Theo SCMP, trong động thái mới nhất, Malaysia đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn khi Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah gọi yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, là “nực cười”.
“Với việc Trung Quốc tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc Trung Quốc, tôi nghĩ đó là chuyện nực cười”, ông Saifuddin phát biểu tại Kuala Lumpur hôm 20/12.
Những bình luận của Ngoại trưởng Saifuddin được đưa chỉ vài ngày sau khi Malaysia ngày 13/12 trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc đề nghị thiết lập giới hạn thềm lục địa của nước này trên Biển Đông.
Hồ sơ đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc của Malaysia nhằm thiết lập giới hạn thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý. Trung Quốc đã phản đối động thái của Malaysia, cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh và vi phạm quy tắc quốc tế, đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc không xem xét hồ sơ của Malaysia.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh các nước Đông Nam Á dường như đang đẩy mạnh lập trường về vấn đề Biển Đông và tìm cách phối hợp chặt chẽ hơn khi thời điểm hạn chót cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc đang tới gần.
Trung Quốc đang đàm phán với 10 nước thành viên ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Hai bên đặt mục tiêu đi đến thống nhất trước năm 2021.
Bất chấp cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines hồi tháng trước đã thông báo một kế hoạch tham vọng nhằm mở rộng lực lượng phòng vệ bờ biển của nước này.
Theo báo Inquirer (Philippines), chính quyền Philippines muốn tăng cường thêm 4.000 nhân sự mới cho các nhóm phòng vệ bờ biển trước cuối năm nay và thêm 6.000 nhân sự nữa vào năm tới.
Mục tiêu của Philippines nhằm bổ sung thêm 25.000 nhân sự trước năm 2025, trong bối cảnh Manila đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc. Các tàu này từng chặn các tàu của Philippines trong cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông, hồi năm 2012.
Theo Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể đang sử dụng chiến thuật “phòng ngừa” để bảo vệ các lợi ích của mình.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể đang tìm cách củng cố lập trường của họ về vấn để Biển Đông “nhiều nhất có thể” trước khi một bộ quy tắc ứng xử được hoàn tất.
“Phần lớn các bên đều tìm cách tự kiềm chế để giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát, cũng là để tạo điều kiện cho bầu không khí có lợi cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một số nước có tuyên bố chủ quyền (trên Biển Đông) có thể vẫn tiếp tục những động thái nhằm củng cố lập trường của họ trên Biển Đông, và sẽ hành động nhiều nhất có thể trước khi các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử kết thúc và đặt ra những rào cản với họ trong tương lai, hoặc các nước cũng có thể tiếp tục sử dụng những động thái như vậy để tăng cường sức mạnh mặc cả trong các cuộc đàm phán”, chuyên gia Koh nhận định.
Theo ông Koh, Mỹ có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Đây là cách để Mỹ “tác động tới tất cả các bên tham gia vào các cuộc đàm phán bộ quy tắc ứng xử rằng, những lợi ích cốt lõi của các quốc gia sử dụng hàng hải quốc tế, đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không, không nên bị đem ra thỏa hiệp dưới bất kỳ hình thức nào”.
Theo chuyên gia Zhang, Trung Quốc khó có thể phản ứng mạnh mẽ với các động thái gần đây của các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông. Ông Zhang cho rằng, Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các vấn đề trong nước, biểu tình ở Hong Kong, chiến tranh thương mại với Mỹ và sự sụt giảm của nền kinh tế.
Ngọc Hoàng
Nguồn: Cánh cò