Trang chủ Luận bàn - Phản biện Vụ Đồng Tâm: LẠ LẮM

Vụ Đồng Tâm: LẠ LẮM

171
0

Có một dạo, cộng đồng ồn lên bài thơ “Đất nước mình lạ lắm phải không anh?” của một cô giáo nào đó ở Hà Tĩnh. Hồi đấy, nhiều người cũng làm thơ giả nhời cô giáo.

Vụ Đồng Tâm: LẠ LẮM

Nhưng sau nghĩ lại, mình thấy đúng là đất nước có những thứ lạ lắm.

1 – Lạ lắm. Có những người ra sức lên án các quan tham, đòi phải xử nghiêm, phải bắn bỏ v.v… Nhưng chính những người đó lại ra sức thương xót “cụ”, bất chấp việc “cụ” và con cháu “cụ” đã hình thành một mạng lưới quyền lực gia đình trị từ xã đến huyện, để xâu xé đất quốc phòng.

Vì sự ăn dày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh, mà con cháu “cụ” thì gia nhập Juventus, hát bài “Xuân này con không về”. Bản thân “cụ” làm quan hàng xã đến chức bí thư đảng ủy, nhúng tay vào đủ mọi thứ bẩn thỉu, rồi kết thúc cuộc đời bằng cách đổ xăng thiêu sống ba công an, và nhận cái chết bằng phát đạn 9 ly ngay giữa tim, khi trong tay nắm chặt quả lựu đạn.

2 – Lạ lắm. Có những người đòi hỏi phải giải thích, đối thoại với dân, không được dùng vũ lực với dân. Nhưng những người đó lờ lớ lơ đi việc ông Nguyễn Đức Chung đã giữ lời hứa 45 ngày thanh tra toàn diện. Họ cũng lờ lớ lơ việc Thanh tra Chính phủ đã phúc tra kết quả của Thanh tra Hà Nội, và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã về tận huyện Mỹ Đức để giải thích với dân. Vào lúc đó, không thấy có “dân Đồng Tâm” nào đi đối chất với thanh tra.

Và rồi, khi công an tiêu diệt “cụ” với đầy đủ bằng chứng về các hành vi tội phạm có vũ trang, thì họ khóc huhu: “Sao lại dùng vũ lực với dân, sao lại bắn chết một ông già (tay cầm quả lựu đạn)?

3 – Lạ lắm. Có những người băn khoăn tại sao lại “cưỡng chế” nhà “cụ” vào lúc 4 giờ sáng. Tại sao lại phải huy động hàng ngàn công an để “đàn áp” cụ? Chăc có lẽ họ đã không phân biệt được, hoặc cũng có thể họ cố tình lập lờ giữa cưỡng chế đất đai và vây bắt tội phạm có tổ chức nguy hiểm, trang bị vũ khí nóng. Họ tạo ra hình ảnh cụ già yếu đuối với lựu đạn trên tay bị bắn chết, mà quên mất trước đó công an đã phải trả giá 3 liệt sĩ bị thiêu sống trong đêm. Nói thẳng ra: Không cần đến “mấy ngàn công an”, mà chỉ cần một tiểu đội cảnh sát cơ động trang bị tiểu liên cực nhanh, thì họ sẽ cho “cụ” và đàn em của “cụ” thành cái tổ ong ngay trong một nốt nhạc, thay vì phải đứng nhìn “cụ” ra lệnh thiêu sống đồng đội mình, rồi mới có lệnh nổ súng.

Mà có lẽ, với những người “lạ” như thế, nếu như nhà họ có cháy lúc nửa đêm, thì công an phòng cháy cứ chờ đến giờ hành chính rồi hẵng xuất xe. Nếu người nhà họ có đau ốm, thì bác sĩ A9 Bạch Mai cứ chờ sáng rồi hẵng cấp cứu.

4 – Lạ lắm. Có những người cắc cớ: Sao không mang sự việc ra giải quyết tại Tòa án. Họ không biết, hoặc cố tình không biết rằng các tranh chấp đất đai có thể được giải quyết bằng thủ tục tố tụng tư pháp, hoặc thủ tục hành chính. Nhìn lại toàn bộ quá trình, chính “tổ đồng thuận” của “cụ” đã chọn con đường hành chính, và thua lấm lưng trắng bụng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chiếu slide bản đồ cho dân, khẳng định các cột mốc còn rất tốt. Nước cố cùng, khi Thanh tra Chính phủ chiếu bí đến sân nhà “cụ”, thì “cụ” giả điên lên mạng live stream. “Cụ” bảo vì “cụ” sợ bị đánh gãy chân, nên “cụ” không lên huyện nghe kết luận thanh tra.

Còn chưa nói đến việc, chưa bao giờ “cụ” nộp đơn lên Tòa án, và nếu có, thì tư cách nào để “cụ” tham gia tố tụng, khi “cụ” chẳng có mẩu đất nào trong khu vực có tranh chấp với sân bay Miếu Môn?

5 – Lạ lắm. Có những người ra sức đòi đánh Trung Quốc bảo vệ Trường Sa, giành lại Hoàng Sa. Nhưng cũng chính những người đó đánh bài lờ về một sự thực rằng sân bay Miếu Môn là sân bay dự bị của sân bay Nội Bài khi có chiến tranh từ thời đánh Mỹ.

Kể từ năm 1980, sau khi có chiến tranh biên giới, sân bay được lên kế hoạch mở rộng để dự phòng chiến tranh lớn, bảo vệ bầu trời miền bắc. Nói cách khác, đó chính là cái sân bay quân sự, với chức năng gần như duy nhất là căn cứ xuất phát cho máy bay tiêm kích đánh trả các cuộc tấn công từ phía bắc xuống, để bảo vệ “nóc nhà” của Hà Nội.

Nói kĩ hơn về điểm này: Sau khi sân bay được củng cố và mở rộng, thì chiến tranh lớn không xảy ra, nên sân bay được giao cho một đơn vị bộ đội công binh của Quân chủng Phòng không – không quân (không còn tổ chức tiểu đoàn căn cứ sân bay riêng nữa). Thực ra, lữ đoàn công binh 28 của Quân chủng PK-KQ chỉ là phiên hiệu từ năm 1999 trở về sau. Còn trước đó, Phòng không và Không quân là 2 quân chủng độc lập (tổ chức kiểu LX), mỗi quân chủng đó có đơn vị công binh riêng để xây dựng và bảo trì các sân bay (trung đoàn 28 công binh không quân), trận địa pháo, trận địa tên lửa (trung đoàn 220 công binh phòng không). Sân bay được giao cho một tiểu đoàn công binh của trung đoàn 28, và bản thân tiểu đoàn này cũng chỉ có biên chế khung, vì phần lớn bộ đội đã đi khắp cả nước để thi công các sân bay, trong cao trào chuẩn bị chiến tranh lớn nếu TQ xâm lược VN lần nữa như năm 1979.

Với lực lượng ít ỏi như thế, đơn giản là họ không đủ người để quán xuyến hết 236ha đất sân bay của 3 xã (trong đó có 64ha đất của xã Đồng Tâm). Và đó là lúc “phong trào” lấn chiếm đất xuất hiện. Bất chấp việc bản đồ sân bay đã có chữ kí của chỉ huy đơn vị quản lý sân bay, và lãnh đạo 3 xã lân cận. Bất chấp các mốc giới vẫn còn nguyên vẹn xi măng cốt thép.

Mỗi căn nhà, mảnh vườn lấn vào đường băng, chính là một nhát dao xẻ thịt một sân bay quan trọng của không quân. Và đến khi quân đội hoảng hồn nhận ra, thì nhà dân đã chắn cả hầm chứa máy bay trực chiến, đường lăn máy bay đã thành ao chuôm.

