Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Chính vì vậy, Đảng ta mới có phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện nghị quyết các Đại hội toàn quốc của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 04 chỉ thị về Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo gương Bác, mãi mãi đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Trong quá trình thực hiện các Chỉ thị đó, cả hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã tích cực tham gia và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển.
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, thời gian qua, công tác tuyên truyền về học tập và làm theo gương Bác có nhiều thành tích, kinh nghiệm, bài học quý, tạo được dấu ấn trong xã hội. Tới đây, phải duy trì thường xuyên, nâng cao chất lượng, tận dụng sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập và làm theo gương Bác; kịp thời giới thiệu, lan tỏa trong xã hội những tấm gương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phát huy tối đa vai trò của hệ thống báo chí, văn nghệ sĩ, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
Từ nhận thức đó, Google.tienlang tâm niệm rằng, những bài viết, những nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lịch sử phải luôn được coi là chuẩn mực trong nghiên cứu bộ môn khoa học này. Bất cứ ai, dù mang mác giáo sư tiến sĩ nhưng nay phát biểu ngược lại với quan điểm của Bác Hồ thì người đó đều bị coi là kẻ “lật sử”. Và, Google.tienlang cũng cho rằng việc ôn lại các trang viết của Bác Hồ là nhiệm vụ thường xuyên, không bao giờ xưa cũ.
Mở đầu Năm mới 2020, Google.tienlang xin cùng với bạn đọc ôn lại những trang viết của Bác Hồ về Nhà Nguyễn.
*****
Trong thư gửi ông Utơlây, ngày 16-10-1919, Nguyễn Ái Quốc viết: “Ngay trong cái cung điện Huế cũ kỹ và tối tăm, mà cuộc sống tù hãm, trụy lạc đã nhấn chìm những người sống trong đó vào sự nhu nhược, đến nỗi họ dửng dưng trước mọi việc diễn ra bên ngoài…”.
– Trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” ngày 21-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết: “‘Triều đình và vua quan (nhà Nguyễn) lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp khinh bỉ và nhân dân ghét”.
– Trong bài “Nên học sử ta” đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 1-2-1942, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập”. “Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa”.
– Trong bài diễn ca “Lịch sử nước ta”, do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản, tháng 2-1942, Nguyễn Ái Quốc đã viết về vua Gia Long như sau:
“Gia Long lại dấy can qua/ Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài/ Tự mình đã chẳng có tài/ Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây/ Nay ta mất nước thế này/ Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà/ Khác gì cõng rắn cắn gà/ Rước voi giày mả, thiệt là ngu si”.
Và Nguyễn Ái Quốc đã viết về vua Tự Đức như sau: “Nay ta mất nước nhà tan/ Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn/ Năm Tự Đức thập thất niên/ Nam kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây/ Hăm lăm năm sau trận này/ Trung kỳ cũng mất, Bắc kỳ cũng tan/ Ngàn năm gấm vóc giang san/ Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!/ Tội kia càng đắp càng dày/ Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”.
– Trong “Báo cáo đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài” họp tại thành phố Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), vào tháng 3-1944, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu: “Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước bán nước, cắt nhượng ba tỉnh Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho cho giặc Pháp”.
– Trong “Trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo” (Trung Quốc), ngày 3-4-1949, Hồ Chủ tịch đã viết bài về Bảo Đại – ông vua cuối cùng của vương triều Nguyễn như sau: “Vĩnh Thụy trở về nước với hơn 10.000 viện binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc”.
– Trong quyển “Thường thức chính trị” do NXB Sự thật ấn hành lần đầu năm 1954, Bác Hồ chỉ rõ: “Hơn 80 năm trước đây, đế quốc Pháp thấy nước ta người đông, của nhiều, bèn dùng vũ lực sang cướp nước ta. Giai cấp phong kiến (vua, quan) thì hủ bại hèn nhát, chỉ biết bán nước, không dám chống giặc”.
– Trong “Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” tại kỳ họp thứ XI Quốc hội khóa I, ngày 18-12-1959, Bác Hồ viết: “Giữa thế kỷ XIX, đế quốc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta: Bọn vua quan phong kiến đã đầu hàng giặc ngoại xâm và bán nước ta cho đế quốc Pháp. Trong gần một thế kỷ, đế quốc Pháp đã cấu kết với giai cấp phong kiến để thống trị nước ta một cách vô cùng tàn bạo”.
– Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (27-31/3/1935), đồng chí Tổng bí thư Lê Hồng Phong chỉ rõ: Chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ là “trả quyền cho bù nhìn Bảo Đại, cải cách Nam triều, lập nguyên lão nghị viện. Thi hành các chính sách ấy, không phải trở lại điều ước nô lệ năm 1884 như nhiều người đã tưởng mà là kiên cố quyền thống trị của đế quốc Pháp”.
– Trong Nghị quyết của cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ VI nổi tiếng (6-8/11/1939), do đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ trình bày, đã phân tích kỹ: “Chính phủ Nam triều Bảo Đại đã hoàn toàn bán mình cho đế quốc Pháp, làm tay sai đắc lực cho đế quốc trong cuộc đàn áp phong trào cách mệnh năm 1930-1931”. “Bảo Đại đã hoàn toàn làm nô lệ một cách vô liêm sỉ cho đế quốc” (website Đảng Cộng sản Việt Nam).
Không chỉ Bác Hồ, trong thế kỷ XX, các đồng chí lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… cũng đều đánh giá vương triều nhà Nguyễn và đều hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization), gọi tắt là UNESCO, Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến 20-11-1987, đã thông qua các nghị quyết về việc tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử, trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Bác là người thứ 21 được vinh danh trên toàn cầu từ trước đến năm 1987.
Trang bìa: Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 – 20-11-1987, Quyển 1: Nghị quyết.
Xem thêm bài: “Toàn văn nghị quyết của UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Vậy thì ngày nay, mọi toan tính của những kẻ “lật sử”, dù họ có là giáo sư tiến sĩ, dù họ cố tô vẽ rằng họ là những người “đổi mới tư duy”, dù họ có tổ chức cả trăm cái gọi là “hội thảo khoa học” nhưng một khi họ đi ngược lại CHÂN LÝ BÁC HỒ thì họ cũng sẽ thất bại thảm hại!
Lê Hương Lan
Nguồn: Google.Tiên lãng