Trang chủ Luận bàn - Phản biện Con lãnh đạo du học không về địa phương: Không thể đền...

Con lãnh đạo du học không về địa phương: Không thể đền tiền là xong!

163
0

Ở đây không còn là chuyện tiền nong mà vấn đề lớn hơn, đó là sự bất công mà chỉ dùng tiền thôi chưa đủ.

Thời gian qua, việc cán bộ du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về địa phương đã không còn là chuyện lạ. Câu chuyện mới nhất tại tỉnh Quảng Ngãi- một tỉnh nghèo ở miền Trung lại có thêm “nhân tố mới” khi cả 4 cán bộ không trở về đều là con lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Sở, ngành. Họ bị buộc bồi hoàn gấp đôi kinh phí đã chi với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Nhưng có lẽ, ở đây không còn là chuyện tiền nong mà vấn đề lớn hơn, đó là sự bất công mà chỉ dùng tiền thôi chưa đủ.

Con lãnh đạo du học không về địa phương: Không thể đền tiền là xong!

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Chính sách đãi ngộ người tài là một chủ trương đúng. Nhiều địa phương đã không tiếc tiền, tiếc của, chi ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để bồi dưỡng những hạt giống quý với mong muốn, sau khi được đào tạo ở các nước phát triển, họ sẽ quay về phục vụ quê hương. Nhưng đáng tiếc thay, chủ trương đúng đắn ấy đã và đang bị lợi dụng, bị làm méo mó khi rất nhiều “người tài” đi du học bằng ngân sách lại có mẫu số chung: Họ là “con lãnh đạo”.

“Con lãnh đạo”, kế tục sự nghiệp của cha, của mẹ, họ được tuyển chọn vào các cơ quan, sở, ngành ở địa phương. Rồi, họ lại tiếp tục được chọn lựa để vào danh sách đi du học bằng tiền ngân sách. Dù địa phương đã giải thích rằng, cơ quan chức năng “tiếp nhận hồ sơ rộng rãi, xét duyệt công bằng, minh bạch” nhưng dư luận vẫn chẳng thấy thuyết phục.

“Con lãnh đạo”- dù không muốn nhắc lại nhưng chắc ai cũng hiểu, họ được đầu tư ăn học từ tấm bé và ngay cả khi, cha mẹ không cậy nhờ thì họ cũng bỗng dưng bị “gắp điểm bỏ tay người” để vào được những trường danh giá. Câu chuyện ở Hà Giang là một ví dụ điển hình.

“Con lãnh đạo” hư hỏng, bổ nhiệm thần tốc, chưa kịp “nở” đã sớm “lụi tàn” là thực tế đáng xấu hổ trong thời gian qua. Trước khi “lụi tàn”, không ít người trong số đó cũng đã từng du học ở nước này, nước kia. Sau khi về địa phương, với chính sách “trọng dụng nhân tài”, họ được bố trí và thăng tiến một cách chóng mặt. Không kinh qua gian khó, không thấu hiểu những nỗi vất vả của nhân dân, họ tự cho mình quyền được hưởng thụ và đòi hỏi.

Đi du học bằng tiền ngân sách, “con lãnh đạo” có nhiều lý do để không trở về địa phương theo cam kết (phục vụ đủ 5 năm). Đành rằng “nước chảy chỗ trũng”, đành rằng, gia đình họ có thừa điều kiện để bồi hoàn chi phí nhưng rõ ràng, chính sách bồi dưỡng nhân tài ở địa phương đã thất bại. Những lãnh đạo có con em đi du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về địa phương, họ cũng có phần trách nhiệm và những người giới thiệu, tiến cử “người tài” cũng không thể vô can.

Vài năm trước, thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI, Thái Bình trở thành điểm sáng khi tổ chức công khai, minh bạch các kỳ thi tuyển viên chức. Có người mẹ đã ôm lấy con nghẹn ngào khi nghe tin con mình trúng tuyển viên chức ở Sở Nông nghiệp. Chị khóc vì con chị thi bằng thực tài, không hậu duệ, không tiền tệ.

Đặt giả thiết, những trường hợp như vậy, nếu được lựa chọn đi du học bằng tiền ngân sách thì chắc chắn, họ sẽ không “tìm cơ hội tốt hơn” ở nơi khác. Thứ nhất, họ là con công nhân, không có điều kiện để bồi hoàn chi phí. Thứ hai, họ biết trân trọng giá trị của sự ưu đãi!

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây