Trang chủ Luận bàn - Phản biện ‘Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam’

‘Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam’

168
0

Sau khi ca ngợi “mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo: “không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời,…”

“Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”, câu trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của Việt Nam của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hôm qua đã gây sự quan tâm lớn của đông đảo người dân.

Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng trích dẫn câu trên tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố sau khi khẳng định các thành tích kinh tế nổi bật của năm qua như tăng trưởng cao trên 7%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 517 tỷ USD, dự trữ 80 tỷ USD.

Trên thực tế, WB đã khẳng định như vậy trong báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019. Định chế này dành những lời rất tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

‘Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam’Xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD

WB viết: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 – chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

WB làm rõ thành tích tăng trưởng như sau: “Năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới”.

Như vậy, mức tăng trưởng mà WB dự kiến còn thấp hơn mức tăng trưởng của Chính phủ đưa ra là 7,02%.

Tuy nhiên, trích dẫn điều gì cần đặt trong ngữ cảnh và trong trường hợp này cũng vậy. WB, sau khi ca ngợi như trên, đã viết: “Vì không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp cho khi sức cầu bên ngoài suy giảm. Mặc dù vậy, doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn”.

Đây chính là điểm nghẽn mang tính cơ cấu khi doanh nghiệp tư nhân trong nước giờ đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng, nhưng vẫn bị chèn ép, bị phân biệt đối xử. Điều này này không những được chứng tỏ ngay tại báo cáo cửa WB và các báo cáo của Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân gặp “trở ngại nghiêm trọng”

Ngay trong báo cáo trên, WB khuyến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh công cuộc phát triển khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, WB cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ. Khảo sát doanh nghiệp năm 2016 do WB thực hiện cho thấy cơ hội tiếp cận tài chính được nhận định là trở ngại nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cạnh tranh phi chính thống và tiếp đó là trình độ của người lao động.

“Vì vậy, xử lý những trở ngại về tiếp cận tài chính của doanh nghiệp cần được ưu tiên, nếu Chính phủ muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm”, WB khuyến nghị.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lại không tiếp cận được vốn vay do phân bổ tín dụng của ngân hàng từ trước đến nay vẫn nghiêng về phía khu vực nhà nước, bao gồm cả các DNNN hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng trên danh mục của các ngân hàng.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới đạt mức kỷ lục 138.000, thì tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 cũng cao ở mức kỷ lục 89.200.

WB khẳng định, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước có năng suất báo cáo dựa trên giá trị gia tăng trên mỗi người lao động chưa đạt đến 4000 đô la Mỹ/năm, thấp hơn từ hai đến năm lần so với DNNN và doanh nghiệp FDI.

Điều đáng lo ngại không kém là năng suất của các doanh nghiệp đó dường như đang giảm (chứ không phải tăng) do gặp phải quá nhiều cản trở trong những năm qua. Báo cáo môi trường kinh doanh gần đây của WB cho biết, mặc dù Việt Nam có thứ hạng khá tốt so với các quốc gia khác có cùng mức thu nhập theo đầu người, nhưng vẫn đứng sau các nền kinh tế phát triển ở Đông Á.

Việt Nam cũng chưa đạt được nhiều tiến triển trong những năm qua, thậm chí còn bị tụt một bậc trong năm 2020, sau khi có tiến triển tốt từ năm 2010 đến 2016 (tăng trên 20 bậc). Sự chậm tiến về thứ hạng cho thấy tiến độ cải cách về môi trường kinh doanh đã chững lại, ít nhất nếu so với các quốc gia khác. Các chỉ số con về kê khai và nộp thuế, thủ tục thương mại và đăng ký doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các cấp có thẩm quyền vì Việt Nam có thứ hạng ở vị trí trên 100 trong toàn bộ các chỉ tiêu đó theo báo cáo môi trường kinh doanh gần đây nhất.

WB khuyến nghị, Chính phủ nên đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước và giúp cân đối tốt hơn cho mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào sức cầu bên ngoài.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Trong vòng 3 năm qua, không có nước nào trên thế giới giảm được tỷ lệ nợ quốc gia như Việt Nam. Năm 2017 tỷ lệ nợ quốc gia khoảng 63,7% GDP nhưng năm 2019 chỉ còn 56% GDP . Nhưng việc giảm này chủ yếu lại là giảm đầu tư công, tức là Việt Nam không đầu tư mới dự án phát triển, điều sẽ  làm giảm khả năng phát triển của đất nước trong tương lai. Ví dụ, nhìn vào điện chúng ta không thấy có một dự án lớn nào trong mấy năm qua, và cung điện đến mức đỉnh rồi. Hay là cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng không có các dự án lớn về đường bộ. ODA được giải ngân chậm nhất trong vòng 20 năm qua. Những việc đó sẽ tạo ra vấn đề trong tương lai.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng tắc. Kể từ năm 2017 chúng ta bán Sabeco, và sau đó đến nay chúng ta không thấy một vụ nào lớn nữa được cổ phần hóa. Trong các năm tới 2020, 2021 tôi nghĩ sẽ khó có thể xảy ra cái gì đột biến. Chúng ta sẽ có xu hướng đi xuống trong tiến trình cổ phần hóa và đây là rủi ro cho Việt Nam, tạo ra định hướng khó lường cho cải cách.

Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2019, nhưng tốc độ tăng tổng thể phản ánh hai quỹ đạo khác biệt. Một mặt, tăng trưởng gia tốc mạnh ở thị trường Mỹ (tăng trên 10 điểm phần trăm từ 2018 đến 2019), mặt khác, tăng trưởng ở các thị trường ngoài Mỹ lại giảm (giảm gần 10 điểm phần trăm).

Tư Giang

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây