hỏi Dân, hiểu Dân, học Dân và hết sức làm cho Dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi.
Bởi vì, “Không học hỏi Dân thì không lãnh đạo được Dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”, như Hồ Chí Minh nói. “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng”. “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với Dân; Dân sẽ có ý kiến hay”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Đối với Dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Và, chúng ta phải tự mình trong sạch, tự mình liêm chính, tự mình noi gương Nhân dân.
Nhưng, những ai nhân danh Nhân dân để mỵ Dân, “theo đuôi” Dân, lôi kéo Dân, thậm chí để kích động Nhân dân, gây rối xã hội để cốt mưu lợi ích đen tối cho mình, cho phe nhóm… thì chính là dân túy, là cơ hội nhất định phải lên án và kiên quyết tẩy trừ. Đó chính là trò mạo Dân, thủ đoạn bôi nhọ và hạ nhục Nhân dân, đánh cắp lòng tin chân chính và trong sáng của Nhân dân, là phá hoại Đất nước, chống lại Nhân dân, dứt khoát phải bị nghiêm khắc trừng phạt! Quốc pháp vô thân! Tới lượt mình, Nhân dân cũng tự biết đâu là quyền và nghĩa vụ chân chính của mình, đâu là lợi ích chính đáng của mình theo đạo lý và đúng pháp lý, để thực sự xứng đáng là cái tôn quý nhất của quốc gia, tài sản vô giá của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước.
Không có Nhân dân không thành Dân tộc, Tổ quốc chúng ta không có gì cả!
Bởi vì, hơn hết, đó là một nguồn cội làm nên thành công của cách mạng nước nhà, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới hôm nay và ngày mai! Ai làm trái thế, nhất định thân bại danh liệt. Và, ở đâu làm trái thế, tất bại!
Lòng Dân tin tưởng – Thế Nước vững bền – Dân tộc hùng cường – Quốc gia phồn thịnh!
Kết tinh lại và tỏa sáng, 16 chữ ấy chính là nội dung bài học lịch sử vô giá của công tác Dân vận của chúng ta 90 năm qua, hôm nay và mãi mãi về sau!
Nguồn: Tuần Việt Nam