Thế nên, vĩnh viễn không còn sân bay quân sự Miếu Môn nữa, vì nó đã bị bóp chết. Quân đội chuyển sang giao đất cho Tập đoàn Viettel, song song với việc chuyển tập đoàn này thành Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội. Không ai nói ra, nhưng phải hiểu rằng công trình quốc phòng là nhà máy công nghiệp quốc phòng quan trọng, mà vũ khí – khí tài nó sản xuất ra, là thứ dành cho những kẻ thù của Tổ quốc. Đến lúc này, thì bùng nổ sự việc Đồng Tâm, việc này kéo dài 3 năm, mất 3 liệt sĩ công an. Và Miếu Môn từ chỗ là một sân bay bỏ hoang, nay trở thành trọng điểm của dư luận.

À mà, chưa kể còn có những người rất lạ, họ đòi phải công khai xem nhà máy quốc phòng tối mật của Viettel là nhà máy gì. Không rõ những người này có liên hệ gì với Hoa Nam tình báo cục hay không, chứ nếu không thì họ ăn gì mà thông minh thế?

Như vậy, là có ít nhất hai lần “cụ” và đàn em của “cụ” đã xẻo thịt những cơ sở quốc phòng quan trọng nhất để đánh kẻ thù phương bắc: Một lần là sân bay quân sự dự bị chiến lược cho chiến tranh biên giới. Một lần là nhà máy công nghiệp quốc phòng tối mật.

6 – Khóc “cụ”

Than ôi.

Đất trời Đồng Tâm mây mù che phủ.

Người Đảng viên già ôm lựu đạn chai xăng.

Ới cụ ơi. 3 năm qua cụ còn giữ được mạng, là nhờ ơn Đảng ơn chính quyền nương tay không giết. Cụ tưởng thế là hay, cụ rào làng, cụ đặt chông, cụ thiêu sống công an không chớp mắt. Cụ làm quan thì hà lạm tham nhũng. Con cháu cụ thì nối bước nhau vào huyện vào xã, rồi nhờ cụ mà ăn cơm cân áo số. Cụ chết đi tay còn cầm lăm lăm lựu đạn. Thế mà bây giờ nhiều người khóc cụ, lạ lắm cụ ơi.

Cụ có linh thiêng, thì xin nhắc cho cụ biết: Nhờ ơn cụ, mà con cháu cụ được gia nhập đội tuyển Juventus, ăn Tết nơi buồng giam nhà đá. Nhờ ơn cụ, mà ba gia đình liệt sĩ năm nay không có Tết, vợ mất chồng, con mất cha ngơ ngác. Nhờ ơn cụ, mà dự án nhà máy quốc phòng chậm trễ ba năm, và không biết sẽ còn chậm đến khi nào.

3 năm chậm trễ đó, là 3 năm những vũ khí – khí tài made in Vietnam chậm đến tay chiến sĩ, là 3 năm thụt lùi thua kém nền công nghiệp quốc phòng đang tiến như vũ bão của người láng giềng bên kia biên giới. Viettel là niềm hi vọng gần như duy nhất sẽ gây dựng nên nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, và trong những trắc trở đầu tiên mà niềm hi vọng đó gặp phải, vinh quang thay lại có tên “cụ”.

Người ta sẽ học được từ thất bại nhiều hơn thành công. Mong rằng Viettel sau này hãy đưa ảnh “cụ” vào phòng truyền thống của nhà máy, để đời đời kiếp kiếp cán bộ chiến sĩ toàn quân nhận thức ra rằng: Kẻ thù phương bắc không đáng sợ bằng những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ. Rằng những ngày gian khổ đầu tiên của nhà máy, không phải do gián điệp nước ngoài phá hoại, không phải do không quân địch ném bom, pháo hạm địch bắn phá, mà là do phải giành đất, giữ đất sân bay với “nhân dân anh hùng”.

Vậy đó, lạ lắm …
Lương Lê Minh

https://www.facebook.com/100006948106461/videos/2493784677529778/?hc_location=ufi

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây