Những dòng thông tin ngắn gọn, khô khốc trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an về vụ việc ngày 9/1/2010 ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã cho thấy một kết cục mà bàng hoàng dư luận: “Sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương…”. Điểm nóng Đồng Tâm đã thực sự lên đến đỉnh điểm khi các đối tượng chống đối đã chuẩn bị các công cụ có tính sát thương lớn như lựu đạn, bom xăng, dao phóng… để tấn công vào lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ tại khu vực này.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra và thông tin trên báo chí, lập tức một số đối tượng thù địch đã lợi dụng sự việc này để tập trung vu cáo, xuyên tạc bản chất vụ việc và đổ lỗi cho lực lượng chức năng. Họ lấp liếm rằng đây là vụ “cưỡng chế thu hồi đất”, đây là “Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm”, “3 nghìn công an và chó nghiệp vụ tấn công vào xã Đồng Tâm để lấy đất làm sân golf”.. họ cho rằng “bản chất vụ việc giống vụ Đồng Nọc Nạn, vụ Đoàn Văn Vươn”, và cho rằng việc “ra đòn với dân Đồng Tâm” là việc làm “thiếu nhân văn” trong dịp sát Tết nguyên đán Canh Tý.. Tệ hại hơn, một số đối tượng xấu đã lấy sự hy sinh của những người chiến sĩ trong vụ việc này để bỉ bai, chế giễu Đảng và Nhà nước. Vậy họ cần hiểu gì về bản chất vụ việc này
Đất Đồng Tâm được thu hồi là cho mục đích quốc phòng, không phải để làm sân golf!
Sự việc ở Đồng Tâm có thể coi là bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm. Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Ngày 25/4/2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra TP Hà Nội về việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). TTCP đã kiểm tra, rà soát từng nội dung mà Thanh tra TP Hà Nội kết luận trước đó.
Kết quả rà soát của TTCP cũng cho thấy Thanh tra TP Hà Nội đã làm rõ các kiến nghị, phản ánh của ông Lê Đình Kình và một số hộ dân. Trong đó, làm rõ diện tích 28,7 ha chênh lệch; việc đề nghị tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng; diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. TTCP khẳng định kết luận về diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là có căn cứ, có cơ sở; việc kiến nghị của ông Lê Đình Kình là không có căn cứ, không có cơ sở. Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm, xã không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đông Sênh như ông Lê Đình Kình và một số người nêu. TTCP cũng khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng. Mọi thông tin về việc sử dụng khu đất này làm sân golf đều là thông tin xuyên tạc với ý đồ xấu.
Đây không phải là vụ việc cưỡng chế!
Diễn biến vụ việc đã bị nhiều đối tượng xấu xuyên tạc rằng đây là một vụ cưỡng chế, để nhân cơ hội đó suy diễn thông tin, xuyên tạc chửi bới nhà nước. Sự thực phải thấy đó là: đấy hoàn toàn không phải là vụ việc cưỡng chế, bởi vì vụ việc ở Đồng Tâm hoàn toàn là lấn chiếm đất công, không có chuyện tranh chấp đất. Việc đơn vị quốc phòng tiến hành xây dựng tường rào sân bay là hoàn toàn phù hợp với kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cũng như quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến an ninh, quốc phòng. Lực lượng chức năng buộc phải sử dụng biện pháp mạnh bởi có một số đối tượng chống đối mà cầm đầu là Lê Đình Kình, Lê Đình Công đã liên tục quấy rối, uy hiếp an toàn của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đang tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn TP Hà Nội theo kế hoạch. Nhận thấy các đối tượng này manh động, sử dụng vũ khí có sức sát thương cao dự định tấn công vào lực lượng chức năng nên sáng ngày 9/1/2010, lực lượng cảnh sát cơ động đã phải tiến hành công kích để làm tan rã nhóm này.
Nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến sự việc ở Đồng Tâm mấy năm qua, có thể thấy chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã xử lý kiên trì, có lý, có tình nhằm tạo sự đồng thuận để giải quyết sự việc tốt nhất. Ngay từ khi xảy ra việc một số người dân tại xã Đồng Tâm vì thiếu hiểu biết pháp luật lấn chiếm trái phép đất quốc phòng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Cùng với đó, các hộ gia đình có quyền lợi hợp pháp tại khu vực sân bay Miếu Môn đã được chính quyền địa phương xem xét, phân loại và đã được đền bù thỏa đáng. Các hộ gia đình có quyền lợi hợp pháp này đồng thuận cao với việc nhận đền bù để di dời, trả lại khu vực đất quốc phòng cho quân đội quản lý, xây dựng các công trình quốc phòng. Đến nước cuối cùng thì mới sử dụng biện pháp mạnh, và hoàn toàn không có cái gọi là “đánh vào nhân dân” như một số kẻ xấu xuyên tạc. Nhóm “Đồng thuận” nhà Lê Đình Kình không có quyền để đại diện cho nhân dân Đồng Tâm.
Từ sự việc trên, cũng cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong việc bảo vệ các lực lượng chức năng khi thi hành công vụ ở những tình huống, địa bàn khó khăn, phức tạp; quyết liệt xử lý nghiêm các đối tượng manh động, sử dụng vũ khí tự tạo, vũ khí quân dụng trái phép chống người thi hành công vụ; đẩy lùi hiện tượng “bất tuân dân sự” đang có xu hướng gia tăng. Phải có những chế tài thật sự nghiêm minh và đủ sức răn đe đối với những hiện tượng này.