Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thời sự VTV1: Nhận diện sự thật ở Đồng Tâm

Thời sự VTV1: Nhận diện sự thật ở Đồng Tâm

386
0

Đối với vụ việc vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm, mỗi người dân chúng ta cần nắm rõ bản chất vụ việc, thể hiện thái độ trách nhiệm trong mỗi phát ngôn, khi sử dụng MXH.

Sự việc một số đối tượng vi phạm pháp luật chống đối người thi hành công vụ khiến 3 chiến sỹ công an hy sinh tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khiến người dân cả nước bàng hoàng, đau xót, tiếc thương, nhưng cũng hết sức bất bình, phẫn nộ trước những hành vi coi thường kỷ cương phép nước. Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh những kẻ cố tình vi phạm pháp luật. Thế nhưng, trên mạng xã hội và một số trang báo nước ngoài lại đang tung ra rất nhiều thông tin xuyên tạc, giả mạo, gây rối loạn tình hình, nhằm phá hoại sự bình yên ở địa phương.

Thời sự VTV1: Nhận diện sự thật ở Đồng Tâm

Khi sự việc ở Đồng Tâm xảy ra, một số người đặt viết bài trên mạng xã hội với nội dung: tại sao chính quyền đã không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân mà lại đi “đối đầu”, rồi từ đó chỉ trích cách hành xử của chính quyền và các lực lượng chức năng. Đó là những luận điệu suy diễn, lập lờ đánh lận con đen, cố tình bỏ qua một sự thật là hơn 2 năm nay, chính quyền từ huyện, thành phố đến Trung ương đã vào cuộc giải quyết những tồn tại, trong đó có rất nhiều cuộc thanh tra của Thành phố, rồi Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan này cũng tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại, giải thích với người dân, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, việc nói chính quyền “phớt lờ, đối thoại”, “coi thường nhân dân” là hồ đồ, thiếu căn cứ.

Đáng nói hơn là khi các cơ quan chức năng mời đến đối thoại, một số đối tượng không những không tham gia mà còn cố tình cản trở, gây rối không cho những người dân ở xã Đồng Tâm có mặt ở buổi đối thoại. Thế nên, việc đưa ra những câu từ như “vô cảm với dân”, “mất dân chủ” mà một số đối tượng đang rêu rao thực ra là những luận điệu mang tính xảo trá, kích động.

Nhưng không chỉ có thế, nhiều bài viết còn quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, bị đẩy đến đường cùng. Những thông tin kiểu này làm sai lệch hoàn toàn bản chất vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Bởi theo quy định của pháp luật đất đai thì các hồ sơ, giấy tờ hiện có đã chứng minh rõ: toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, không có sự mập mờ, khuất tất nào. Hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không có thay đổi, không có việc tăng hay giảm diện tích. Mọi việc đã được Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Về vụ việc ở Đồng Tâm, trên một số mạng xã hội, đặc biệt là Facebook những ngày qua, xuất hiện tràn lan thông tin lệch lạc, sai sự thật. Nhiều bình luận mặc sức miệt thị chính quyền, cơ quan chức năng, đả phá chế độ. Đáng buồn là trong số đó, có không ít người từng rất hiểu biểt, nhưng không có thông tin, chỉ nghe hơi nồi chõ đã viết một cách rất phiến diện, đưa ra những nhận định vô căn cứ, hướng lái dư luận hiểu sai bản chất vấn đề. Dã man hơn, có người còn lợi dụng sự hy sinh của các chiến sĩ đang được dư luận quan tâm, viết những điều hoàn toàn bịa đặt để đánh bóng tên tuổi, để có nhiều người theo dõi trang cá nhân của mình hơn. Điều này thật vô nhân tính!

Cơ quan chức năng đã thấy và đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để phối hợp xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, có những nhà mạng rất thiếu trách nhiệm, mà điển hình là Facebook.

Hiện nay chúng ta có những quy định rất rõ ràng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không biên giới. Chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ, trong đó chỉ rất rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp này, thế nhưng có vẻ một số đơn vị, đơn cử như Facebook đang coi thường pháp luật Việt Nam. Nhiều luật sư đề nghị, các cơ quan pháp luật phải chủ động vào cuộc, xử lý nghiêm minh và có biện pháp ngăn chặn kẻ xấu và những công ty tiếp tục tái diễn phát tán thông tin xấu độc.

Đối với vụ việc vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm, mỗi người dân chúng ta cần nắm rõ bản chất vụ việc, thể hiện thái độ trách nhiệm trong mỗi phát ngôn, khi sử dụng mạng xã hội. Thời gian qua, ở không ít địa phương đã có hiện tượng lợi dụng dân chủ để coi thường kỷ cương phép nước, chà đạp lên luật pháp như là vụ việc chống đối người thi hành công vụ, đốt phá cơ quan công quyền tại Bình Thuận năm 2018 và nay là vụ việc tại xã Đồng Tâm. Nếu ai cũng nhân danh dân chủ cho mình cái quyền được gây rối loạn, được đốt phá, chống người thi hành công vụ để thể hiện chính kiến thì còn gì là bình yên quốc gia, là an toàn xã hội. Những kẻ đó không thể gọi là dân, gọi như thế là làm tổn hại hình ảnh của nhân dân – những người dân chân chính.

Còn trong những ngày này, nhân dân cả nước hết sức xót thương trước sự ra đi của 3 chiến sĩ vào ngày 9/1 vừa qua. Một trong số họ là Trung úy Phạm Công Huy là chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã hy sinh trong đợt bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vừa qua. Anh hy sinh khi mới 27 tuổi. Đó là mất mát không thể bù đắp của đồng đội và người thân.

Nguồn: VTV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây