Các nước trên thế giới đều quan niệm chống người thi hành công vụ, hành hung, thậm chí là giết người đang thi hành công vụ đều phải chịu án phạt nặng hơn so với nạn nhân thông thường. Nguyên do là bởi những người thi hành công vụ gánh trách nhiệm thực thi pháp luật, thiết lập trật tự xã hội, bảo vệ bình yên cho người dân, mà đôi khi họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng cho sự bình yên đó.
Sự việc một sĩ quan cảnh sát 26 tuổi đã bị bắn chết hôm 4-1-2020 khi đang cố dừng đối tượng tại đoạn đường gần sân bay South Carolina (ảnh) đánh dấu sự kiện đây là nhân viên thực thi pháp luật đầu tiên của Mỹ bị sát hại trong lúc làm nhiệm vụ vào năm 2020 này.
Thống kê của CNN cho thấy, trong vòng 50 tuần của năm 2019, có tới 134 nhân viên thực thi pháp luật của Mỹ bị giết hại trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có 47 người bị bắn chết. Con số đó phản ánh mức độ nguy hiểm mà lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ phải đối mặt.
Hình phạt về hành vi chống người thi hành công vụ ở Mỹ có thể khác nhau giữa các tiểu bang và một phần phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội. Đó có thể là tội nhẹ (mức phạt tối đa 1 năm tù) hoặc tội nặng (từ 1-5 năm tù). Hình phạt có thể bao gồm: thời gian ngồi tù, bồi thường cho nạn nhân vì bất kỳ thương tích nào, quản chế, hoặc phạt tiền. Hành vi càng nghiêm trọng, mức án càng nghiêm khắc. Nếu cảnh sát bị thương nặng, bị cáo có thể phải ngồi tù từ 5 đến 25 năm ở hầu hết các bang.
Đơn cử, luật của bang Florida áp dụng án tù tối thiểu 5 năm và tối đa 30 năm, cộng với 30 năm quản chế và phạt 10.000 USD đối với bất kỳ ai bị kết án chống người thi hành công vụ có tình tiết tăng nặng (gây tổn hại lớn) cho một nhân viên thực thi pháp luật. Với mức không gây thương tích nặng, hình phạt sẽ là cao nhất 5 tù, quản chế 5 năm và phạt tiền 5.000 USD.
Tuy nhiên ở Mỹ, giết sĩ quan cảnh sát là một trong số 9 tội danh được coi là trọng tội, bản án cao nhất là tử hình hoặc tù chung thân không ân xá. Đáng nói, trong số 32 bang của nước Mỹ áp dụng án tử hình thì cả 32 bang này đều quy định mức án cao nhất cho tội giết cảnh sát.
Có thể lấy ví dụ, hồi tháng 8-2019, thẩm phán của Baltimore đã kết án Dawnta Harris, 17 tuổi tù chung thân vì tội giết nữ cảnh sát Amy Caprio, 29 tuổi (ảnh). Hôm đó, thấy viên cảnh sát Caprio rút súng, chặn đầu xe, Harris, một trong số nhóm đối tượng bị tình nghi chuyên ăn cắp xe hơi đã lái chiếc xe Jeep cán qua người Caprio. Vào thời điểm gây án hồi đầu năm 2018, Harris mới 16 tuổi nhưng tòa án vẫn quyết định áp dụng mức cao nhất như đối với những người đã trưởng thành.
Đáp lại lời tuyên án, ông David Marks, Ủy viên Hội đồng Hạt Baltimore – người đại diện cho khu phố nơi xảy ra vụ giết người cho biết: “Không hình phạt nào có thể giúp sĩ quan Caprio sống lại hay xóa tan nỗi đau của gia đình nạn nhân cũng như khu phố Perry Hall mà tôi đại diện. Tôi xin cảm ơn các công tố viên đã đưa ra biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà pháp luật cho phép”.
Canada: Sát hại cảnh sát sẽ bị tù chung thân không ân xá ít nhất 25 năm
Tháng 8-2018, người dân Canada bàng hoàng khi hay tin một vụ xả súng ở New Brunswick đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 nhân viên cảnh sát được điều đến hiện trường.
Hàng nghìn cảnh sát Canada dự lễ tang Vu Pham, cảnh sát Ontario bị bắn chết trong khi làm nhiệm vụ năm 2010
Trong một thông cáo, Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết: “Không có hành động nào lớn lao hơn là tự hy sinh thân mình để bảo vệ cuộc sống của người khác. Hai sỹ quan cảnh sát trong lực lượng phản ứng nhanh đã vội vã đến hiện trường nguy hiểm. Họ không một chút ngần ngại khi thực thi nhiệm vụ là giữ an toàn cho người dân Canada. Chúng ta sẽ không quên 2 nhân viên cảnh sát đã hy sinh để cứu mạng người khác và không nghi ngờ gì nữa, họ đã ngăn chặn không để xảy ra thảm kịch lớn hơn”.
Theo trang tin Cbc của Canada, luật hình sự nước này quy định, người nào cố tình chống lại hoặc cản trở người thi hành công vụ sẽ bị phạt tù không quá 2 năm. Riêng tội danh giết hại cảnh sát hoặc nhân viên nhà tù, mức án cao nhất là tù chung thân không được ân xá trong vòng ít nhất 25 năm.
Anh: Quan điểm “mạng phải đền mạng”
Tháng 8-2019, nhân viên cảnh sát Andrew Harper, nước Anh, đã bị giết hại trong quá trình điều tra báo cáo về một vụ trộm ở Berkshire. Ngay sau vụ việc, Cảnh sát Thames Valley đã tạm giữ 10 nghi phạm, trong đó có một nam sinh 13 tuổi. Harper là sĩ quan cảnh sát đầu tiên hy sinh khi làm nhiệm vụ kể từ tháng 3-2017, khi cảnh sát Keith Palmer không có vũ khí bị kẻ khủng bố Khalid Masood đâm trong vụ tấn công trên cầu Westminster.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết, ông đã “sốc nặng” và “kinh hoàng” trước thông tin về cái chết của cảnh sát Andrew Harper. Ông Johnson nói, cái chết của cảnh sát Andrew Harper là một lời nhắc nhở mạnh mẽ nhất rằng, lực lượng cảnh sát luôn phải đặt mình vào nguy cơ mỗi ngày để giữ an toàn cho dân chúng.
Theo Guardian, các vụ tấn công vào các sĩ quan cảnh sát đã tăng 30% chỉ sau 4 năm khi tội phạm bạo lực trên khắp Vương quốc Anh trong năm 2018-2019 tăng đột biến. Tính đến cuối tháng 3-2019, trong vòng 12 tháng đã có hơn 30.000 cuộc tấn công vào các sĩ quan cảnh sát ở Anh và xứ Wales, trong đó có Cảnh sát Giao thông Anh. Các cuộc tấn công vào các sĩ quan cảnh sát dẫn đến thương tích đã tăng 27% so với năm trước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, sẽ thực hiện cam kết tuyển thêm 20.000 cảnh sát và công bố một loạt khoản đầu tư để thúc đẩy hệ thống tư pháp hình sự. Ông cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy cải cách tư pháp để những kẻ phạm tội bạo lực phải ngồi tù lâu hơn do yêu cầu cấp thiết về xem xét lại mức án được áp dụng hiện nay.
Hồi tháng 5-2013, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Theresa May trong bài phát biểu trước Hội nghị toàn quốc của lực lượng cảnh sát nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đòi hỏi lực lượng cảnh sát giữ cho dân chúng an toàn bằng cách đối đầu và ngăn chặn tội phạm. Chúng ta yêu cầu họ chấp nhận rủi ro để người dân không phải làm. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng mạng phải đền mạng khi có bất kỳ kẻ nào bị kết án giết một sĩ quan cảnh sát”.
Do Anh không có án tử hình nên án phạt đối với tội giết cảnh sát hiện nay là một trong những tội danh nằm trong khung hình phạt nghiêm khắc nhất: ít nhất 30 năm tù.
Italia: Chung thân không ân xá với tội danh nghiêm trọng
Theo luật hình sự Italia về tội giết người, điều 575 chỉ ra rằng “bất cứ ai gây ra cái chết của con người đều bị trừng phạt không dưới 21 năm tù”. Tuy nhiên, luật pháp chỉ ra một loạt tình huống mà tội giết người bị trừng phạt bằng tù chung thân, vì vậy, tù chung thân trên thực tế ở Italia là không bao giờ dưới 21 năm tù.
Điều 576 và 577 quy định hình phạt bắt buộc là tù chung thân đối với tội giết người được áp dụng trong một số trường hợp, trong đó có tội giết hại cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ.
Trong những trường hợp cực đoan nhất, tòa án có thể từ chối cho tù nhân quyền được thả tự do có điều kiện, nghĩa là phải dành phần phần đời còn lại trong tù. Ở khía cạnh này, Italia là một trong một số ít quốc gia châu Âu quy định tù chung thân mà không được ân xá cho các tội nghiêm trọng nhất.
Australia: Quy định rõ về hành vi chống đối và giết hại cảnh sát
Luật hình sự Australia quy định riêng rẽ và rất cụ thể các mức phạt đối với hành vi chống đối cảnh sát và giết hại cảnh sát.
Theo đó, về hành vi chống đối và tấn công cảnh sát, người nào tấn công, quấy rối hoặc đe dọa sĩ quan cảnh sát trong khi thi hành nhiệm vụ, dù không gây thương tích có thể bị phạt tù từ 5-7 năm; nếu gây rối trật tự công cộng, hành hung cảnh sát gây thương tích có thể bị phạt tù 9 năm; nếu gây thương tích nghiêm trọng cho cảnh sát trong khi thi hành công vụ có thể bị phạt tù từ 12-14 năm… Với tội danh giết hại cảnh sát, hình phạt chung là tù chung thân.
Ngoài ra, các sĩ quan cảnh sát thường là mục tiêu trong các vụ án bị truy tố theo điều 332 của Bộ luật Hình sự có liên quan, khuôn khổ quy định các hình phạt từ phạt tiền đến phạt tù đến 7 năm. Với tình tiết tăng nặng, các mức phạt tăng thêm từ 6-12 tháng tù cho các tội nghiêm trọng hơn.
Singapore: Phạt nặng để bảo vệ lực lượng cảnh sát
Năm 2017, Tòa án Tối cao Singapore đã công bố một khung kết án mới với tình tiết tăng nặng gấp nhiều lần để răn đe những kẻ chống lực lượng cảnh sát. Tờ The Strait Times đưa tin, thống kê tới thời điểm đó, trong vòng 3 năm đã có 688 trường hợp cảnh sát bị thương tích, vì vậy, cần áp dụng mức phạt mới để phản ánh sự phẫn nộ của công chúng cũng như bảo vệ các sĩ quan cảnh sát.
Theo đó, những kẻ phạm tội tấn công cảnh sát trong các vụ án nghiêm trọng có thể phải đối mặt với án tù lên tới 7 năm cùng hình phạt phạt roi. Nếu như một người say rượu tát sỹ quan cảnh sát bị chịu án tù 1 tuần thì sau khi áp dụng khung hình mới, mức phạt sẽ tăng gấp 10 lần.
Chưa kể, tại Singapore – quốc gia thứ hai trên thế giới có tỉ lệ tử hình trên đầu người cao nhất thế giới trong khoảng thời gian từ 1994 đến 1999, phạm tội giết người, bao gồm cả sát hại cảnh sát sẽ chịu mức án cao nhất là tử hình.
Hải Yến (ANTĐ)
Nguồn: Đấu trường dân chủ