Trước việc VN và EU tiến hành thương thuyết, thông qua Hiệp định thương mại EVFTA, suốt trong mấy năm qua, các tổ chức chống Nhà nước Việt Nam đã tỏ thái độ với hiệp định EVFTA theo 3 hướng khác nhau.
Nhóm thứ nhất – đòi hủy toàn bộ hiệp định EVFTA – quy tụ Việt Tân và hàng chục tổ chức thân hữu, bao gồm Hội Anh em Dân chủ. Chẳng hạn, trong kiến nghị mang tên “Không giao thương với chế độ thiếu tự do”, đề ngày 06/06/2018, họ đòi EU không mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam trước khi Việt Nam “thả hết các tù nhân chính trị”, “tuyệt đối tôn trọng quyền tự do hội họp và tự do thông tin”.
Nhóm thứ hai – tiếp cận EVFTA theo lối “vừa đánh vừa đàm” – quy tụ VETO, Hội Nhà báo Độc lập, Lao Động Việt, VOICE, Green Trees, Nhật ký Yêu nước… Chẳng hạn, trong “Tuyên bố chung của XHDS độc lập gửi EU” (23/02/2017); cùng các bài viết của Thục Quyên, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Anh Tuấn; các tổ chức này đòi EU gây sức ép, buộc Việt Nam công nhận quyền tự do hội họp và cho “xã hội dân sự độc lập” tham gia giám sát vấn đề nhân quyền trong Hiệp định, trước khi Hiệp định được thông qua.
Nhóm thứ ba – muốn EVFTA sớm được thông qua để kinh tế Việt Nam khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, và Việt Nam phải tuân thủ các quy định về nhân quyền của Hiệp định – chỉ quy tụ các thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự, nổi bật là ông Nguyễn Quang A. Quan điểm của nhóm này được thể hiện rõ nhất qua bài viết “Ủng hộ hay phản đối EVFTA từ viễn cảnh các quyền con người và dân chủ hoá” (Lão Mà Chưa An, 03/10/2018).
Sau khi “vườn rau Lộc Hưng” bị giải phóng mặt bằng vào tháng 01/2019, khiến nhiều nhân sự của nhóm “vừa đánh vừa đàm” mất nơi trú ẩn, nhóm này tập trung hơn vào vế “đánh”, khi đòi INTA hoãn EVFTA cho đến khi Việt Nam có cải thiện cụ thể về nhân quyền. Sự thay đổi thái độ này thể hiện qua bài viết “Vườn rau và EVFTA” của Thục Quyên (thành viên VETO); qua ý kiến của VETO và VOICE trong buổi điều trần trước Ủy ban Nhân quyền EP hôm 26/09/2019, và qua việc Hội Nhà báo Độc lập, Nhật ký Yêu nước, Luật khoa Tạp chí (dưới tên Legal Initiatives for Vietnam) tham gia ký các thư ngỏ đòi hoãn EVFTA vào các ngày 24/01 và 04/11/2019. Qua việc Việt Tân tham gia ký thư ngỏ ngày 04/11, có thể thấy nhóm “đòi hủy” cũng đã điều chỉnh lại yêu sách của mình, để hành động chung với nhóm “vừa đánh vừa đàm”. Trong lúc đó, nhóm “ủng hộ” EVFTA im lặng.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, hôm 05/12/2019, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đã gặp một số gương mặt chống đối ở Việt Nam – bao gồm Nguyễn Quang A, Nguyễn Chí Tuyến (No-U), Nguyễn Anh Tuấn (VOICE), Cao Vĩnh Thịnh (Green Trees) – để trao đổi về tình hình xã hội dân sự Việt Nam. Hôm 10/12, điện Sứ quán các nước Visegrad, Czech, Balan, Slovak và Hungary tiếp tục gặp Nguyễn Quang A, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Anh Tuấn, Đinh Phương Thảo (VOICE). Họ đã trao đổi về vấn đề EVFTA trong cả 2 cuộc gặp.
Khi Michaelis hỏi rằng nước Đức có thể làm gì để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Nguyễn Quang A trả lời: “điều quan trọng nhất là Việt Nam phải thể chế hóa những sự thay đổi, tức là biến các cam kết [quốc tế] thành luật của Việt Nam và thực thi chính các luật của Việt Nam”. Như vậy, thái độ của ông Quang A với EVFTA chưa thay đổi (do Việt Nam chỉ có trách nhiệm thực hiện các cam kết sau khi Hiệp định có hiệu lực). Ngày 09/12, Nguyễn Thục Quyên (VETO, Hội Nhà báo Độc lập) viết bài công kích thái độ này của Quang A, dẫn đến tranh cãi với Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm).
Trong khi đó, vì 4 người còn lại chưa công khai các phát biểu của họ trong cuộc gặp, hiện chưa rõ họ có hay không kêu gọi hoãn Hiệp định. Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, quan điểm của ông Quang A có phần đúng, vì Việt Nam không có trách nhiệm tuân thủ các quy định của EVFTA trước khi hiệp định này có hiệu lực. Đòi Việt Nam làm điều đó, thì cũng không khác gì đòi Việt Nam chưa bóc bánh đã trả tiền.
Thứ hai, chúng tôi hy vọng cô Phạm Đoan Trang – cựu cư dân “vườn rau Lộc Hưng”, kiêm thành viên của VOICE, Luật khoa Tạp chí và Nhật ký Yêu nước – sớm cho biết cô có hay không đồng quan điểm với 3 tổ chức này trong vấn đề EVFTA.
Thứ ba, giới chống Cộng nên lưu ý rằng hiệp định EVFTA không chỉ ảnh hưởng đến họ, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của một phần không nhỏ người dân Việt Nam. Nếu họ quyết định chống hiệp định này vì lợi ích của riêng mình, mà không tham khảo ý kiến của người dân, thì họ không có tư cách tự xưng là một phong trào dân chủ.
Nguồn: Loa phường